Dù vốn đăng ký vượt 44 tỷ USD, song tổng vốn điều lệ mà các chủ đầu tư của top 10 dự án nắm giữ thực tế vào khoảng 8 tỷ USD. Nguồn vốn còn lại cho các dự án sẽ được huy động trong quá trình thực hiện. Ngoài một liên doanh thuộc lĩnh vực viễn thông, các dự án còn lại đều nằm trong các nhóm lọc hóa dầu, thép và bất động sản - du lịch.
Dưới đây là 10 dự án đăng ký lớn nhất năm, theo tổng hợp của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
![]() |
Khu vực sẽ xây dựng khu du lịch Hồ Tràm tại Bà Rịa Vũng Tàu. |
1. Dự án thép của Lion và Vinashin: 9,8 tỷ USD
Dự án lớn nhất năm được cấp phép vào tháng 9, cho liên doanh giữa Tập đoàn Lion của Malaysia và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) với tổng vốn đầu tư 9,79 tỷ USD, trong đó Việt Nam góp 26% vốn. Khu liên hợp có tên Cà Ná, đặt tại Cụm công nghiệp Dốc Hầm, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận, gồm nhà máy sản xuất thép nóng, thép nguội, nhà máy oxy, cảng biển và nhà máy nhiệt điện.
Khu liên hợp thép của Lion và Vinashin được thực hiện trong 4 giai đoạn, bắt đầu ngay từ năm 2008 và hoàn thành vào năm 2025. Công suất của nhà máy thép có vốn đầu tư 2,7 tỷ USD trong giai đoạn một từ nay đến năm 2010, và đạt tổng công suất 14,42 triệu tấn khi hoàn thành.
2. Dự án thép của Formosa: 7,8 tỷ USD
Tập đoàn Hưng Nghiệp (Formosa) của Đài Loan đầu tư 7,8 tỷ USD vào khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh để sản xuất thép và kinh doanh cảng biển. Khi được cấp phép vào tháng 6, dự án này thu hút rất nhiều sự chú ý, bởi vượt xa số vốn kỷ lục 5 tỷ USD của chuỗi dự án Foxconn năm 2007.
Khu liên hợp thép của Formosa sẽ hoạt động trong 70 năm, và chia làm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn một, nhà máy thép có công suất 7,5 triệu tấn gang thép mỗi năm. Giai đoạn 2 của dự án có công suất 15 triệu tấn. Các sản phẩm chính của nhà máy sẽ là phôi thép, thép cuộn và thép thành phẩm. Ngoài luyện kim, sản xuất thép, dự án của Formosa cũng đầu tư vào kinh doanh cảng biển tại khu công nghiệp Vũng Áng.
3. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn: 6,2 tỷ USD
Đây là nhà máy lọc dầu thứ hai của Việt Nam, sau Dung Quất, do liên doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI), công ty Idemitsu Kosan (IKC) và công ty Hóa chất Mitsui (MCI) của Nhật thực hiện.
![]() |
Vị trí nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Nguồn: PVN |
Nhà máy này đặt tại khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa và khi hoàn thành vào năm 2013, sẽ có công suất 200.000 thùng dầu mỗi ngày, tương đương 10 triệu tấn mỗi năm. Phía Việt Nam sẽ góp 25,1% vốn trong dự án, KPI và IKC cùng góp 35,1%, và MCI 4,7%. Phía Kuwait cung cấp toàn bộ nhu cầu dầu thô của nhà máy, vào khoảng 10 triệu tấn mỗi năm cho giai đoạn đầu và tăng lên 20 triệu tấn khi mở rộng dự án.
Việc PVN tham gia liên doanh với các doanh nghiệp FDI tại nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nằm trong chiến lược phát triển khâu sau dầu khí của tập đoàn này, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển công nghiệp hóa dầu cũng như công nghiệp phụ trợ.
4. Dự án bất động sản New City: 4,3 tỷ USD
Dự án này do một nhà đầu tư từ Brunei, công ty New City Properties, thực hiện với số vốn 4,34 tỷ USD tại tỉnh Phú Yên. Chủ đầu tư dự án sẽ kinh doanh bất động sản, dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng. Cùng với đó là các dịch vụ văn phòng, nhà ở, biệt thự cho thuê.
