'Moonlight' đăng quang sau sự cố trao nhầm tại Oscar
Do sơ suất của đơn vị chuẩn bị, hai diễn viên nổi tiếng Warren Beatty và Faye Dunaway đã đọc nhầm tên tác phẩm thắng giải “Phim xuất sắc” là La La Land. Trong lúc dàn diễn viên phim này đang ăn mừng trên sân khấu, một nhà sản xuất nhận ra sự nhầm lẫn và lên đính chính phim thắng giải là Moonlight. Êkíp Moonlight lên nhận giải với sự bối rối, còn sân khấu trở nên rối loạn. Sự cố trao nhầm giải trong lễ Oscar trở thành chủ đề đàm tiếu trên mạng xã hội lẫn các trang truyền thông, bị so sánh với vụ trao nhầm vương miện tại Hoa hậu Hoàn vũ 2015.
Chiến thắng của Moonlight tạo nên lịch sử khi lần đầu tiên có một bộ phim với dàn diễn viên toàn người da màu và có chủ đề cộng đồng LGBT nhận giải cao nhất. Nam diễn viên Mahershala Ali của Moonlight là người theo Hồi giáo đầu tiên nhận Oscar, trong khi Violas Davis của Fences đi vào lịch sử với tư cách diễn viên da màu duy nhất từng nhận cả ba giải Oscar, Emmy và Tony.
Một dấu ấn khác là việc Casey Affleck thắng giải “Nam diễn viên chính xuất sắc” nhờ Manchester by the Sea, qua đó cùng người anh Ben Affleck trở thành “Cặp anh/chị em” thứ 16 trong lịch sử từng nhận Oscar.
Nhiều cột mốc mới của điện ảnh cũng được thiết lập tại Oscar lần thứ 89. Damien Chazelle trở thành người trẻ tuổi nhất nhận Oscar “Đạo diễn xuất sắc” ở tuổi 32. Bộ phim nhạc kịch La La Land của anh cân bằng kỷ lục về số đề cử với All About Eve và Titanic (14 đề cử).
Phim tình yêu ở lò sát sinh lên ngôi tại Liên hoan phim Berlin
Từ ngày 9-18/2, Liên hoan phim Berlin lần thứ 67 được tổ chức. Đây là một trong những liên hoan phim uy tín nhất thế giới và tiếp tục khẳng định vị thế với hơn 400 bộ phim trình chiếu và khoảng 300.000 lượt vé xem phim được bán.
* "On Body and Soul" thắng giải Gấu Vàng
Tại đêm bế mạc, hàng trăm khách mời và phóng viên tới từ gần 150 quốc gia chứng kiến bộ phim On Body and Soul (tựa gốc: Testről és lélekről) giành giải Gấu Vàng. Đây là tác phẩm của Hungary, xoay quanh đôi tình nhân cô đơn làm việc ở một lò mổ. Phim được đánh giá là câu chuyện đời thường nhẹ nhàng nhưng đầy triết lý, giúp người xem nhận ra tình yêu có thể nảy nở ngay cả ở một chốn “máu lạnh”. Đây cũng là tác phẩm được Hungary chọn đại diện để tranh giải Oscar “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc” năm 2018.
Liên hoan phim Berlin 2017 còn trao các giải “Gấu Bạc Grand Prix” cho phim Felicite, “Đạo diễn xuất sắc” cho Aki Kaurismaki (The Other Side of Hope), giải “Nam và Nữ diễn viên xuất sắc” lần lượt cho George Friedrich (Helle Nächte) và Kim Min Hee (On The Beach At Night Alone). Sự kiện năm nay có nhiều tác phẩm phản ánh các vấn đề thời cuộc như khủng hoảng người tị nạn, nữ quyền hay nạn kỳ thị chủng tộc.
Phim hài bất ngờ được tôn vinh ở Liên hoan Cannes
Vượt qua những ứng cử viên nặng ký như Loveless (Nga) hay 120 Beats per Minute (Pháp), The Square - bộ phim hài châm biếm của Thụy Điển - được trao giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes lần 70. Tác phẩm của đạo diễn Ruben Ostlund lấy bối cảnh cung điện Stockholm thời hậu quân chủ, kể về những rắc rối khi nơi đây được biến thành một bảo tàng nghệ thuật.
* Cảnh giả khỉ trong "The Square"
Chiến thắng của The Square gây bất ngờ bởi dù được ngợi khen, ít người tin vào khả năng giành Cành Cọ Vàng của tác phẩm. Hai bộ phim tâm lý 120 Beats per Minute (nhận giải Grand Prix) và Loveless (nhận giải Jury Prize) đều được đánh giá cao hơn The Square trước đêm bế mạc Cannes. Tuy nhiên, khán phòng không phản đối dữ dội như năm ngoái, lúc It's Only The End of The World nhận giải Grand Prix.
