Dưới đây là 10 sự thực bạn cần hiểu rõ về tự kỷ - một chứng rối loạn thần kinh có ảnh hưởng đến sự phát triển của não, cản trở khả năng giao tiếp xã hội của một người.
1. Tự kỷ là chứng rối loạn, không phải bệnh
Tự kỷ không phải bệnh truyền nhiễm. Nó không phải là thứ lây lan từ người này sang người khác, không phải là một loại bệnh phát sinh do ăn uống không đúng hoặc do những lời thần chú xấu xa. Nó là một chứng rối loạn bẩm sinh hoặc xuất hiện trong những năm phát triển đầu đời của một đứa trẻ.
2. Tự kỷ có thể chữa được
Quan niệm rằng tự kỷ không chữa được là hoàn toàn sai lầm. Hiện nay, y học đã có những phương pháp điều trị và các chương trình khác nhau có thể trợ giúp bệnh nhân mắc chứng tự kỷ giúp họ cải thiện kỹ năng và bắt đầu sống một cuộc sống hoàn toàn mới và thoải mái. Chỉ có điều mức độ và thời gian chữa khỏi là tùy thuộc vào từng người.
3. Người mắc chứng tự kỷ có thể lập gia đình
Nhiều trẻ em và người lớn có thể đối phó tốt với các đặc tính, đặc điểm của chứng tự kỷ và có thể bộc lộ một cách bình thường. Một số có thể kiếm được việc làm thường xuyên, hiểu và duy trì các mối quan hệ, chịu trách nhiệm cá nhân, và có thể lập gia đình.
4. Những người mắc chứng tự kỷ là không giống nhau
Không có hai đứa trẻ hoặc hai người lớn mắc chứng tự kỷ như nhau. Vì vậy, nhu cầu của mỗi người sẽ khác nhau, và những người chăm sóc hoặc đối phó với người mắc chứng tự kỷ sẽ có kinh nghiệm và cách tiếp cận khác nhau. Sẽ không có khái niệm gọi là "đúng cách" hay "cách tốt nhất" để sắp xếp, phân chia ra một vấn đề. Cách xử lý sẽ luôn luôn phải tùy biến theo từng trường hợp.
5. Những người mắc chứng tự kỷ có khả năng đặc biệt
Người mắc chứng tự kỷ có thể không bình thường trong tất cả hoạt động của thói quen hàng ngày, nhưng họ làm cho chúng ta ngạc nhiên với khả năng đặc biệt của mình. Ai đó có thể đột xuất giỏi chơi một nhạc cụ nào đó, hoặc có khả năng ghi nhớ những con số, nhưng một số khác lại có một trí nhớ siêu đẳng... Điều quan trọng là phải đi sâu hơn về những gì mà thể chất bên ngoài họ biểu hiện và hiểu được thế mạnh của họ.
6. Người mắc chứng tự kỷ có thể có định nghĩa khác nhau của sự "bình thường"
Những hình ảnh và âm thanh hằng ngày xuất hiện bình thường với bất kỳ ai, nhưng nó có thể không thân thiện hoặc không thoải mái cho những người mắc chứng tự kỷ. Âm thanh của một máy pha cà phê, ánh sáng từ bóng đèn hoặc sự cuồng của một fan có thể gây khó chịu hay lo lắng cho những người tự kỷ mà không ai nhận ra cơn đau của họ. Điều quan trọng là những người xung quanh cần phải hiểu hành vi của họ thay vì chờ đợi họ nói ra.
7. Những người mắc chứng tự kỷ khó diễn tả cảm xúc của mình
Vấn đề chính của họ là không thể giao tiếp tốt. Vì vậy, nhiều khi họ không có khả năng thể hiện khi đang đói hoặc khi cần một điều gì đó. Từ vựng của họ có thể không đủ để mô tả yêu cầu, mong muốn của họ. Hơn nữa, những gì họ nói có thể không phải là những gì họ muốn, do đó hãy quan sát những thứ xung quanh để hiểu họ hơn là bỏ qua ý nghĩa của chúng.
8. Người mắc chứng tự kỷ không thể xử lý thông tin phức tạp
Đó là điều quan trọng mà bạn cần biết để giao tiếp với họ bằng những câu đơn giản và nói chuyện trực tiếp mặt đối mặt. Ví dụ, họ có thể không hiểu khi bạn gọi tên hoặc nói chuyện về họ từ khắp các phòng. Thay vào đó, họ sẽ hiểu rõ hơn nếu bạn nói điều tương tự khi nói chuyện mặt đối mặt. Họ không hiểu thành ngữ, chơi chữ và thuật ngữ, những câu từ có thể có bất kỳ ẩn nghĩa khác. Họ chỉ hiểu được những từ đơn giản và hoàn toàn không phức tạp.
9. Người mắc chứng tự kỷ nhớ những gì họ nhìn thấy
Bạn không chỉ phải nói cho họ rằng cần làm gì, mà bạn cần phải làm để họ thấy, để họ bắt chước những điều đó. Hơn nữa không chỉ một mà cần phải làm nhiều lần, bởi họ nhớ tốt nhất những gì họ nhìn thấy hơn là những gì họ nghe thấy. Những hoạt động này cần được liên tục khuyến khích, vì họ sẽ bỏ cuộc dễ dàng khi có những dấu hiệu nhỏ của sự thất vọng hoặc sự phiền toái từ phía bạn.
10. Người mắc chứng tự kỷ cần được dạy để hòa nhập với xã hội
Trẻ em mắc chứng tự kỷ không chơi và tương tác, giao tiếp với những đứa trẻ khác không phải vì chúng "không muốn", mà vì chúng "không biết làm thế nào để chơi cùng". Chúng chỉ hiểu trò chơi với mô hình cố định và các chuyển động lặp đi lặp lại. Những đứa trẻ khác phải mời đứa trẻ mắc chứng tự kỷ chơi cùng và hiểu thiếu sót của chúng, chứ không phải là kỳ vọng vào sự thay đổi và tiếp thu từ ngày này qua ngày khác.
Sự đồng cảm của xã hội và sự nỗ lực không ngừng của cha mẹ, gia đình, bạn bè và môi trường xung quanh sẽ giúp những người tự kỷ được trang bị tốt hơn và nắm chắc dây cương cuộc sống của mình.
Lan Lan (Theo MagforWoman)