5. Khu du lịch Hồ Tràm: 4,2 tỷ USD
Khu du lịch của Tập đoàn Asian Coast Development Ltd (Canada) được cấp phép vào tháng 5, nằm tại xã Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, với tiêu chuẩn 5 sao, rộng 169 ha.
Điểm được nhiều người quan tâm ở khu du lịch này là nó sẽ bao gồm một sòng bạc phong cách Las Vegas đầu tiên tại Việt Nam, với hơn 500 máy đánh bạc và khoảng 90 bàn chơi bài. Cùng với đó là khu điều dưỡng, vui chơi giải trí phức hợp, trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế và 2 khách sạn cao cấp. Giai đoạn một sẽ hoàn thành cuối năm 2010. Giai đoạn hai sẽ xây dựng thêm một khu resort nữa, với 1.300 phòng, 10 nhà hàng, câu lạc bộ đêm, dự kiến mở cửa vào năm 2011. Toàn bộ dự án hoàn thiện sau 10 năm.
6. Tổ hợp hóa dầu Long Sơn: 3,7 tỷ USD
PVN, Tổng công ty Hóa chất (Vinachem) và 2 doanh nghiệp Thái Lan đã thành lập liên doanh để xây dựng tổ hợp hóa dầu thứ ba tại Việt Nam, sau các nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn, với tổng vốn trên 3,77 tỷ USD. Dự án này được cấp phép vào tháng 7, thực hiện tại Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn, TP Vũng Tàu.
Tổ hợp sẽ sản suất và tiêu thụ các hóa chất cơ bản, khí công nghiệp, nguyên liệu nhựa, các sản phẩm từ dầu khí và các sản phẩm hóa dầu khác. Dự án cũng bao gồm cảng, cầu cảng chuyên dùng và các kho bãi phục vụ tổ hợp. PVN và Vinachem lần lượt góp 18% và 11% trong vốn điều lệ của dự án. Hai doanh nghiệp Thái Lan là Công ty TNHH Vina SCG và Công ty TNHH nhựa và hóa chất Thái Lan góp 53% và 18%. Dự án thực hiện từ quý III năm nay, đến cuối năm 2016 sẽ hoàn tất, trong đó dự kiến hạ tầng cơ sở chung hoàn thành vào năm 2011.
7. Đô thị đại học quốc tế Berjaya: 3,5 tỷ USD
Dự án này do công ty Berjaya Leisure (Malaysia) thực hiện tại TP HCM. Tổng vốn đăng ký của dự án là 3,5 tỷ USD, vốn điều lệ là 750 triệu USD. Chủ đầu tư dự kiến xây dựng một đô thị đại học quốc tế, gồm các khu dân cư, thương mại, giải trí và y tế.
8. Liên doanh Gtel Mobile: 1,8 tỷ USD
Công ty Viễn thông di động toàn cầu Gtel Mobile là liên doanh giữa Tổng công ty Viễn thông toàn cầu GTel (Bộ Công an) và tập đoàn Vimpel - Com của Nga, với tổng vốn 1,8 tỷ USD. Trong đó, GTel nắm giữ 60% cổ phần, Vimpel - Com 40%. Đối tác của Gtel, Vimpel - Com là tập đoàn dịch vụ di động lớn thứ hai của Nga, chuyên đầu tư và khai thác dịch vụ viễn thông tại nước này và nhiều quốc gia SNG.
9. Tổ hợp nghỉ dưỡng Starbay: 1,6 tỷ USD
Công ty Starbay thuộc British Virgin Islands, một quần đảo tại vùng Caribê thuộc Vương quốc Anh, là chủ đầu tư dự án này. Tổ hợp đặt tại tỉnh Kiên Giang, gồm khu nghỉ dưỡng phức hợp, sân golf và căn hộ cho thuê.
10. Khu khách sạn, giải trí Good Choice: 1,3 tỷ USD
Dự án này gồm khách sạn 5 sao, vui chơi giải trí, các khu dịch vụ hội nghị, ẩm thực, triển lãm và y tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Chủ đầu tư là tập đoàn Good Choice của Mỹ, với vốn đăng ký cho dự án 1,299 tỷ USD.
Ngọc Châu