Ít nhất 84 người từ SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, và các cơ quan thanh tra ngân hàng bị buộc tội tiếp tay cho bà Trương Mỹ Lan "rút ruột" SCB suốt 10 năm.

Tuần đầu tiên của phiên xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan, thủ đoạn "rút ruột" Ngân hàng SCB cùng vai trò chi phối của bà Lan dần được phơi bày qua cáo trạng và lời khai từ các bị cáo.

Trước tòa, 79/86 người thừa nhận cáo buộc (5 người đã bỏ trốn). Nhiều người lý giải sai phạm đến từ "niềm tin tuyệt đối" vào “Madam” (tên thường gọi của bà Lan ở tập đoàn), dẫn đến chuỗi hành vi phạm tội liên tiếp.

Năm 2011, khi Chính phủ chủ trương sáp nhập, tái cơ cấu các nhà băng yếu kém, SCB, Việt Nam Tín Nghĩa và Đệ Nhất - những ngân hàng mất thanh khoản do quản trị thiếu hiệu quả - đã "tự nguyện hợp nhất". Theo kết luận điều tra, khi ấy, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan - đã là "bà chủ" đứng sau hai nhà băng SCB (cũ) và Việt Nam Tín Nghĩa - quyết định thu gom nốt cổ phần của Ngân hàng Đệ Nhất. Ngày 1/1/2012, SCB trở thành ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất, chỉ đứng sau 4 nhà băng vốn Nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank).

Tận dụng quá trình sáp nhập, với sự giúp sức của Tạ Chiêu Trung - Tổng giám đốc Công ty Việt Vĩnh Phú (thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát), bà Lan được cho là sử dụng thân tín và thuê người đứng tên để thu gom 86% cổ phần SCB. Đến năm 2018, tỷ lệ trên nâng lên 91%, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát chi phối mọi hoạt động của ngân hàng. Bằng thủ đoạn lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân, bà Lan đã vay tổng cộng hơn một triệu tỷ đồng của SCB - gấp 100 lần vốn điều lệ của ngân hàng khi mới sáp nhập (10.584 tỷ đồng).

VKS cho rằng bà Lan nắm trong tay hơn 3/4 cổ phần SCB, dễ dàng sắp đặt toàn bộ nhân sự lãnh đạo ngân hàng. Ba đời chủ tịch SCB gồm Nguyễn Thị Thu Sương (2012-2013), Đinh Văn Thành (2014-2020), Bùi Anh Dũng (2020-2022) đều do bà này dựng lên. Khi có nhu cầu vay tiền, bà Lan đồng thời ra lệnh cho những thân tín tại Vạn Thịnh Phát tiến hành thủ tục, và SCB hợp thức hoá hồ sơ. VKS xác định 11 bị cáo nhận lệnh trực tiếp từ bà Lan có vai trò đồng phạm giúp sức chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng từ SCB.

Sau khi nhận "chỉ thị", Ban điều hành triển khai cho quản lý các chi nhánh, phòng ban nghiệp vụ lập hồ sơ, nâng khống giá tài sản đảm bảo, duyệt khoản vay cho nhóm Vạn Thịnh Phát. Hầu hết được giải ngân trước, hoàn thiện giấy tờ sau. Phối hợp trực tiếp với ekip SCB là nhóm nhân sự chủ chốt tại các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, với vai trò quản lý các công ty "ma", thuê cá nhân đứng tên, lập phương án kinh doanh ảo, "thổi giá" thẩm định tài sản để vay vốn...

Hai Trưởng Ban Kiểm soát SCB từ năm 2012 đến 2022 có nhiệm vụ giám sát hoạt động của HĐQT, nhưng đều không ngăn chặn các sai phạm của ngân hàng. Khai tại tòa, bà Phạm Thu Phong nói giai đoạn 2012-2018 từng thấy hoạt động của ngân hàng "không ổn". Nhưng khi kiểm tra một số chi nhánh SCB, bà không được hợp tác cung cấp tài liệu, dẫn đến "không đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ". Áp lực, bà Phong quyết định nghỉ việc, được Trương Mỹ Lan cho 20 tỷ đồng để "hỗ trợ tài chính".

Hai Trưởng Ban Kiểm soát SCB bị truy tố vì không phát hiện sai phạm của ngân hàng

Trong hơn 10 năm, SCB luôn thuộc nhóm ngân hàng chào mời lãi suất tiết kiệm cao nhất Việt Nam. Do đó, tỷ lệ tăng trưởng tiền gửi tại nhà băng này thường tương đương hoặc cao hơn mức bình quân của toàn ngành ngân hàng. Thu hút được nhiều người gửi tiền, nhưng SCB dành hơn 93% tổng ngân sách cho vay chỉ để phục vụ Trương Mỹ Lan.

