Ngày này cách đây đúng 10 năm, Costa Concordia, du thuyền sang trọng chở theo 4.229 người từ 70 quốc gia, va vào đá ngầm và bị mắc cạn ngoài khơi đảo Giglio của Italy khi nhiều hành khách đang ăn tối. Con tàu khổng lồ sau đó lật úp xuống vùng nước lạnh giá, trong thảm họa kinh hoàng được ví như "Titanic Italy", khiến 32 người thiệt mạng.
Không còn chỗ cho Trotti trên xuồng cứu sinh chở vợ anh là Fjorda và hai con nhỏ, nhưng nghe tiếng khóc hoảng loạn của họ khi xuồng được hạ xuống nước, anh lập tức nhảy xuống.
"Đó là bản năng, gia đình tôi cần tôi. Tôi đã nhảy từ độ cao 3-4 mét và rơi trúng người đàn ông Đức cao lớn, tội nghiệp ông ấy", Trotti nói.
Gia đình anh không chắc có nên quay lại Giglio dự lễ tưởng niệm và rước nến tưởng niệm 10 năm thảm họa hay không. Còi tàu và chuông nhà thờ sẽ vang lên vào lúc 21h45 hôm nay (3h45 ngày 14/1 giờ Hà Nội) để đánh dấu thời điểm du thuyền, thuộc sở hữu Costa Crociere, công ty con của tập đoàn khổng lồ Carnival có trụ sở tại Mỹ, gặp sự cố.
Thảm họa xảy ra khi Trotti, 44 tuổi, và Fjorda, 33 tuổi, đi nghỉ tuần trăng mặt. "Những người không có mặt trên tàu sẽ không bao giờ hiểu được. Tôi rất sốc, bước đi như xác sống", anh nói.
Thuyền trưởng Francesco Schettino bị kết án 16 năm tù do chậm trễ phát lệnh báo động và sơ tán trong vụ đắm tàu. Hoạt động sơ tán chỉ được bắt đầu hơn một giờ sau khi tàu va chạm đá ngầm, khi các xuồng cứu hộ ở một bên du thuyền không còn sử dụng được.
"Chúng tôi được một đầu bếp cứu", Trotti, người không biết bơi, cho hay, thêm rằng Paolo Maspero vẫn đội mũ đầu bếp khi tới hỗ trợ gia đình anh. "Maspero bế con trai 6 tháng tuổi của tôi. Nước tràn vào. Nếu anh ấy không đến, chúng tôi đã chết".
Hình ảnh do cảnh sát biển Italy công bố sau đó cho thấy thợ lặn tìm kiếm nạn nhân trong nhà hàng bị chìm dưới nước.
Khi thảm họa xảy ra, nhiều du khách đang ngồi trong quán bar trên tàu để nghe nghệ sĩ piano Antimo Magnotta biểu diễn. Magnotta ngã lăn khỏi ghế khi con tàu chao đảo, quanh ông là những hành khách đang sợ hãi.
"Một phụ nữ tiến đến chỗ tôi, mang theo hai con rất nhỏ. Cô ấy cứ như hổ hoặc sư tử, gần như tấn công tôi. Cô ấy nói 'anh phải cho tôi biết phải làm gì để cứu con tôi'", Magnotta, hiện 51 tuổi, nói.
Magnotta đã làm những gì ông được đào tạo và trấn an hành khách rằng thuyền trưởng sẽ phát thông báo. "Tôi đã hứa với họ. Nhưng thuyền trưởng Schettino không bao giờ làm vậy. Đó là hành động phản bội lớn", ông cho hay.
Điện trên tàu vụt tắt, đi lại ngày càng khó khăn do tàu dần bị nghiêng. "Mọi người mò mẫm trong bóng tối, sau đó quay lại, kêu lên 'mẹ ơi, mẹ ở đâu?'", Magnotta nhớ lại. Cuối cùng, ông leo xuống được mạn tàu. Hai người bạn của Magnotta đã thiệt mạng trong đêm đó.
Bị chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý, Magnotta chuyển đến London và làm bồi bàn tại quán cà phê. Nhiều tháng sau, ông thuyết phục được người quản lý cho phép ông chơi piano tại đó và được ký hợp đồng lâu dài.
10 năm sau, Magnotta muốn trở lại Giglio để biểu diễn cho người dân địa phương, nhưng ông không thể tha thứ cho Schettino "vì thuyền trưởng chưa bao giờ nói lời xin lỗi".
Cựu thuyền trưởng bị kết án năm 2015 với nhiều tội danh ngộ sát, gây tai nạn hàng hải và bỏ tàu trước khi tất cả hành khách và thủy thủ đoàn được sơ tán. Schettino, bị truyền thông gọi là "thuyền trưởng hèn nhát", đã kháng cáo lên Tòa án Nhân quyền châu Âu. Các luật sư dự kiến đề nghị cho ông được thi hành nốt phần còn lại của bản án tại nhà vì "cải tạo tốt".
Kevin Rebello, 47 tuổi, từ chối phán xét Schettino, dù em trai là Russel Rebello tử nạn trên tàu. Thi thể Russel, một bồi bàn 32 tuổi, được tìm thấy ba năm sau thảm họa, khi xác tàu gỉ sét được tháo dỡ.
Rebello cho biết em trai bị ốm vào đêm đó. "Em tôi ở trong cabin của mình khi tàu ngập nước. Russel mặc quần đùi, chân trần lao ra và gặp một người bạn cho em ấy mượn quần áo. Em tôi dìu mọi người xuống xuồng cứu sinh, vẫn giúp họ khi con tàu nghiêng hẳn và mọi người rơi xuống nước. Sau đó chẳng ai còn thấy em tôi đâu", Rebello nói.
Vượt qua những ký ức đau thương sau thảm họa "cực kỳ khó khăn", nhưng Rebello sẽ trở lại Giglio để tưởng niệm. "Nơi đây giống như ngôi nhà thứ hai đối với tôi. Ở nơi đó, tôi cảm thấy được gần em trai mình", ông cho hay.
Huyền Lê (Theo AFP)