Tư duy nhanh và chậm - Daniel Kahneman
Tác giả cuốn sách - người đạt giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2002 - đưa ra hai hệ thống tư duy tác động đến nhận thức của con người. Hệ thống một được gọi là cơ chế nghĩ nhanh, tự động, được sử dụng một cách cảm tính, rập khuôn và tiềm thức. Hệ thống hai gọi là cơ chế nghĩ chậm, dùng logic có tính toán và ý thức. Tác giả chứng minh con người thường đi đến quyết định theo cơ chế nghĩ nhanh hơn nghĩ chậm. Phần lớn nội dung cuốn sách chỉ ra những sai lầm của con người khi suy nghĩ theo hệ thống một.
Cuốn sách được đánh giá là một kiệt tác trong việc thay đổi hành vi con người. Tư duy nhanh và chậm cũng giành vô số giải thưởng: Sách khoa học hay nhất của Học viện Khoa học Quốc gia 2012 (của Mỹ), Tạp chí New York Times bình chọn là sách hay nhất năm 2011, một trong những cuốn sách kinh tế xuất sắc 2011...
Lập bản đồ tư duy - Tony Buzan
Bản đồ tư duy (Mindmap) là phương pháp tận dụng khả năng ghi nhận hình ảnh của não bộ. Đây là cách để ghi nhớ chi tiết, tổng hợp hay phân tích một vấn đề thành dạng lược đồ phân nhánh. Phương pháp này giúp khai thác khả năng ghi nhớ và liên lạc, liên hệ dữ kiện của bộ não. Hàng triệu người trên thế giới đã áp dụng thành công phương pháp này.
Tony Buzan - tác giả của bản đồ tư duy - hướng dẫn một cách tỉ mỉ, cặn kẽ cách thực hành phương pháp này trong cuốn Lập bản đồ tư duy. Sách là cẩm nang chỉ dẫn độc giả xây dựng bản đồ tư duy, trở thành người ngăn nắp và sáng tạo.
Sáu chiếc mũ tư duy - Edward de Bono
Sáu chiếc mũ với màu sắc khác nhau, biểu thị cho các cách tư duy: Mũ trắng tập trung vào những con số thực khách quan, mũ đỏ chú trọng vào góc nhìn cảm xúc, mũ đen là sự cảnh giác và thận trọng, mũ vàng hướng đến sự lạc quan, mũ xanh lục ám chỉ ý tưởng mới sáng tạo, mũ xanh lam tập trung vào sự kiểm soát cơ chế quá trình tư duy.
Cuốn sách hướng độc giả đến việc chỉ làm một việc trong một thời điểm. Đó là quan điểm đội duy nhất một chiếc mũ tư duy trên đầu. Đội bất cứ kiểu mũ nào đều có nghĩa là bạn đang kiểm soát và hướng suy nghĩ của mình theo cách thức của chiếc mũ đó. Chúng ta có thể tách biệt tình cảm ra khỏi lý trí, tách bạch sự sáng tạo ra khỏi thông tin... để tập trung vào xử lý một sự việc.
Lối tư duy của người thông minh - Art Markman
Tác giả là một trong những nhà nghiên cứu lĩnh vực khoa học nhận thức hàng đầu. Trong Lối tư duy của người thông minh, Art Markman chỉ ra sự khác nhau giữa trí thông minh bẩm sinh và tư duy thông minh, từ đó lý giải nhiều người có chỉ số IQ cao nhưng không thành công trong cuộc sống.
Tác giả đưa ra phương pháp giúp rèn kỹ năng cần thiết để luyện tập và trau dồi thói quen thông minh, đồng thời tiếp nhận và tích lũy tri thức để áp dụng đúng lúc đúng chỗ.
Làm chủ tư duy thay đổi vận mệnh - Adam Khoo
Cuốn sách gồm 11 chương, cung cấp kiến thức chi tiết giúp người đọc từng bước mở khóa niềm tin, làm chủ cảm xúc và giải phóng tư duy.
Ba chương đầu, tác giả đưa ra cái nhìn tổng quan và công thức chung nhất để thành công. Các chương tiếp theo hướng dẫn cụ thể giúp loại bỏ những thói quen xấu. Ba chương cuối tác giả cho rằng mỗi người cần tìm thấy các giá trị sống và tự tay thiết kế vận mệnh của mình.
