Trang thông tin chuyên về vệ sinh Hassel.com tổng hợp những cuộc dọn dẹp tốn kém nhất trong lịch sử đối với các công trình kiến trúc tầm cỡ quốc tế. Danh sách bao gồm những điểm du lịch rất nổi tiếng như dưới đây.
1. Tháp Eiffel, Pháp
Không có gì ngạc nhiên khi một công trình nổi tiếng thế giới như tháp Eiffel được lau chùi hàng năm năm. Các công nhân phải cần tới 500 lít nước lau kim loại, 4 tấn khăn và 25.000 túi đựng rác cho mỗi lần tổng vệ sinh tòa tháp.
Cứ 7 năm một lần, tháp Eiffel lại được sơn mới với 60 tấn sơn. Công việc hầu như chẳng dễ dàng bởi không ai có thể sản xuất ra một cây lăn sơn có cán dài tới 301m.
2. Tòa nhà chọc trời Empire State, Mỹ
Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, các nhân viên vệ sinh sẽ phải dùng dây bảo hộ treo mình để lau chùi khắp 4 mặt bên ngoài tòa nhà cao tới 443m. Họ phải đảm bảo 6.500 cửa kính của 102 tầng được lau chùi sáng bóng.
3. Tháp đồng hồ Big Ben, Anh
Những nhân viên vệ sinh sẽ phải lau chùi cẩn thận từng ô nhỏ trong tổng số 312 miếng kính mắt mèo trên 4 mặt đồng hồ, chỉ sử dụng xà phòng và nước. Điều này tưởng chừng khá dễ dàng, nhưng ngay cả khi đội ngũ vệ sinh làm việc trên độ cao 90 m, các kim đồng hồ vẫn hoạt động như bình thường.
Được tiến hành 5 năm một lần, quá trình vệ sinh tháp Big Ben tốn nhiều thời gian, đòi hỏi các nhân viên phải rất thận trọng và khéo léo.
4. Đền Taj Mahan, Ấn Độ
Để bảo vệ công trình cổ này, người ta sử dụng bùn đất sét. Ngôi đền sẽ được bao phủ bởi một lớp bùn để khô qua đêm. Sau đó những nhân viên vệ sinh dùng bàn chải nilon mềm và nước để làm sạch lớp bùn khô trên các bức tường cùng những bụi bẩn bám vào. Phương pháp độc đáo này đã được áp dụng vào các cuộc trùng tu năm 1994, 2001 và 2008.
5. Lễ hội ném cà chua La Tomatina, Tây Ban Nha
Mỗi năm thị trấn Buñol của Tây Ban Nha đón du khách từ khắp nơi trên thế giới dự lễ hội ném cà chua, ước tính 150.000 quả được dùng. Số lượng khổng lồ này đủ bao phủ một lớp soup cà chua dày trên khắp mọi nẻo đường thị trấn.
Các nhân viên vệ sinh phải dùng đến vòi rồng của lực lượng cứu hỏa để dọn dẹp "bãi chiến trường" này. Người dân cũng được huy động sử dụng những vòi nước gia đình giúp đỡ công cuộc vệ sinh đầy quy mô.
6. Đài tưởng niệm tổng thống Lincoln, Mỹ
Công trình tưởng niệm vị tổng thống đáng kính Lincoln được vệ sinh 2 lần mỗi năm. Đội ngũ nhân viên của Công viên Quốc gia (National Park) sẽ chịu trách nhiệm dọn dẹp mọi bụi bẩn và những vết phân chim thuộc khu tượng đài, riêng bức tượng được chà rửa sạch sẽ.
7. Ngọn núi Rushmore, Mỹ
Cuộc trùng tu vệ sinh đầu tiên cho ngọn núi của những vị tổng thống vĩ đại nước Mỹ diễn ra vào năm 2005. Bức tượng khổng lồ bằng đá granite được xả nước nóng nén áp suất để gột rửa toàn bộ bụi, rêu và rác bẩn. Các nhân viên vệ sinh phải treo mình trên độ cao 150 m để làm nhiệm vụ.
8. Thành cổ Acropolis, Hy Lạp
Công trình đá cẩm thạch 2500 tuổi tọa lạc trên một núi đá gần thành phố Athens. Sự ô nhiễm không khí đã bao trùm một lớp bụi đen kín khắp các bề mặt. Các nhà khoa học đã phải thử nghiệm 40 biện pháp vệ sinh khác nhau mới tìm ra phương án an toàn nhất là dùng tia laser và cực tím.
Phương pháp nguy hiểm này chỉ được phép tiến hành 2 giờ mỗi ngày, đòi hỏi nhân viên phải tuân thủ các quy định về an toàn vô cùng nghiêm ngặt.
9. Bức tranh Mona Lisa, Pháp
Nàng Mona Lisa được “gội rửa” lần đầu tiên vào năm 1809. Bức tranh đạt 6 triệu lượt khách ghé thăm mỗi năm, do đó việc trùng tu, vệ sinh diễn ra rất thường xuyên. Việc đánh vecni và khôi phục nét vẽ diễn ra vô số lần để đảm bảo vẻ đẹp tác phẩm nghệ thuật luôn ở tình trạng tốt nhất.
10. Lễ hội Glastonbury, Anh
Là một trong những lễ hội quy mô và nổi tiếng nhất thế giới, Glastonbury đón khoảng 175.000 lượt người tham dự mỗi ngày trong tổng thời gian 5 ngày diễn ra, điều này đồng nghĩa việc hàng đống rác thải bị vứt bỏ lại đây. Năm nay, 800 nhân viên vệ sinh đã phải nhặt rác trên gần 5.000m2 khu vực diễn ra lễ hội, kéo dài tới 6 tuần mới hoàn thành.
Phạm Huyền (theo AOL)