Dưới đây là chia sẻ của blogger đến từ Moskva, Nga về những điều khiến cô bất ngờ về người dân địa phương, sau hơn 5 năm sống ở xứ sở chuột túi cùng chồng.
Như nhiều người, Natasha từng nghĩ Australia chỉ có mùa hè ấm áp quanh năm. Thực tế, quốc gia này có đủ 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông. Mùa xuân bắt đầu từ tháng 9 đến 11, mùa hè từ tháng 12 đến 2, mùa thu từ tháng 3 đến tháng 5 và mùa đông từ tháng 6 đến tháng 8. Nơi này cũng có cả mùa khô (tháng 5 đến tháng 10) và mùa mưa (tháng 11 đến tháng 4).
Australia là một quốc gia "đảo ngược". Khi phần lớn thế giới đang là mùa hè, người Australia lại co ro trong tiết trời lạnh của mùa đông. Điều đó có nghĩa là mọi người đón năm mới và Giáng sinh trong bikini, áo cộc và váy ngắn. Họ tổ chức tiệc Giáng sinh trên bãi biển, làm "người tuyết" từ cát.
Người dân thường tổ chức thêm một lễ Giáng sinh vào tháng 7, khi trời thực sự lạnh. Họ ngồi trước lò sưởi, tặng quà cho người thân, nặn người tuyết từ tuyết "xịn" và tận hưởng không khí Giáng sinh như phần còn lại của thế giới vào tháng 12.
Vào mùa đông, ngoài trời có thể ấm hơn trong nhà. Thoạt nghe, nhiều người có thể cho rằng đây là một nghịch lý. Natasha giải thích, thực tế nhiệt độ mùa đông không quá thấp, nhưng sống trong những ngôi nhà không có hệ thống sưởi trung tâm, tường mỏng luôn khiến cô thấy lạnh cóng. Thứ đầu tiên mà cô mua để chống chọi với mùa đông ở đây là một đôi bốt lông.
Một người bạn của cô từng tiết lộ nhiệt độ trong nhà mình vào mùa đông là gần 9 độ C, trong khi nhiệt độ ngoài trời là gần 13 độ C. "Người dân khắp thế giới đi bốt lông ngoài trời, còn người Australia thì đi bốt trong nhà".
Natasha nhận ra rằng người dân địa phương phát âm khó nghe, và họ rất hay nói tắt, dùng những từ rút gọn như arvo chỉ buổi chiều, thay vì afternoon; hay brekky cho bữa sáng, thay vì breakfast.
"Người dân ở đây ít khi lo lắng. Tại sao họ phải sống như vậy khi có thể nhâm nhi một tách cà phê và nhìn ngắm đại dương ở ngay trước mặt?", Natasha viết. Họ có thể mặc bất kỳ thứ gì ra ngoài mà không bị ai để ý như: đồ ngủ, đồ thể thao, đi chân trần. Theo một thống kê, 50% người Australia không dùng bàn là, vì không ai đánh giá họ chỉ vì một chiếc áo hay quần nhàu nhĩ.
Người dân có thói quen lái ôtô bằng chân trần. Trước đây, Natasha không cho rằng đây là một ý hay khi bạn bè cô tiết lộ họ làm điều đó. Nhưng giờ, cô thấy điều này rất thoải mái.
Dù có thái độ sống thoải mái, người dân lại thích lên kế hoạch trước cho mọi việc. Họ mua vé máy bay đi du lịch trước 8-9 tháng, lên kế hoạch cho kỳ nghỉ trước cả năm và hẹn gặp bạn bè trước một tháng.
Nhiều người nói rằng, tại Australia các con vật luôn to lớn bất thường: nhện khổng lồ, dơi khổng lồ và rắn, trăn thường xuyên xuất hiện trong nhà. Mọi thứ thật đáng sợ. Nhưng Natasha không đồng tình với quan điểm này. "Nếu mọi thứ thực sự tồi tệ như vậy, người Australia không nằm trong top những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới". Cô cho biết ở đây, mọi loài vật đều có lãnh thổ riêng, và con người thích nghi với việc sống chung cùng chúng. Quy tắc đơn giản giúp người dân giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn là luôn kiểm tra bên trong ủng trước khi xỏ chân, quan sát mọi thứ và cẩn thận khi bơi dưới biển. "Cẩn thận không bao giờ thừa", cô nói.
Australia được mệnh danh là xứ sở chuột túi, và chuột túi nhiều hơn người. Tuy nhiên, bạn ít thấy chúng khi đang đi trên phố. Thay vào đó, bạn cần tới tham quan các vườn quốc gia. Đây là những nơi bạn sẽ thường xuyên nhìn thấy loài vật này.
Anh Minh (Theo Bright Side)