Tư duy đột phá - Shozo Hibino và Gerald Nadler
Cuốn sách được đánh giá là một "phần mềm dành cho trí não", bao gồm quy trình hoạch định, thiết kế, cải tiến cách tư duy. Sự đột phá nằm ở suy nghĩ khác biệt. Đó có thể là một sáng kiến, giải pháp tối ưu hay một hệ thống vượt trội được áp dụng để đạt kết quả tốt nhất. Sách đưa ra bảy nguyên tắc, là sự đúc kết kinh nghiệm thực tiễn từ 30 năm nghiên cứu về cách thức xử lý vấn đề của Tiến sĩ Shozo Hibino và Tiến sĩ Gerald Nadler (hai chuyên gia giải quyết, ngăn chặn sự cố thành công trên thế giới).
Năm tư duy cho tương lai - Howar Gardner
Xã hội thay đổi với tốc độ toàn cầu hóa ngày càng nhanh, lượng thông tin tăng gấp bội và lan tỏa chóng mặt, công nghệ chi phối đời sống... Những đổi thay này đòi hỏi con người phải có nhận thức mới. Nhà giáo dục, tâm lý học Howar Gardner xác định khả năng nhận thức sẽ giúp mỗi người giải quyết tốt vấn đề của mình. Tác giả đưa ra kỹ năng cho các hình thức tư duy: nguyên tắc (thông thạo một lĩnh vực chính và ít nhất một công việc chuyên môn), tổng hợp, sáng tạo, tôn trọng (nhận biết, thấu hiểu sự khác biệt giữa con người với nhau) và đạo đức (hoàn thành trách nhiệm một người lao động, công dân).
Nghĩ ngược lại và làm khác đi - Paul Arden
Trong cuốn sách nhỏ được trình bày một cách độc đáo, Paul Arden kể nhiều câu chuyện, để cùng đi tới một thông điệp: "Tư duy không theo lối mòn là con đường đúng đắn để giành chiến thắng". Tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy khuyên người đọc: "Thế giới chính là những gì bạn nghĩ về nó. Vì vậy hãy nghĩ về nó theo cách khác đi và cuộc sống của bạn sẽ thay đổi".
Nghĩ ngược lại và làm khác đi được đánh giá là một cuốn sách tràn đầy năng lượng với những ý tưởng khác thường, lối trình bày mới mẻ.
Một tư duy hoàn toàn mới - Daniel H. Pink
Tác giả cho rằng xã hội đang chuyển từ thời đại xây dựng trên khả năng tư duy logic, tuyến tính, máy móc (tư duy bằng bán cầu não trái) sang thời đại nhận thức xây dựng trên óc sáng tạo, sự đồng cảm (tư duy bằng bán cầu não phải). Daniel H. Pink chỉ ra sáu khả năng cơ bản của não phải: thiết kế, kể chuyện, hòa hợp, đồng cảm, giải trí, tìm kiếm ý nghĩa. Từ đó, ông cho rằng thế giới cần theo đuổi triết lý mới về một nền kinh tế sáng tạo, chứ không chỉ tư duy tuyến tính logic như trước. Với mỗi cá nhân, tác giả khuyên hãy tư duy bằng cả hai phần của não bộ với lập luận: "Không có công việc nào trên trái đất chỉ dùng đến tư duy của một nửa bộ não".
Tư duy như Leonardo da Vinci - Michael J. Gelb
Leonardo da Vinci là thiên tài người Italy, ông vừa là họa sĩ, kiến trúc sư, nhà điêu khắc, nhà nghiên cứu mỹ thuật, văn hóa và chủ nghĩa nhân đạo. Bên cạnh đó, ông cũng là nhà Toán học kiêm kỹ sư cơ khí, triết gia, nhà giải phẫu. Ở Leonardo da Vinci, năng lực tư duy sáng tạo là vô hạn.
Trong cuốn Tư duy như Leonardo da Vinci, tác giả Michael J. Gelb phân tích các tác phẩm nghệ thuật, những bản vẽ sáng chế. Từ đó ông đúc rút bảy nguyên tắc cốt lõi và nền tảng của khả năng sáng tạo giúp Leonardo trở thành họa sĩ huyền thoại: tiếp cận cuộc sống với trí tò mò vô hạn (trí tò mò), nỗ lực học tập không mệt mỏi, cách kết nối (tư duy hệ thống) sự liên kết giữa các sự vật, hiện tượng...
Thông qua quá trình khám phá nguyên tắc và nền tảng tư duy của họa sĩ lớn thời Phục Hưng, độc giả có thể khai thác được thế mạnh, năng lực tư duy trong con người mình.
Lam Thu