Trong lễ trao giải, Sofia Coppola (The Beguiled) trở thành người phụ nữ thứ hai giành giải "Đạo diễn xuất sắc" trong lịch sử Liên hoan phim Cannes, sau nhà làm phim Nga - Yuliya Solntseva (1961). Ở các hạng mục diễn xuất, Joaquin Phoenix thắng giải “Nam diễn viên xuất sắc” với You Were Never Really Here, trong đó anh thủ vai một cựu binh cố giải cứu một bé gái khỏi đường dây buôn người. Diane Kruger (In the Fade) giành giải “Nữ diễn viên xuất sắc” khi hóa thân người phụ nữ đi tìm công lý sau khi chồng con bị những kẻ theo chủ nghĩa phát xít mới sát hại.
Tranh cãi về cách phát hành phim của Netflix
Từ lâu, cách phát hành phim trực tuyến (không chiếu hoặc chỉ chiếu hạn chế ở rạp) của Netflix gây nhiều tranh cãi trong giới làm phim. Giới chủ rạp và một số nghệ sĩ phản đối cách trình chiếu này bởi đi ngược tinh thần nguyên bản của điện ảnh - thưởng thức phim trên màn ảnh rộng. Mâu thuẫn này bùng nổ ở Liên hoan phim Cannes khi hai tác phẩm The Meyerowitz Stories (đạo diễn Noah Baumbach) và Okja (đạo diễn Bong Joon Ho) của Netflix được tranh giải.
* Ngô Thanh Vân tham gia phim "Bright" (chiếu trên Netflix) cùng Will Smith
Nội bộ ban giám khảo Cannes bất đồng về Netflix. Pedro Almodóvar - đạo diễn Tây Ban Nha kiêm chủ tịch ban giám khảo - phản đối phim hãng này góp mặt tại Cannes. Tuy nhiên, một thành viên ban giám khảo khác - tài tử Will Smith - lại bảo vệ Netflix và cho rằng cách phát hành trực tuyến giúp khán giả dễ tiếp cận phim ảnh hơn. Khi logo của Netflix hiện lên trong buổi chiếu phim Okja, đã có nhiều tiếng la ó từ hàng ghế khán giả. Chủ tịch LHP Cannes Thierry Fremaux khẳng định từ năm sau, chỉ các phim được trình chiếu tại rạp ở Pháp mới có quyền tranh giải.
Sau nhiều năm thành công ở mảng phim truyền hình với các series House of Cards, Narcos hay Stranger Things, Netflix bắt đầu lấn sân sang mảng điện ảnh vài năm qua. Trong năm nay, dự án điện ảnh Bright của hãng này có kinh phí lên đến 90 triệu USD với sự tham gia của Will Smith. Trang Indiewire cho rằng sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên một bom tấn được phát hành trực tuyến. Trong tương lai, cuộc chiến giữa Netflix và các đơn vị phát hành theo kiểu truyền thống được dự đoán là vẫn nóng bỏng.
Phim thực tế ảo lần đầu được trao giải tại một liên hoan phim lớn
Cùng Cannes và Berline, Liên hoan phim Venice là một trong ba liên hoan phim lớn của thế giới. Một điểm nhấn ở sự kiện năm nay là việc ban tổ chức mở một hạng mục mới dành riêng cho các phim thực tế ảo (VR) mang tên “Venice Virtual Reality”. Thực tế ảo là môi trường mô phỏng được tạo ra bởi máy tính, mang đến trải nghiệm điện ảnh đa chiều. Phương thức xem phim này giúp khán giả hòa mình vào bộ phim, song cũng làm dấy lên những tranh cãi về việc ý đồ kể chuyện của đạo diễn và cảm nhận của khán giả có thể bị ảnh hưởng.
* "The Shape of Water" lên ngôi ở Venice
Vài năm qua, công nghệ thực tế ảo dần tạo cơn sốt trong giới làm phim, thu hút nhiều tên tuổi như Steven Spielberg và Alejandro Iñárritu. Việc Venice - liên hoan phim lâu đời nhất thế giới - trao giải cho công nghệ mới được xem như một bước đột phá. Giải này được trao cho tác phẩm Arden’s Wake của Eugene Y.K. Chung. Trên sân khấu, anh cổ vũ trào lưu mới của giới làm phim: "100 năm trước, phim ảnh cũng bắt đầu từ bước đi nhỏ thế này. Hành trình của phim thực tế ảo sẽ rất thú vị".
Liên hoan phim quốc tế Venice lần thứ 74 chứng kiến sự lên ngôi của tác phẩm The Shape of Water ở giải Sư Tử Vàng dành cho "Phim xuất sắc". Bộ phim của đạo diễn Guillermo del Toro kể về tình yêu của cô gái loài người với một thủy quái. The Shape of Water nhận được điểm tối đa từ các tờ Variety, The Hollywood Reporter, Indiewire... và được xem như một ứng cử viên nặng ký tại Oscar 2018.
Thịnh Joey