Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, nêu quan điểm trên khi trả lời phỏng vấn VnExpress, ngày 22/11.
- Trước thềm Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11, từ góc độ nhà nghiên cứu, ông thấy văn hóa Việt Nam đang có những vấn đề gì cần đặt ra?
- Mỗi thời kỳ khác nhau, văn hóa có những vấn đề đặt ra khác nhau. Năm 1943, khi Đảng thông qua Đề cương văn hóa Việt Nam, đề ra ba nguyên tắc phát triển văn hóa là dân tộc, khoa học, đại chúng. Năm 1946, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu chủ trương "văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi".
Thời kỳ chiến tranh, văn hóa đóng vai trò là vũ khí tinh thần quan trọng tiếp sức cho cả đất nước. Hàng loạt ca khúc nhạc đỏ, tác phẩm văn học nghệ thuật, mỹ thuật... ra đời đều "cùng tông" nói về tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi tinh thần chiến đấu, tạo tâm lý phấn khởi cho người dân. Đó là văn hóa cứu quốc.
Tuy nhiên, khi xã hội thay đổi mà văn hóa không thay đổi kịp sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy mà chúng ta đang chứng kiến trong giai đoạn hiện nay, như sự khủng hoảng giá trị, xuống cấp đạo đức xã hội, nhiều hành vi lệch chuẩn... Sinh thời, GS sử học Phan Huy Lê từng nói "chúng ta đang ở trong một giai đoạn khủng hoảng giá trị nghiêm trọng". Đến nay, điều này vẫn đúng và ngày càng bộc lộ rõ từ khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế năm 1986 đến nay.
- Ông nhìn nhận nguyên nhân của vấn đề vừa nêu như thế nào?
- Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như ảnh hưởng mặt trái của kinh tế thị trường; quá trình hội nhập tác động đến tư duy, lối sống của nhiều người. Có những điều bất ổn trong văn hóa Việt Nam tồn tại từ lâu, nhưng bây giờ mới có dịp bộc lộ rõ... Hơn nữa, tôi cảm thấy định hướng về văn hóa của Việt Nam vẫn còn thiếu một vấn đề gì đó quan trọng, cần phải giải quyết trong thời gian sắp tới.
Đơn cử, bây giờ tốc độ phát triển và sự thay đổi của thế giới diễn ra rất nhanh, tính bằng từng giờ, từng phút. Hàng chục triệu người Việt Nam đang tham gia môi trường số. Chúng ta đã có chủ trương xây dựng công dân số, xã hội số, nền kinh tế số, nhưng lại chưa hình thành văn hóa trên môi trường số.
Hiện nay môi trường số luôn song hành, thậm chí chiếm nhiều thời gian của mọi người hơn cuộc sống ngoài đời thực, nên chưa xây dựng được các giá trị văn hóa số, sẽ khiến nhiều người lạc lối trên môi trường mạng. Hay nói cách khác, con người trong xã hội hiện đại hôm nay phải chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố khác nhau, nhất là những yếu tố mới do sự phát triển của khoa học công nghệ, nhưng lại thiếu các hệ giá trị mang tính thống nhất, chuẩn mực để soi chiếu, điều chỉnh hành vi.
Chúng ta đều dễ dàng thống nhất với nhau một trong những phẩm chất truyền thống của người Việt Nam là yêu nước. Nhưng yêu nước thời chiến tranh khác với yêu nước thời bình. Thời chiến, chúng ta đề cao văn hóa cứu quốc, còn thời bình, chúng ta phải xiển dương văn hóa kiến quốc. Văn hóa hiện nay phải giúp ích cho việc kiến tạo đất nước hòa bình, phát triển thịnh vượng.
- Ông cho rằng Việt Nam đang thiếu các hệ giá trị mang tính thống nhất, chuẩn mực để soi chiếu. Vậy giải pháp đối với vấn đề này là gì?
- Việt Nam cần sớm xây dựng ba hệ giá trị phổ quát là hệ giá trị quốc gia; hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam; hệ giá trị gia đình Việt Nam. Đây là những hệ giá trị cơ bản, để thống nhất nhận thức, định hướng phát triển văn hóa của đất nước. Các hệ giá trị này cũng điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân một cách rõ ràng, tránh sự lãng tâm của con người trước sự chi phối của quá nhiều yếu tố trong xã hội hiện đại.
Ba hệ giá trị nêu trên đã từng được đưa ra và bàn luận suốt hơn chục năm qua, nhưng đây là chủ đề khó và phức tạp. Đến nay, các nhà khoa học vẫn còn nợ đất nước việc xây dựng các hệ giá trị này. Lý do chủ yếu vì các hệ giá trị của đất nước, con người Việt Nam quá đa dạng, chúng ta bị lúng túng trong việc xác định nội dung cụ thể. Điều được coi là lý tưởng với người này, nhưng chưa chắc đã cần thiết với người khác. Hạnh phúc với người này chưa chắc là hạnh phúc của người khác.
Làm sao để đưa ra được những vấn đề phổ quát, nhưng vẫn đảm bảo cụ thể với từng nhóm nghề nghiệp, giai tầng xã hội, thì việc xây dựng các hệ giá trị mới dễ dàng đi vào cuộc sống.
