Sáng 24/11, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nói sau 35 năm đổi mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao. Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến về nhận thức và hành động.
Bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là trong đại dịch Covid-19...
Dù vậy, theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển bền vững.
Do đó, Đại hội lần thứ XIII xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là "tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa"; xây dựng, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...
Để xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới, 10 giải pháp trọng tâm được vạch ra.
Trước hết, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững.
Theo ông Nghĩa, cần xác định phát triển văn hóa và xây dựng con người là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Công tác kiểm tra, giám sát, các nhiệm vụ này cần được coi trọng.
Thứ hai, tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới; từng bước khắc phục các hạn chế của người Việt.
Ông Nghĩa nhấn mạnh, phát triển đi đôi với giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; khắc phục tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài, các hành vi ngôn ngữ lệch chuẩn, loạn chuẩn; tiến tới xây dựng bộ luật về Tiếng Việt; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng.
Thứ ba, hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa. Trong đó, phạm vi can thiệp của nhà nước trong lĩnh vực văn hóa cần được quy định, tạo dư địa phù hợp cho sáng tạo và hưởng thụ văn hóa chính đáng của người dân. Hệ thống quản lý văn hóa được chuyển đổi chủ yếu từ mệnh lệnh hành chính sang cơ chế quản lý bằng luật pháp và các công cụ điều tiết vĩ mô khác.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý; cho các lĩnh vực then chốt, đặc thù.
Thứ năm, xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế, xã hội.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, việc chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể sẽ được chú trọng; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên cần được ngăn chặn, đẩy lùi.
Thứ sáu, phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước. Việc tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam sẽ trở thành các sự kiện thường niên, có uy tín khu vực và thế giới, thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa nghệ thuật có uy tín, được đông đảo công chúng quan tâm.
Thứ bảy, xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
Thứ tám, phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị.
Thứ chín, tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Trong đó, xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt là ở vùng còn khó khăn; khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản.
Các địa phương, các cơ quan, công sở, trường học, khu công nghiệp, doanh nghiệp, khu dân cư... có thiết chế văn hóa phù hợp (thư viện, nhà văn hóa, công trình thể thao...) tạo điều kiện cho người dân tham gia hoạt động và hưởng thụ văn hóa.
Cuối cùng, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế; chủ động mở rộng hợp tác, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới.
"Phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn hóa của đất nước, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam; chú trọng truyền bá văn hóa Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nói.
Phát biểu của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu vấn đề, Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, giàu có nhưng chưa có cơ chế đồng bộ để chuyển hóa, tạo nên khả năng cạnh tranh quốc tế cho ngành công nghiệp văn hóa. Hệ sinh thái thực sự để các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cũng như tạo ra sự cân bằng, đa dạng và bền vững hơn cho nền kinh tế chưa đủ điều kiện để hình thành.
Một trong những nguyên nhân của thực trạng nêu trên là do chưa thống nhất về hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, cũng như việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với văn hóa. Đầu tư cho văn hóa ở trung ương và địa phương đều chưa tương xứng. "Những nguyên nhân của hạn chế nêu trên có phần trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực văn hóa", Bộ trưởng Hùng nói.
Ông Hùng dẫn chứng, "một điểm chung cốt lõi trên bản đồ thế giới là những quốc gia chuyển hóa tốt nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm là những nước có nền tảng vững chắc để phát triển và hội nhập quốc tế, cũng như ứng phó linh hoạt, hiệu quả trước thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống".
Vì vậy, thời gian tới Bộ sẽ tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế về lĩnh vực văn hóa. Quy luật riêng của nghệ thuật sẽ được tôn trọng để có chính sách hỗ trợ văn nghệ sĩ sáng tác, nhằm tạo nên những tác phẩm "sống mãi với thời gian".
Việt Nam sẽ định hình hệ sinh thái văn hóa nhằm gia tăng sức mạnh mềm, định vị "thương hiệu quốc gia". Văn hóa sẽ trở thành lá chắn mềm loại trừ sự phản cảm, theo tinh thần "hoa thơm sẽ lấn át cỏ dại". Con người Việt Nam sẽ được xây dựng với những phẩm chất như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Ngành công nghiệp văn hóa sẽ được phát triển có trọng tâm, trọng điểm, để phát huy sức mạnh mềm, dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ. Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP vào năm 2030.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc tiếp tục diễn ra trong chiều 24/11.
Hoàng Thùy - Viết Tuân