Theo PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cuộc sống bận rộn và môi trường làm việc hiện nay tạo nhiều thói quen xấu kéo dài, dễ dẫn đến bệnh trĩ. Đây là chứng bệnh gây đau đớn và mất tự tin, song nếu hiểu rõ có thể ngừa bệnh.
Dưới đây là 10 thói quen gây trĩ cần tránh:
Ngồi một chỗ quá lâu
Ngồi nhiều một chỗ liên tục, ít vận động sẽ khiến toàn bộ áp lực cơ thể dồn xuống vùng hậu môn, trực tràng. Điều này làm cản trở lưu thông máu, khiến các tĩnh mạch trĩ sưng phồng quá mức gây nguy cơ mắc bệnh trĩ rất cao.
![Người ngồi một chỗ quá lâu có nguy cơ mắc trĩ rất cao. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/08/06/asian-designers-workplace-1691-2421-9815-1691329241.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OiQLIF4O5ZVT4aBXJBZJ1g)
Người ngồi một chỗ quá lâu có nguy cơ mắc trĩ rất cao. Ảnh: Freepik
Nhịn vệ sinh
Khi nhịn đại tiện, đại tràng thường xuyên rút bớt nước từ chất thải đường tiêu hóa và để càng lâu thì phân càng khô cứng, khó ra ngoài, dẫn đến táo bón. Lúc đó, việc cố gắng "rặn" để đưa chất thải ra ngoài sẽ tác động lên tĩnh mạch một lực rất lớn, hình thành bệnh trĩ.
Đi vệ sinh quá lâu
Nhiều người có thói quen vào nhà vệ sinh ngồi lâu để đọc truyện, chơi game trên điện thoại... Điều này khiến các tĩnh mạch tại trực tràng phải chịu áp lực lớn từ trọng lực cơ thể, lâu dần dễ gây trĩ.
Không trị dứt bệnh táo bón
Trong thời gian dài bị táo bón, các cơ vùng hậu môn phải chịu áp lực rất lớn mỗi khi đi đại tiện. Đồng thời, chúng có thể bị viêm nhiễm do quá trình đi ngoài khó khăn, không có sự điều trị phù hợp, dẫn đến tình trạng giãn cơ hậu môn, cuối cùng là bệnh trĩ.
Lười ăn rau quả, trái cây
Thiếu chất xơ là nguyên nhân hàng đầu gây táo bón và hệ lụy khó tránh khỏi là nguy cơ mắc bệnh.
Ăn nhiều đồ cay nóng
Tương tự như việc lười ăn rau, ăn quá nhiều đồ cay nóng cũng dễ táo bón do việc đi vệ sinh diễn ra khó khăn hơn. Về lâu dài, tình trạng này sẽ dẫn đến bệnh trĩ.
Không uống đủ nước
Nước là thành phần quan trọng để duy trì hoạt động các bộ phận trong cơ thể. Thiếu nước sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa, sự co bóp của hậu môn yếu, gây táo bón và lâu dần sẽ hình thành trĩ.
![Thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa, dễ gây bệnh trĩ. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/08/06/elder-woman-struggling-with-hi-7624-3628-1691329241.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jENaXsqsUtzCF_xL1JZw5g)
Thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa, dễ gây bệnh trĩ. Ảnh: Freepik
Làm việc nặng thường xuyên
Những người bị viêm phế quản mạn tính, bị giãn phế quản, ho nhiều, người thường xuyên làm việc nặng gây áp lực từ vùng ổ bụng xuống vùng hậu môn khiến các tĩnh mạch suy yếu, lâu dần là nguyên nhân gây bệnh trĩ.
Căng thẳng
Khi bị căng thẳng, não sẽ sản sinh ra một chất gây áp lực lên cơ thể. Chất này gây cảm giác mỏi, hệ tiêu hóa bị ức chế, co giãn cơ vùng hậu môn bị giảm, cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh.
Quan hệ bằng hậu môn
Vốn dĩ hậu môn không được tạo hóa thiết kế phù hợp cho quan hệ nên việc bị xước, thủng, rách niêm mạc là điều thường xuyên xảy ra đối với người có thói quen này. Nếu khu vực này bị viêm nhiễm, dễ dẫn đến viêm xương chậu, thậm chí bệnh trĩ.
Mỹ Ý