- Từ góc độ nhà nghiên cứu văn hóa, ông đề xuất xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam như thế nào?
- Tôi đề xuất bốn nội dung xây dựng hệ giá trị văn hóa quốc gia, gồm: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, pháp quyền. Có thể mở rộng thêm nội dung hòa hợp.
Dân tộc là nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện truyền thống văn hiến, được nuôi dưỡng từ mạch nguồn dân tộc; thể hiện bản sắc, cốt cách của văn hóa Việt Nam. Đó cũng là nền văn hóa độc lập, tự chủ, có nội lực, không bị lấn át trước văn hóa ngoại lai; có khả năng tiếp thu, "dân tộc hóa", "Việt hóa" những điều tốt đẹp của thế giới, làm giàu và nâng tầm văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, dân tộc không có nghĩa là khép kín, co cụm hẹp hòi.
Dân chủ là một nền văn hóa của dân, do dân và vì dân. Người dân vừa là chủ thể vừa là khách thể của văn hóa, là người sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Hiện nay, dân chủ là một giá trị tiến bộ của thời đại, được các nước tiên tiến đề cao, nhưng cũng là giá trị mà chúng ta còn đang yếu, cần tập trung xây dựng.
Nhân văn là hướng đến nền văn hóa yêu thương con người, nhân ái, bao dung, đề cao con người. Nhân văn còn có nội hàm rộng hơn khái niệm bác ái của phương Tây ở chỗ còn có hàm ý bảo vệ con người, đề cao nhân quyền, tôn trọng quyền con người. Văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay thường trọng tình nghĩa, yêu thương con người, đồng loại. Hiện nay rất cần củng cố, vun đắp giá trị này trước lối sống vị kỷ, vô cảm trong cơ chế kinh tế thị trường, nhằm khôi phục lòng nhân ái, nghĩa tình vốn có trong văn hóa Việt Nam.
Pháp quyền là nền văn hóa thượng tôn pháp luật, lấy pháp luật làm nền tảng trong mọi hoạt động, quan hệ, ứng xử giữa người với người và với thế giới tự nhiên xung quanh. Hiện nay, pháp quyền là giá trị được hầu hết các nước đề cao. Một nền văn hóa không tôn trọng pháp luật sẽ tạo ra những suy nghĩ, hành vi, lối sống lệch chuẩn. Đây cũng là giá trị chúng ta còn yếu, cần tăng cường để chấn chỉnh kỷ cương, phép nước.
Hòa hợp là cùng tồn tại, chấp nhận sự khác biệt trên tinh thần khoan dung, tôn trọng đa dạng văn hóa. Hòa hợp sẽ tạo nên sự đồng thuận, gắn kết trong hoạt động tập thể, trong các vấn đề dân tộc, quốc gia, cũng như trong quan hệ quốc tế. Việt Nam là quốc gia có 54 dân tộc anh em với lịch sử nhiều chia cắt, nên một nền văn hóa mang tính hòa hợp là rất cần thiết.
- Còn những nội hàm để xây dựng hệ giá trị con người và gia đình Việt Nam thì sao, thưa ông?
- Hệ giá trị con người Việt Nam cần ưu tiên bốn nội dung: Yêu nước, sáng tạo, trách nhiệm, kỷ cương.
Trong các nội dung này thì sáng tạo là hệ giá trị đòi hỏi tư duy năng động, vượt thoát mọi lối mòn, tinh thần tự chủ, linh hoạt trong mọi việc. Đây là giá trị được các nước Âu - Mỹ rất coi trọng, từ đó tạo nên sự phát triển vượt trội về khoa học, công nghệ. Theo tôi, đây cũng là giá trị người Việt Nam còn yếu, nên cần đề ra để khắc phục căn bệnh tư duy theo lối mòn, nặng về kinh nghiệm của người Việt. Sáng tạo cũng rất cần thiết để chúng ta bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Về giá trị gia đình Việt Nam, tôi đề xuất những nội dung gồm: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ. Vợ chồng cần chung thủy, nghĩa tình. Cha mẹ với con, ông bà với cháu cần gương mẫu, yêu thương. Con với cha mẹ, cháu với ông bà cần hiếu thảo, lễ phép. Anh chị em hòa thuận, chia sẻ.
- Ông kỳ vọng như thế nào ở Hội nghị văn hóa toàn quốc sắp diễn ra, trong việc chấn hưng văn hóa cũng như xây dựng các hệ giá trị phổ quát nêu trên?
- Tại Hội nghị, chúng ta sẽ được nghe ý kiến của những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, hiến kế giải quyết các điểm nghẽn cản trở sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ đưa ra thông điệp cho sự phát triển văn hóa những năm tới và phản hồi ý kiến đại biểu. Các bộ ngành, địa phương có dịp kiểm điểm lại những gì đã làm được cho văn hóa, cũng như khó khăn, thách thức.
Tôi kỳ vọng Hội nghị văn hóa toàn quốc sẽ đề cập thẳng thắn đến những vấn đề còn tồn tại, cùng tìm ra nguyên nhân và giải pháp phù hợp. Riêng việc xây dựng các hệ giá trị phổ quát là quá trình rất khó khăn. Trên thế giới và Việt Nam có rất nhiều giá trị, theo tôi, chúng ta chỉ nên chọn lọc một số nội dung dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.