Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất Việt Nam hiện nay gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục, Mỹ, đảo Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Australia, Ấn Độ. Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đón gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 13 lần so cùng kỳ năm ngoái và bằng 63% so 2019. Trong đó 10 thị trường khách lớn nhất đạt hơn 3,3 triệu lượt, chiếm 71% tổng lượng khách.
Danh sách top 10 có sự thay đổi trước và sau dịch. Từ 2019 trở về trước, Nga, Anh hoặc Pháp thường nằm trong danh sách các nước có lượt khách đến Việt Nam cao nhất. Sau dịch, thị trường châu Âu rời top, thay vào đó là Campuchia và Ấn Độ. Tình hình kinh tế, chính trị bất ổn ở châu Âu sau khi xảy ra chiến sự Nga - Ukraine vào năm 2022 ảnh hưởng lớn đến việc đi du lịch của tệp khách hàng này.
"Khách không đi xa và dài ngày như trước dịch", Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Huỳnh Phan Phương Hoàng nhận định.
Trước dịch, Trung Quốc là thị trường đông khách số một tại Việt Nam khi chiếm khoảng 30% tổng lượng khách. Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách trong đó Trung Quốc đóng góp 5,8 triệu lượt. Sau dịch, Hàn Quốc vươn lên là thị trường khách lớn nhất với 1,3 triệu lượt, Trung Quốc đứng thứ hai. Tuy nhiên, khi các thị trường khác trong top 10 ghi nhận sự sụt giảm khách trong tháng 5, kể cả Hàn Quốc, trong khách Trung Quốc đang tăng trưởng.
Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông công ty du lịch Vietluxtour Trần Thị Bảo Thu cho biết lượng khách Trung tăng dần đều do nhiều yếu tố như nhu cầu đi du lịch nước ngoài "tồn" trong thời gian dịch bệnh.
Chi phí du lịch vừa phải, các tuyến bay thẳng với lộ trình bay ngắn, đồ ăn ngon, biển đẹp cũng là những yếu tố để khách Trung chọn Việt Nam cho kế hoạch du lịch sau Covid-19. Theo dự đoán từ thị trường, lượng khách đại lục tăng mạnh hơn từ đầu hè đến khoảng cuối quý III.
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng nhận định để tiếp tục thu hút khách nằm trong top 10, ngành du lịch Việt Nam cần có chiến lược cụ thể, xác định rõ mục tiêu, phân khúc khách hàng của từng thị trường, từ đó nghiên cứu thói quen, sở thích của từng tệp khách để đưa ra các chiến lược phù hợp.
"Có thể tập trung vào một thị trường khách nhất định, đưa ra các chiến dịch hút khách nhằm gây tiếng vang lớn. Khách ở các thị trường khác cũng sẽ quan tâm và đến nhiều hơn", ông Thắng nói.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ càng điểm mạnh, yếu của các điểm đến cạnh tranh như Thái Lan, Malaysia để rút ra bài học cho chính mình trong việc thu hút khách du lịch. Cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch với các nước Đông Bắc Á, tạo ra các sản phẩm độc đáo hút thị trường Đông Nam Á và lên chiến lược hút khách Âu, Mỹ cho năm 2024 vì tệp khách này thường lên kế hoạch du lịch trước 6-12 tháng.
Ngoài 10 thị trường kể trên, theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Việt Nam cũng cần tập trung khai thác những điểm mới như Ấn Độ, Trung Đông. Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội từng cho biết đây là thị trường "mới và khó nhưng là thị trường hấp dẫn vì khách chi tiêu mạnh" và cần "đánh đúng gu của họ" để thu hút.
Phương Anh