Tàu ngầm lớp Ohio được đánh giá là tàu ngầm hạt nhân hàng đầu thế giới hiện nay. Đây là tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ 4 của Mỹ, do công ty General Dynamics sản xuất, tổng cộng có 18 chiếc. Tàu có trọng tải 16,764 tấn khi nổi, 18,750 tấn khi hoạt động ngầm, tốc độ 36,8 km/h. Tàu được trang bị 24 ống phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân Trident II, ngư lôi hạng nặng Mk48 với 4 ống phóng. Tầm bắn tối đa của tên lửa lên đến hơn 20.000 km, độ chính xác 90 m, mỗi tên lửa mang 12 đầu đạn hạt nhân. Tàu ngầm lớp Borey của Nga, thuộc đề án 955, được xếp hạng thứ 2. Nga dự kiến sản xuất 8 chiếc tàu ngầm lớp này trước năm 2017, trong đó 7 chiếc sẽ được hoàn thành trước năm 2015 và phục vụ trong hải quân Nga. Tàu có trọng tải choán nước 14.488 tấn khi nổi, 23.621 tấn khi lặn, được trang bị 6 ống ngư lôi 533 mm, 16 tên lửa RSM-56 Bulava với 6-10 đầu đạn mỗi quả. Tàu ngầm lớp Vanguard là tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới của Hải quân Hoàng gia Anh, mô phỏng tàu lớp Ohio của Mỹ nhưng nhỏ gọn hơn. 3 trong 4 chiếc tàu ngầm lớp Vanguard đã đi vào hoạt động trong hải quân Anh. Tàu sử dụng một lò phản ứng hạt nhân áp lực hơi nước RR2 gồm 2 động cơ hơi nước với công suất 27.500 mã lực và 2 động cơ diezen với công suất 2.700 mã lực. Vũ khí gồm 16 quả tên lửa Trident II, tầm phóng 12 nghìn km và 4 ống phóng ngư lôi 533 mm. Tàu ngầm lớp Typhoon của Nga là tàu ngầm lớn nhất thế giới với tải trọng 25.000 tấn. Typhoon được coi là cơn ác mộng cho các nước phương Tây trong thời Chiến tranh Lạnh. Vũ khí được trang bị cho tàu gồm 4 ống phóng ngư lôi loại 533 mm, 2 ống phóng ngư lôi loại 650 mm dùng để phóng ngư lôi chống hạm loại 53-65K, ngư lôi tự động loại C3T-65 và CA3T-60M. Ngoài ra, tàu còn được trang bị 20 tên lửa đạn đạo SS-N-20, trang bị nhiều đầu đạn hạt nhân cùng ngư lôi và tên lửa chống tàu chiến khác, Typhoon có khả năng tấn công 10 mục tiêu khác nhau chỉ với một lần nhấn nút. Tàu ngầm hạt nhân lớp Delta của Nga, phát triển từ thời Liên Xô những năm 1970. Loại tàu này gồm các lớp Delta I đến IV. Lớp Delta I có thể mang 12 tên lửa, Delta II mở rộng có thể mang 16 tên lửa, Delta III và IV mang theo 16 tên lửa với nhiều đầu đạn và các thiết bị điện tử cải tiến và cải thiện tiếng ồn. Tàu ngầm lớp Tấn 094 của Trung Quốc là sự cải tiến của tàu ngầm lớp 093. Tàu được biên chế cho hải quân Trung Quốc từ năm 2005. Tàu được trang bị 16 quả tên lửa đạn đạo phóng ngầm JL-2 với 144 đầu đạn hạt nhân, có tầm phóng từ 10.000-12.000 km. Tàu có 2 lò phản ứng hạt nhân với công suất 20000 mã lực, tốc độ 26 hải lý/giờ. Tàu ngầm lớp Le Redoutable của Pháp hiện nay tuy không còn được sử dụng nhưng loại tàu này vẫn được đánh giá là một trong những tàu ngầm hạt nhân khiến cho đối phương khiếp sợ. Tàu được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533 mm, với 18 quả ngư lôi và tên lửa M20, tầm phóng 1.900 hải lý. Tàu ngầm tên lửa đạn đạo thế hệ thứ ba, lớp Le Triomphant được hải quân Pháp bắt đầu phát triển từ năm 1982 và bàn giao cho hải quân sử dụng từ năm 1996. Tàu gồm một lò phản ứng hạt nhân loại K-15, 2 động cơ hơi nước, 1 tua bin điện, công suất 41.000 mã lực. Vũ khí gồm 4 ống phóng ngư lôi loại 533 mm dùng để phóng ngư lôi và tên lửa chống ngầm, 16 tên lửa đạn đạo M45 với mỗi quả mang được 6 đầu đạn, tầm phóng 11.000 km, radar dẫn đường RACAL 1229, hệ thống số liệu tác chiến SAD, hệ thống khống chế vũ khí SAT và DLA4A, hệ thống đối kháng điện tử ARUR-13/DR-3000U và các thiết bị chống ồn khác. Rafael là tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ 3, sau lớp George Washington và Ethan Allen, của hải quân Mỹ. So với hai thế hệ trước, lớp tàu Rafael được trang bị các tên lửa đạn đạo tầm xa hơn, với hệ thống chỉ huy được cải tiến hơn. Tàu được trang bị lò phản ứng hạt nhân có thể hoạt động liên tục trong vòng 6 năm và vũ khí gồm 16 quả tên lửa đạn đạo, 12 ngư lôi, 4 ống phóng ngư lôi loại 533 mm. Tàu ngầm lớp Resolution được Anh đóng vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Hiện nay hải quân Anh có 4 tàu loại này. Tàu được trang bị 16 quả tên lửa đạn đạo, tầm phóng 4.630 km, 6 ống phóng ngư lôi loại 533 mm. Vũ Hà (Ảnh: People's Daily)