Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 3 ước đạt hơn 895.000 lượt, giảm 4% so với tháng trước. So với cùng kỳ 2022, lượng khách tháng này tăng hơn 20 lần, bằng 64% năm 2019. Tổng lượt khách quốc tế ước đạt 2,7 triệu lượt trong quý I, gấp 30 lần so cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ bằng 60% trước dịch.
Châu Á dẫn đầu lượng khách quý I. Hàn Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất, ước đạt hơn 810.000 lượt trong ba tháng đầu năm, tăng 55% so với cùng kỳ 2022 và bằng 81% trước dịch. Thứ hai là Trung Quốc (gồm đại lục, Đài Loan và Hong Kong) với hơn 270.000 lượt nhưng còn cách xa con số 1,4 triệu lượt so cùng kỳ 2019.
Trước dịch, Trung Quốc là thị trường lớn nhất, khi chiếm hơn 30% lượng khách ghé thăm. Dù vậy trong năm nay, tệp khách này vẫn còn "nhỏ giọt". Phó chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng Nguyễn Minh Sang từng chia sẻ sau mốc 15/3, khi khách Trung được phép sang Việt Nam du lịch theo đoàn, doanh nghiệp hai bên mới bắt đầu xúc tiến, trao đổi thông tin và gom khách.
Đứng thứ ba trong top thị trường khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất trong quý này là Mỹ, với hơn 200.000 lượt, tăng hơn 200% so cùng kỳ năm 2022, bằng 96% năm 2019.
Thái Lan là thị trường khách quốc tế lớn nhất Đông Nam Á đến Việt Nam, với hơn 145.000 lượt trong ba tháng, tăng 96% so cùng kỳ năm ngoái và 116% với 2019. Tiếp đến là Campuchia cùng Singapore, với lượng khách đến đạt 95.000 và 76.000 lượt, tăng 48% và 75% so 2022. Lượng khách của hai nước này đến Việt Nam trong 2023 cũng tăng so trước dịch, lần lượt là 191% và 139%.
Báo cáo từ Tổng cục cũng chỉ ra doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I ước đạt 161.000 tỷ đồng (năm 2019 đạt 140.000 tỷ), tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu của một số địa phương tăng như Hà Nội (12,5%) Đà Nẵng (73,5%), Quảng Ninh (43,1%); TP HCM (37,2%).
Doanh thu du lịch lữ hành quý I ước đạt 6.800 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ 2022 do các hoạt động văn hóa, du lịch những tháng đầu năm diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng 62% so với 2019.
Phương Anh