Mười ngày nay, 3 người nhà ông chưa ai bước chân qua ngưỡng cửa nhà. Và cũng là từng đó ngày, hơn 2.000 mái nhà của xã Hương Toàn, và gần như cả thị xã Hương Trà quê ông co ro trong biển nước lũ. Những âm thanh duy nhất họ nghe thấy, lặp đi lặp lại: mưa đổ, gió rít, và động cơ xuồng cứu hộ.
Lão nông 60 tuổi Huỳnh Kim Lương đứng trong vuông nhà le lói ánh nến, ngổn ngang tủ, chạn, áo quần, xoong chảo, bối rối không có chỗ mời khách ngồi. "21 năm nay, mới gặp lại một trận đại hồng thuỷ", ông than.
Trong cả hai lần nước lên, thứ duy nhất trong nhà không bị chìm là cái bàn thờ. Trận lũ năm nay, họ có cái bàn học của cô con gái lớp 12, được tận dụng thành chỗ nấu nướng.
Như nhiều cư dân miền Trung khác, vợ chồng ông tự hào mình đẻ ra với tâm thế sống chung với lũ. Đầu tháng 10, nhận tin sắp mưa bão, bà Hoa đi xay thêm 2 yến gạo đổ đầy thùng nhựa, trữ 2 kg cá khô, đậu phộng. Kinh nghiệm dạy họ không tích thịt tươi, vì bão lớn, nhất định cắt điện. Và họ đúng.
6h sáng ngày 9/10, ông Lương mở cửa nhà sau một đêm mưa, nước đã ngấp nghé nấc cao nhất của bậc tam cấp. Nửa ngày tiếp theo, nước mưa dâng lên mỗi giờ, tràn vào nhà. Tiếng mưa rơi át tiếng người hò nhau chạy lũ quanh làng.
Cô con gái hối hả tìm túi nilon bọc hết đống sách vở mới mua cho năm học cuối cấp. Vợ chồng già bì bõm sơ tán những thứ đáng giá nhất trong nhà như tủ lạnh, TV, bếp ga, chất lên chiếc bàn được đôn cao 4 chân bằng những khối cây.
Xã Hương Toàn ban sáng vẫn xanh đồng đỏ ngói, đến chiều đã thành biển nước đục ngầu. Điện bị cắt, cả một vùng nước mênh mông hàng chục km dọc QL 1 chìm trong bóng tối.
Sáng hôm sau, cách đó 6 km, tại xã Hương Văn, gia đình bà Lê Thị Thục vừa tỉnh dậy sau một đêm gần như thức trắng "canh nước". "Gọi là canh thôi, chứ mình thức hay ngủ, nước vẫn lên, nhưng thức nhìn nước lên thì yên tâm một tý", người phụ nữ 54 tuổi kể lại, sau nhiều ngày bị lũ cô lập trong 4 bức tường nhà.
Tối đó, căn buồng cao ráo nhất nhà, nơi kê giường ngủ cho người mẹ 85 tuổi, trở thành nơi trú ẩn cho cả gia đình. Bà Thục giục ba đứa con ngủ sớm, tắt điện thoại để dành pin cho những ngày cắt điện sắp tới. Ông Dũng tay cầm đèn pin ngồi cuối giường, thi thoảng rọi xuống đất, thấy nước ngấp nghé, lại thở dài. Ba người lớn suốt đêm không ai chợp mắt.
Cửa hàng xay sát đóng ngay từ ngày chớm mưa, bà Thục không kịp trở tay khi lũ tới. Cuộc điện thoại đầu tiên bà nhận được hôm sau là từ bà thông gia ở thôn trên: "Ông bà ở đó, lát tui sai vợ chồng nó chèo ghe ra biếu gạo". Gia đình bên đó ở sâu trong làng, hoá ra còn ngập nặng hơn, đồ đạc không còn chỗ nào cao để cất.
