Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ hai, 29/4/2019, 10:31 (GMT+7)

10 di sản thế giới bên bờ vực nguy hiểm

Đô thị hóa, nội chiến hay săn bắn là những nguyên nhân khiến nhiều cảnh đẹp nổi tiếng có thể bị hủy hoại trầm trọng.

Theo danh sách của UNESCO, trên thế giới có 54 di sản thế giới đang bị lâm nguy. Tạp chí Lonely Planet lựa chọn 10 di sản có nguy cơ bị hủy hoại nhất do các nguyên nhân khác nhau: 

Vườn quốc gia Everglades, bang Florida, Mỹ được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới năm 1979. Everglades có diện tích khoảng 567.000 ha, là nơi sinh sống của rất nhiều loài sinh vật hoang dã với hơn 400 loài chim, 275 loài cá và trên 20 loài rắn. Đô thị hóa và khai thác nông nghiệp là mối đe dọa tới vùng đất ngập nước này. Ảnh: Booking.

Trong khi đó, vấn nạn khai thác gỗ, săn bắn trộm và làm đường là nguyên nhân đe dọa tới những cánh rừng nhiệt đới trên đảo Sumatra, Indonesia. Di sản rừng nhiệt đới Sumatra được UNESCO công nhận năm 2004, có diện tích khoảng 2,5 triệu ha, gồm 3 vườn quốc gia Gunung Leuser, Kerinci Seblat và Bukit Barisan Selatan. Đây là nơi sinh sống của khoảng 1.000 loài thực vật và hơn 200 loài động vật có vú, trong đó có đười ươi Sumatra. Ảnh: BBC. 

Các đài kỷ niệm thời trung cổ ở Kosovo bao gồm tu viện Decani, nhà thờ Đồng trinh Levisa, tu viện Patriarchate ở Pec (ảnh), tu viện Gracanica ở Pristina với những mái vòm và những bức tranh tường đặc trưng của văn hóa tôn giáo Byzantine trên bán đảo Balkan phát triển từ thế kỷ 13 đến 17.

Quần thể các đài tưởng niệm trên được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2004. Di sản này được đưa vào Danh sách di sản thế giới bị đe dọa vào năm 2006 do những tác động từ môi trường bên ngoài và công tác bảo tồn chưa hợp lý đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các bức tranh tường nghệ thuật. Ảnh: Lonely Planet. 

Các công viên quốc gia hồ Turkana, Kenya đang chịu tác động nghiêm trọng từ hạn hán và biến đổi khí hậu. Di sản thế giới này được UNESCO công nhận năm 1997, là một trong những hồ nước mặn lớn nhất châu Phi.

Ba công viên trong khu vực hồ là điểm tạm trú lý tưởng của các loài chim nước di cư; môi trường sống bản địa của cá sấu sông Nile, hà mã và nhiều loài rắn độc. Ảnh: SawaSawa Africa. 

Nhà thờ Giáng Sinh - vương cung thánh đường ở Bethlehem, Palestine là một trong những nhà thờ cổ nhất vẫn hoạt động trên thế giới, được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2012.

Nhà thờ Giáng Sinh Bethlehem rất thiêng liêng đối với những tín đồ Thiên Chúa giáo trên toàn thế giới. Hiện công trình này bị đe dọa do một số hạng mục đã xuống cấp, ô nhiễm và áp lực đô thị. Ảnh: Danita Delimont.

Trung tâm lịch sử Vienna, Áo được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2001. Tại Vienna, bên cạnh những lâu đài, cung điện cổ kính được xây dựng từ thời Hofburg là những tòa nhà cao tầng hiện đại, trung tâm thương mại đắt tiền, cửa hàng thời trang sang trọng. Trung tâm lịch sử này hiện bị đe dọa từ sự phát triển của bất động sản hiện đại trong thủ đô Vienna. Ảnh: Wien. 

Công viên quốc gia Virunga, Congo được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1979, có diện tích lên đến 760.000 ha với môi trường sống nổi bật từ vùng đầm lầy, thảo nguyên cho đến núi tuyết có độ cao 5.000 m.

Virunga là nơi sinh sống của khoảng 200 con khỉ đột núi, hơn 2.000 con hà mã tại các dòng sông và là nơi trú đông của các loài chim di cư từ Siberia. Công viên này được UNESCO đưa vào danh sách bị đe dọa từ năm 1994 do vấn nạn săn bắn trộm và nội chiến Congo. Ảnh: CBS News.

Thành phố cổ Damascus, Syria là một trong những thành phố lâu đời nhất Trung Đông. Damascus có đến 125 di tích lịch sử, trong đó ngoạn mục nhất là công trình kiến trúc Đại Thánh đường Hồi giáo Umayyads.

Damascus được công nhận là di sản thế giới vào năm 1979. Vào tháng 6/2013, UNESCO đưa tất cả các địa điểm tại Syria vào danh sách di sản bị đe dọa nghiệm trọng vì cuộc nội chiến ở đây. Ảnh: Marko Stavric Photography. 

Rừng mưa nhiệt đới Atsinanana gồm 6 vườn quốc gia nằm ở sườn phía đông của quốc đảo Madagascar, được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2007. Khu rừng nhiệt đới này hỗ trợ môi trường sống lý tưởng cho các loài linh trưởng quý hiếm, đặc biệt là vượn cáo. Tình trạng lấn đất làm nông, khai thác gỗ, săn bắt cùng với việc khai thác đá quý khiến diện tích rừng giảm đáng kể. Ảnh: Olivier Cirendini.

Thành cổ Hatra, tọa lạc tại tỉnh Ninawa, Iraq, cách thủ đô Bagdad khoảng 290 km về phía tây bắc, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1985. Hatra phát triển từ thời vương quốc Parthia, gồm những bức tường thành cao và các tòa tháp vững chắc để chống lại sự xâm lược của người La Mã giai đoạn 116-198.

Phần còn lại của thành cổ Hatra hiện nay là những ngôi đền cổ và tượng khắc mang đậm kiến trúc Hy Lạp và La Mã pha trộn với kiến trúc phương Đông. Năm 2015, Hatra được đưa vào danh sách các di sản thế giới lâm nguy cần được bảo vệ do nhiều di tích của thành cổ bị phiến quân IS phá hủy. Ảnh: Jane Sweeney. 

Huỳnh Phương (Theo Lonely Planet)

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net