Đầu thập niên 2010, khi vừa chân ướt chân ráo lên TP HCM học đại học, phương tiện giao thông công cộng duy nhất mà tôi biết là xe buýt. Thế nhưng, những chiếc xe buýt ngày ấy không phải nơi lý tưởng cho sự an toàn hay tiện nghi.
Ngay từ ngày đầu nhập học, các anh chị khóa trên đã cảnh báo: "Đi xe buýt nhớ cẩn thận, coi chừng móc túi. Nếu phải đứng, đeo balo trước ngực để tránh kẻ gian." Không ít lần, tôi chứng kiến cảnh bạn bè rơi nước mắt vì mất tài sản sau những chuyến xe chật ních người và mùi say xe ngột ngạt.
Mỗi lần cần vào trung tâm thành phố, tôi lại ngần ngại lựa chọn xe buýt. Thay vào đó, chiếc xe máy trở thành bạn đồng hành bất đắc dĩ, dù đường sá đông đúc và nguy hiểm.
Lúc ấy, TP HCM đang hối hả xây dựng tuyến metro đầu tiên. Khắp nơi là cảnh đào đường, đổ bê tông, tiếng máy móc rền vang. Đến khi tôi sắp ra trường, những cột trụ bê tông cao lớn dần mọc lên cặp đường song hành Xa lộ Hà Nội.
Ra trường và đi làm, tôi sống ở ngoại ô, mỗi ngày đi về 40 km bằng xe máy. Ai cũng đùa rằng tôi đang đợi ngày metro hoạt động để bớt khổ. Đùa thì đùa, nhưng nỗi mong mỏi ấy thực sự lớn lao.
Và ngày mai, 22/12/2024, giấc mơ ấy sẽ thành hiện thực: tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành. Đây không chỉ là sự kiện giao thông mà còn là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển hạ tầng của thành phố.
Tuyến metro đầu tiên sẽ mang lại nhiều tiện ích, đặc biệt cho người dân khu Đông, khi họ có thêm một phương tiện hiện đại để kết nối vào trung tâm. Nhưng quan trọng hơn, metro là khởi đầu cho một cuộc cách mạng giao thông công cộng tại TP HCM.
Thành phố đã đặt mục tiêu xây dựng thêm 355 km đường sắt đô thị trong 10 năm tới. Đến năm 2035, hệ thống này sẽ đáp ứng 40-50% nhu cầu đi lại, giảm tải áp lực cho đường bộ và cải thiện chất lượng không khí.
Tuy nhiên, câu hỏi "Chừng nào thì làm? Và làm chừng nào thì xong?" vẫn là mối lo của nhiều người. Tuyến Bến Thành - Suối Tiên dài chưa đầy 20 km mà mất hơn một thập kỷ để hoàn thiện. Thời gian là thách thức, nhưng nếu tận dụng tốt cơ chế đặc thù đã được trao, thành phố hoàn toàn có thể đẩy nhanh tiến độ.
Metro không chỉ là một dự án hạ tầng giao thông, mà còn là yếu tố then chốt để xây dựng một thành phố hiện đại, bền vững. Khi hệ thống metro phát triển, người dân sẽ chuyển từ phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng, giảm ùn tắc và ô nhiễm.
Đồng thời, các trung tâm thương mại, khu dân cư và cơ sở hạ tầng khác dọc các tuyến metro cũng sẽ được thúc đẩy, góp phần phát triển kinh tế.
Ngày mai, khi tuyến metro đầu tiên chính thức lăn bánh, đó không chỉ là niềm vui của tôi, của những người dân đã mong mỏi bấy lâu. Tôi đã lên kế hoạch cất xe máy, di chuyển hoàn toàn bằng đi bộ và metro, bạn thì sao?
*Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Xuân Dạ