Theo cơ quan điều tra, từ khi ngân hàng hợp nhất năm 2012 đến lúc vụ án bị khởi tố tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo giải ngân 2.527 khoản vay ở SCB, bình quân mỗi hồ sơ có dư nợ hơn 422 tỷ đồng.

Cáo trạng nêu, mỗi khi đến hạn trả nợ, bà Lan lại tiếp tục tạo lập những khoản vay khống mới để tất toán nợ cũ, song song với phục vụ các nhu cầu khác. Đến ngày 17/10/2022, nhóm khách hàng liên quan bà Lan có 1.284 khoản vay với dư nợ gốc 483.971 tỷ đồng, tương đương gần 377 tỷ mỗi hồ sơ tín dụng. Hơn 85% trong số này là các khoản vay được lập sau năm 2018.

Toàn bộ hồ sơ của nhóm Vạn Thịnh Phát tại SCB trên giấy tờ đều tuân thủ nguyên tắc: giá trị tài sản đảm bảo lớn hơn số tiền cho vay. Nhưng kết quả thẩm định sau cùng trong quá trình điều tra kết luận, chỉ 520 trong 1.166 mã tài sản đảm bảo đủ điều kiện pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản vay liên quan nhóm Vạn Thịnh Phát. Tổng giá trị hơn 179.000 tỷ đồng, tương đương 37% dư nợ gốc đã được giải ngân cho bà Lan tính đến 17/10/2022 (483.971 tỷ đồng).

Phần chênh lệch còn lại với dư nợ gốc hơn 304.000 tỷ đồng được VKS xác định là số tiền Trương Mỹ Lan chiếm đoạt của SCB. Phần nợ gốc này còn phát sinh hơn 193.000 tỷ đồng tiền lãi, được cáo trạng xem là thiệt hại bà Lan gây ra cho SCB, vì không thể thu hồi sau khi vụ án khởi tố.

Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chiếm đoạt, gây thiệt hại cho SCB thế nào

Song song với hợp thức hoá các khoản vay rút ruột, những nhân sự chủ chốt của SCB dưới trướng bà Lan còn tìm cách làm đẹp sổ sách, nhằm giúp ngân hàng vẫn ghi nhận lợi nhuận trên giấy tờ.

Hậu hợp nhất, SCB thuê các công ty kiểm toán thuộc nhóm "Big 4" - hãng danh tiếng hàng đầu thế giới - kiểm tra báo cáo tài chính hàng năm. Kết quả thẩm định thường niên từ năm 2012 đến 2021 - trước khi vụ án bị khởi tố - không cho thấy điểm bất thường nào về tình hình tài chính của ngân hàng, theo các báo cáo kiểm toán được SCB công bố.

Trong đợt kiểm toán gần nhất trước vụ án - tháng 6/2021 - SCB có lợi nhuận luỹ kế hơn 1.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 22.000 tỷ đồng. Nhưng khi vụ việc "vỡ lở", SCB bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, kết quả kiểm toán cho thấy tại thời điểm 30/9/2022, ngân hàng đã lỗ lũy kế gần 465.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu khoảng 444.000 tỷ đồng.

Trong suốt 10 năm, mối liên hệ "mờ ám" giữa SCB và Vạn Thịnh Phát từng nhiều lần được các cơ quan thanh tra ngân hàng phát hiện, nhưng sau đó đều bị nhóm Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát tìm cách "bưng bít", theo cáo trạng.

Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP HCM lần đầu thanh tra SCB sau hợp nhất để chuẩn bị cho kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2015-2019. Dự thảo kết luận thanh tra đầu năm 2015 đã xác định SCB âm vốn chủ, nợ xấu trên 3%, sai phạm về cấp tín dụng, phân loại nợ, trích lập dự phòng. Dù vậy, Cục trưởng Nguyễn Văn Dũng và các cán bộ của Cục Thanh tra giám sát ngân hàng TP HCM (Cục II) đã không đưa vấn đề nêu trên vào bản báo cáo cuối cùng gửi Ngân hàng Nhà nước.

Trong 10 năm, NHNN TP HCM đã lập 4 tổ giám sát SCB vào 2016, 2020, 2021, 2022, nhưng báo cáo đến tay Ngân hàng Nhà nước đều không có gì bất thường. Trong khi thực tế, các tổ giám sát đã có hơn 70 lượt văn bản đề xuất đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, đặc biệt, nhưng không được chấp nhận. Kết quả điều tra cho thấy, 5 lãnh đạo, cán bộ có vai trò chỉ đạo, ký duyệt đã nhận tiền của nhóm Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát, dẫn đến báo cáo không trung thực thực trạng tài chính và tình hình hoạt động của Ngân hàng SCB.

