Bác sĩ Lê Vi Anh, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, giải thích mụn trứng cá là một bệnh của nang lông tuyến bã được biểu hiện với nhiều dạng tổn thương như nhân trứng cá, sẩn viêm, mụn mủ, cục, nang trứng cá... Bệnh để lại sẹo lồi lõm, thường gặp ở nam, nữ tuổi dậy thì cho đến tuổi 30, 40. Một số trường hợp mụn giảm, nhưng ở nhiều người bệnh vẫn tiến triển, dai dẳng từng đợt. Nếu không được điều trị kịp thời, mụn trứng cá có thể để lại sẹo vĩnh viễn.
Nguyên nhân mụn trứng cá rất đa dạng như nội tiết, tiêu hóa, đặc biệt là tuyến sinh dục... Vai trò của các tạp khuẩn trên da, trong đó tụ cầu, liên cầu và nhất là Cutibacterium acnes cũng không thể loại trừ. Các vi khuẩn này thường ở trong nang lông, thủy phân chất bã thành acid béo, gây kích thích và viêm tổ chức nang lông. Ngoài ra, mụn trứng cá có thể do dị ứng thức ăn, thuốc hoặc do thiếu vitamin B2.
Có 3 cơ chế chính gây nên mụn trứng cá là sự tăng tiết bã nhờn, sừng hóa cổ nang lông tuyến bã và vai trò của vi khuẩn trong nang lông.
Còn da nhạy cảm xuất hiện khi hàng rào chức năng tự nhiên của da mất khả năng bảo vệ, quá trình mất nước giữa các biểu bì diễn ra quá mức và các tác nhân bên ngoài dễ dàng xâm nhập vào trong da. Khi vùng da mặt tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời, tia UV, ô nhiễm, một số thành phần trong mỹ phẩm và chất làm sạch sẽ khiến cho tình da nhạy cảm trở nên nặng hơn.
Hai yếu tố dễ làm giảm vẻ đẹp và sức khỏe da chính là mụn và da nhạy cảm. Ngoài yếu tố nội sinh còn có yếu tố khách quan. Do đó, hiểu và khắc phục sớm sẽ có tác dụng giúp da đẹp, sáng láng hơn.
Bác sĩ Vi Anh chỉ ra 10 sai lầm chăm sóc da làm tăng mụn và nhạy cảm.
Làm sạch không đúng cách
Duy trì thói quen tẩy rửa không đúng cách như làm sạch da quá thường xuyên, quá lâu và sử dụng chất tẩy rửa khắc nghiệt chính là nguyên nhân khiến da dễ sinh mụn và nhạy cảm.
Gây tổn thương da
Nhiều người dùng khăn lau trang điểm và khăn tẩy trang khô cứng gây tổn thương da, từ đó khiến da nhạy cảm hơn, dễ bị mụn. Nên sử dụng vải mềm, bông mềm, lau nhẹ nhàng có thể, tránh dùng khăn khô ráp.
Để lại nước tẩy trang trên da
Hãy nhớ rửa thật nhẹ nhàng toàn bộ nước tẩy trang trên da sau khi sử dụng. Nước tẩy trang có chất tẩy nhẹ hơn chất tẩy tạo bọt thông thường nhưng vẫn chứa chất hòa tan các loại dầu và lipid tự nhiên trong da mà bạn muốn bảo vệ.
Chăm sóc tất cả vùng da như nhau
Các vùng da khác nhau nên áp dụng chế độ chăm sóc da khác nhau phù hợp. Ví dụ, chỉ đắp mặt nạ đất sét và các nguyên liệu làm khô ở vùng da nhờn, không sử dụng trên toàn bộ khuôn mặt.
Sử dụng mọi thành phần hoạt tính
Rất nhiều người bị mụn trứng cá tin rằng mỗi sản phẩm đều có tác dụng cho làn da bị mụn. Song, chỉ nên sử dụng các phương pháp điều trị tích cực nếu thực sự cần. Từ tuổi thiếu niên đến đầu tuổi 30, việc cấp ẩm và dưỡng ẩm cho da là quan trọng nhất.
Không dưỡng ẩm cho da nhờn
Da nhờn thường ẩm, nhưng dưỡng ẩm và nuôi dưỡng làn da dầu thực sự có ích, giúp da ở trạng thái cân bằng. Nếu ngại dưỡng ẩm cho làn da nhờn, hãy bắt đầu bằng các dạng gel dưỡng ẩm nhẹ và mát sẽ có tác dụng tích cực.
Sử dụng quá nhiều thuốc trị mụn
Thuốc trị mụn trứng cá như axit salicylic và benzoyl peroxide có thể hiệu quả chỉ sau một đêm. Tuy nhiên, thay vì sử dụng thuốc mỗi ngày, hãy dùng có giới hạn để giúp da tự sửa chữa và phục hồi, không nên quá lệ thuộc vào thuốc trị mụn.
Lạm dụng sản phẩm hơn mức cần thiết
Hãy xác định những gì làn da của cơ thể cần. Không có tối thiểu, nhưng hãy đảm bảo mỗi sản phẩm chăm sóc da có một mục đích và chức năng cụ thể. Dùng nhiều hơn chưa chắc tốt mà còn gây hại cho da.
Chống lão hóa quá sớm
Chống lão hóa quá sớm có thể khiến da căng thẳng không cần thiết. Ví dụ, những người ở độ tuổi thanh thiếu niên và đôi mươi, da căng và sáng nên không cần chống lão hóa. Hãy đảm bảo làn da đủ nước và sử dụng kem chống nắng mỗi ngày.
Sử dụng áo, vỏ gối bông
Loại áo, vỏ gối bông thường dễ bắt bụi, gây kích ứng, viêm nhiễm da. Nên dùng vỏ gối lụa vì loại này mềm, vệ sinh và điều hòa nhiệt độ tốt hơn, tốt cho làn da, mái tóc và sức khỏe tổng thể.
Mỹ Ý