Những bữa cơm đầu tiên trong chuỗi 10 ngày bị cô lập đến từ người em gái, may mắn sống trên vùng cồn cao. Mở làn nhựa được gửi vào theo ghe, có đủ cơm nóng, canh măng nấu ớt và một con vịt luộc, sáu người ngồi trên giường ăn giữa bốn bề ngập nước. Bà Thục vừa vui, vừa tủi thân, và vội miếng cơm, quay đi lau nước mắt.
Chiều hôm đó, món đồ "cứu trợ" tiếp theo của cô em gái được gửi tới, 2 bó củi tràm lớn bọc ba lần áo mưa, dành cho việc đun nấu cho những ngày tiếp theo. Vợ chồng chật vật bới được từ trong đống nước ra cái thùng sắt, kê làm nơi đặt bếp củi, nấu bữa cơm đầu tiên bằng gạo được cho, củi được tặng.
Tám ngày tiếp theo, nước cứ rút vài giờ, lại lên ngay sau đó. Những đứa trẻ sốt ruột hỏi bố mẹ "sắp hết mưa chưa?". Song những thông tin tranh thủ đọc vội trên điện thoại không hề tươi sáng.
Nước lũ mang theo bùn tươi tràn vào căn nhà khiến bước chân giẫm xuống "như bước trong đầm lầy". Vợ chồng con cái, người cầm xẻng, nguời cầm chổi, gậy, cố đẩy lớp bùn đặc quánh ra khỏi nhà.
Ngày thứ 7, nước dần rút, người hàng xóm đầu tiên thử lội bộ từ nhà ra đầu ngõ. Nước chỉ còn ngập đến bẹn. Bà Thục cũng xách giỏ, đội mưa ra đầu đường lớn mua rau, mua cá. Lần đầu ra khỏi nhà sau một tuần, trưa 16, bà Thục nhìn bốn bề quanh những xóm làng dọc trục QL1, không nhận ra nơi mình đang sống.
Trong khi đó tại Hương Toàn, nước vẫn không có xu hướng rút. Chủ tịch xã Hoàng Trọng Hiệu cùng cán bộ thôn, xã, công an địa phương 10 ngày nay không về nhà. Nhóm hơn 20 người túc trực 24h ở trụ sở xã để nhận, phát đồ cứu trợ và ứng phó tình huống khẩn cấp, như di chuyển người bệnh, sơ tán người già, trẻ nhỏ và những hộ ngập nặng.
Hơn 2.000 hộ trong xã bị cô lập, mực nước trong nhà 0,2-1 m, toàn bộ việc đi lại đều bằng ghe. "Lâu lắm anh em tôi không nhìn thấy bàn chân mình", một nam dân quân cười nói, bao gạo vác trên vai và nước ngập tới ngực.
Ông Lương biết chính xác mực nước trước sân nhà mình 3 ngày trước đến đâu. Trưa đó, chính anh dân quân này đã đội 2 thùng mì tôm lên đầu, mang vào nhà đưa tận tay ông.
Ngày cuối cùng trước khi cắt điện, ông còn nhớ, tủ lạnh nhà mình còn 1 quả bí, 1 mớ rau cải, 4 quả trứng vịt và 2 khúc cá, đủ cho 3 người nhà ông ăn trong 2 ngày. Tám ngày tiếp theo, những bữa cơm quanh quẩn cơm trắng với cá khô, "được phát mì mà không dám ăn, vì sợ đi tiểu nhiều", ông ngại ngùng.
Vợ ông trải qua cuộc đại phẫu hơn tháng trước, trong một đêm nước ngập, mò mẫm đi vệ sinh một mình rồi ngã. Ông Lương từ đấy để sẵn cái bô cuối giường cho vợ, đêm 2 lần dậy thay nến, ăn cơm tối xong là buông màn cho bà nằm, "vì nước lên, chỗ nào cũng muỗi".
Những ngày mưa lũ, ông Nguyễn Văn Liễu, 63 tuổi ở xã Hương Văn, cũng tình nguyện thay vợ làm việc nặng nhọc, nguy hiểm nhất: nấu cơm. Nguời đàn ông cao 1m70 nhiều ngày qua đội nón, mặc áo mưa một mình nhóm củi, nấu nướng khi nước lũ dập dềnh ngang ngực.