Quá trình thanh tra NHNN chi nhánh TP HCM "bưng bít" cho sai phạm tại SCB

5 cán bộ của NHNN chi nhánh TP HCM bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có khung hình phạt 10-15 năm tù. Hệ quả là khiến SCB mất thanh khoản 677.288 tỷ đồng

Số tiền 5 cán bộ NHNN chi nhánh TP HCM nhận của SCB

Ở cấp cao hơn, năm 2017, Ngân hàng Nhà nước cũng bắt đầu cuộc thanh tra lớn nhất với SCB, do Vụ trưởng Vụ Thanh tra giám sát các Tổ chức tín dụng Đỗ Thị Nhàn làm Trưởng đoàn. Sau hai đợt thanh tra, đến giữa năm 2018, đoàn đã xác định SCB có nhiều sai phạm nghiêm trọng, phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, chuyển cơ quan chức năng xem xét xử lý, ngăn chặn hậu quả lớn hơn có thể xảy ra.

Nhưng ông Nguyễn Văn Hưng, Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, cùng bà Đỗ Thị Nhàn đã chỉ đạo đoàn bao che sai phạm, báo cáo không trung thực, đầy đủ thực trạng của SCB lên Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Nhờ đó, SCB vẫn tiếp tục được tái cơ cấu, chỉ bị phạt hành chính thay vì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra sau kết luận thanh tra cuối cùng ban hành tháng 12/2018.

Hành vi của đoàn thanh tra đã dẫn tới việc không kịp thời ngăn chặn Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút, sử dụng tiền của Ngân hàng SCB trái pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, theo cáo trạng.

Đoàn thanh tra sửa báo cáo để che giấu sai phạm của SCB

13 bị can thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (TTGS NHNN), Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nhận tiền, bao che cho nhóm Trương Mỹ Lan và đồng phạm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là 514.100 tỷ đồng

Số tiền 13 cán bộ thanh tra nhận của bà Trương Mỹ Lan

Trong 80 bị cáo được xét hỏi tại tòa trong tuần đầu xét xử, bà Trương Mỹ Lan là người duy nhất phủ nhận mọi cáo buộc dẫn đến 3 tội danh bị truy tố, gồm: Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, và Đưa hối lộ.

Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát khai chỉ nhận "có hơn 4,9% cổ phần SCB", không phải 91,5% như cáo trạng. Đến năm 2022, hai con gái bà mới sở hữu thêm 10% cổ phần, còn bạn bè trong - ngoài nước nắm hơn 60% cổ phần, nhưng nhờ người khác đứng tên. Bị cáo nói "không biết những người đứng tên giúp", không chi phối nhóm này, cũng không chỉ đạo ban lãnh đạo và ban điều hành SCB.

Đối với cáo buộc chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng của SCB, bà Lan nêu rằng bản thân đã đưa rất nhiều tài sản vào ngân hàng, không có chuyện "tôi đi chiếm đoạt tiền của tôi", đồng thời đề nghị tòa xem xét kỹ số liệu tính toán, nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án.

Trương Mỹ Lan cũng bác bỏ cáo buộc đưa hối lộ. "Tôi không biết gì về bị cáo Nhàn, cũng không chỉ đạo đưa hối lộ bà này và ông Hưng (Phó Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước)", bị cáo Lan nói.

Trong khi đó, tại tòa, 79 bị cáo còn lại thừa nhận hành vi như cáo trạng.

Đây là vụ án kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam với các con số lớn chưa từng có. Trong 86 người bị truy tố 6 nhóm tội danh, 13 bị cáo thuộc khung hình phạt từ 20 năm đến tử hình, gồm bà Trương Mỹ Lan, 11 cấp dưới thân tín, và cựu cục trưởng của Ngân hàng Nhà nước Đỗ Thị Nhàn - người nhận hối lộ 5,2 triệu USD. Số còn lại bị truy tố khung thấp nhất 7 năm, cao nhất 20 năm tù. Bản án sơ thẩm dự kiến được công bố vào cuối tháng 4.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn một của vụ án. Đường đi của dòng tiền sau khi đến tay bà Trương Mỹ Lan cùng nhiều câu hỏi khác có thể được giải đáp trong giai đoạn 2, khi cơ quan điều tra tập trung làm rõ hành vi Rửa tiền và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan phát hành trái phiếu.


Về dữ liệu:

- Bài viết tập trung phân tích các bị cáo tham gia vào quá trình "vay" Ngân hàng SCB. Do đó, không bao gồm trường hợp bị truy tố tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella.

- Dữ liệu về các bị cáo được tổng hợp từ kết luận điều tra vụ án của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an; cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; và lời khai tại phiên xét xử

- Dữ liệu lãi suất ngân hàng được cung cấp bởi WiGroup, đơn vị cung cấp dữ liệu tài chính, kinh tế… tại Việt Nam

- Nguồn ảnh bị cáo từ VnExpress, website của Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn thịnh Phát, website công ty nơi các bị cáo từng công tác, Bộ Công an.

Nội dung: Việt Đức - Hải Duyên

Đồ họa: Hoàng Khánh - Thanh Hạ