Chủ nhật, 28/4/2024
Thứ tư, 3/7/2019, 12:39 (GMT+7)

10 nguyên nhân khiến bạn chảy nước mắt

Viêm, tắc tuyến lệ hay mắc dị vật, xước mắt khiến bạn chảy nước mắt không ngừng.

Khi trong mắt xuất hiện dị vật như bụi hoặc lông mi, cơ thể sẽ sản sinh nhiều nước mắt hơn để đẩy dị vật ra. Bên cạnh đó, những vật mà bạn không thể nhìn thấy bằng mắt thường như các phân tử trong khói hay hóa chất trong hành cũng có thể khiến mắt chảy nước.

Đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là nguyên nhân phổ biến gây chảy nước mắt ở cả trẻ em và người lớn. Tình trạng này khiến một hoặc cả hai bên mắt đỏ, ngứa và như thể có cát ở trong. Vi khuẩn hoặc virus là tác nhân gây bệnh phổ biến.

Viêm mí mắt khiến mí mắt sưng, mắt có cảm giác châm chích và chảy nước, đỏ, ngứa. Nguyên nhân có thể là do nhiễm trùng, chứng đỏ mặt (roseacea) hoặc dị ứng. Tình trạng này thường tự biến mất, điều trị sẽ nhanh khỏi hơn.

Thông thường, nước mắt chảy ra từ tuyến lệ bên trên mắt, tràn ra bề mặt nhãn cầu và chảy vào các tuyến ở khóe mắt. Các tuyến này bị tắc, nước mắt sẽ đọng lại và khiến mắt ướt. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như nhiễm khuẩn, chấn thương, thậm chí lão hóa.

Bụi, cát và kính áp tròng có thể làm xước giác mạc, khiến mắt đỏ, đau, chảy nước mắt và nhạy cảm với ánh sáng. Dù các vết xước này thường tự khỏi trong hai ngày, bạn nên đến bác sĩ để đảm bảo không bị nhiễm trùng.

Các vấn đề với lông mi cũng khiến mắt chảy nước. Lông mi có thể mọc vào phía trong thay vì cong ra ngoài, chà xát vào mắt. Đây là chứng lông quặm, thường xảy ra sau nhiễm trùng, chấn thương hoặc một số vấn đề khác.

Mắt khô do cơ thể không sản sinh đủ nước mắt hay khô quá nhanh, hoặc do sự mất cân bằng nước, dầu và niêm dịch. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tạo ra nhiều nước mắt hơn.

Lẹo mắt là cục u nhỏ, sưng đau ở rìa mí mắt có thể làm mắt ướt. Vi khuẩn là nguyên nhân gây lẹo mắt và sẽ tự biến mất trong vài ngày. Không nên cố nặn lẹo như nặn mụn khiến cho vi khuẩn lây lan.

Mắt ướt, ngứa thường đi kèm với ho, sổ mũi và các triệu chứng khác có thể do dị ứng mắt. Cảm lạnh cũng khiến mắt chảy nước, nhưng không làm mắt ngứa. Đây là cách để phân biệt cảm lạnh và dị ứng.

Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác dẫn đến chảy nước mắt như nhiễm trùng, viêm khớp, bệnh tuyến giáp... Nếu chảy nước mắt thường xuyên, bạn nên đến bác sĩ khám để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Thùy Anh (Theo Web MD