Ông nấu cơm dưới bếp, bà đứng trên thềm nhà sốt ruột ngó xuống, sợ ông loạng choạng, sảy chân ngã. "Bà ấy mà lội chắc là đến cổ", ông Liễu vỗ vai vợ, cười nói.
Căn nhà ống một tầng chưa lợp mái, hoàn thành đầu năm nay, sau nhiều chần chừ của vợ chồng già, vì ngại cuối đời còn vay mượn. Nhưng trong những ngày lũ qua, họ mới thấy may mắn vì là một trong những căn nhà cao ráo nhất xóm, nước vào nhà chỉ ngập ngang bụng chân ngày mưa lớn nhất.
Song căn bếp cũ, thấp hơn nhà khoảng 40 cm, không thoát khỏi dòng lũ. Hơn 20 bao thóc mới gặt đầu tháng 8, tổng cộng hơn 1 tấn, bị ướt sạch sau đêm mưa, giờ đành để cho hàng xóm nuôi gà, nuôi ngan. Bà Vy tiếc đứt từng khúc ruột, nhưng không dám kể với 2 đứa con đang làm công nhân tận miền nam, sợ chúng lo nghĩ, chỉ lẳng lặng đi vay gạo ăn rồi sau đó tính.
Căn nhà ông bà cách mặt quốc lộ chưa đầy 100 mét, nhưng cũng trải qua 8 ngày "nội bất xuất" vì lũ lụt. Bà Vy ngày nào cũng ra hiên ngóng sang những cánh ruộng nằm bên kia quốc lộ, dù biết lúc này, chúng cũng đang chìm trong biển nước.
Vợ chồng già thuê thêm ba sào đất, mưu sinh quanh năm bằng lúa, màu. Trước đợt mưa 3 ngày, bà Vy được trảy những quả bí đao đầu tiên đem bán. "Bí đao năm nay được giá, những 10.000 đồng/kg", bà Vy nhẩm tính thu hoạch 2 tháng mới hết ruộng, lãi gần 10 triệu đồng. Nhưng bão đến, bà ngồi chợ bán được 2 buổi, cầm được đúng 240.000 đồng thì đành phải ở nhà.
Ông Liễu quay sang vợ, ôn lại tháng 11 của 21 năm trước, vợ chồng khiêng hai chiếc giường xếp chồng lên nhau, ngồi trên đó cùng 2 con đợi lũ rút, nghe bao tiếng khóc tang thương vọng đến tai mình. Con trai nhìn cảnh bố mẹ đi qua những mùa lũ miền Trung, muốn họ tìm nơi ở an toàn, nhưng quê hương ở đây, ông bà chưa bao giờ có ý định chuyển đi nơi khác.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tiên lượng, mưa to sẽ tiếp tục gia tăng tại miền Trung đến hết 20/10, lũ các sông sẽ lên báo động 2-3, nguy cơ ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất. Dọc quốc lộ 1 qua Thừa Thiên Huế và những con đường địa hình cao trong thành phố, hàng dài những chiếc xe máy, ôtô được người quanh vùng mang ra gửi "chạy lũ".
Chỉ có những người dân như vợ chồng ông Lương, bà Thục, hay ông Liễu bao năm nay, chẳng chạy được đi đâu được khỏi mảnh đất của mình. Điều duy nhất họ có thể làm lúc này, là ngồi im trong nhà, và cầu mong nước rút.
Chính quyền chưa thống kê được cụ thể thiệt hại do mưa lũ nửa tháng qua, bởi công tác cứu hộ cứu nạn vẫn chưa kết thúc. Tính đến 18h ngày 18/10, mưa lũ ở Thừa Thiên Huế khiến 27 người chết (gồm 13 nạn nhân sạt đất Trạm kiểm lâm 67), 15 người mất tích (công nhân của thuỷ điện Rào Trăng 3) và khoảng 82.000 nhà dân bị ngập.
Thanh Lam - Hoàng Táo