1. Phần mềm thu bài giảng online
Trong bối cảnh Covid-19 bùng nổ, Công ty Techsmith, đơn vị chuyên cung cấp phần mềm để thu bài giảng, cung cấp miễn phí công cụ TechSmith Snagit đến tháng 6/2020 để mọi người có thể thu bài giảng trực tiếp trên máy tính, ghi lại file Power point, kết hợp ghi hình cả người giảng và bài giảng.
Tôi đang dùng ứng dụng Camtasia, cho phép người mới dùng sử dụng thử miễn phí. Về cách sử dụng, bạn có thể xem ở video dưới đây:
2. Độ dài của mỗi video
Theo thống kê 3 năm trở lại đây ở Oklahoma State University, mỗi video bài giảng dài 10-15 phút sẽ dễ theo dõi, tăng sự chú ý, tập trung của học sinh, sinh viên hơn. Bài giảng có nội dung khoa học, đòi hỏi sự tập trung thì nên chia ra thành nhiều video thay vì một video rất dài. Tôi cũng phỏng vấn sinh viên học online trong hai năm qua và cũng nhận được đánh giá như vậy.
Các bạn có thể thu bài giảng trong một tiếng liên tiếp nhưng sau đó nên chỉnh sửa, cắt thành những video nhỏ để đăng lên cho học sinh, sinh viên xem, giúp các em tiếp thu tốt hơn.
3. Học chủ động bằng cách giải quyết vấn đề (đưa ra case study)
Phương pháp học này rất tốt, tăng sự hiếu kỳ, tò mò của học sinh, sinh viên. Tùy môn giảng dạy, tôi sẽ đưa ra các case study khác nhau. Ví dụ dạy sinh hóa, tôi thường đưa ra case study về những bệnh mà bệnh nhân gặp phải, sinh viên đóng vai trò như một bác sĩ, tìm hiểu nguyên nhân, phương pháp chữa trị. Cách này để tăng sự tập trung, động lực cho sinh viên, giúp các em chủ động, tích cực và yêu thích môn học hơn.
Tôi hay sử dụng các case study ở website National Center for Case study teaching in Science. Đây là thư viện quốc gia của Mỹ về các vấn đề dạy trong khoa học. Bạn có thể sử dụng miễn phí hoặc đăng ký gói 25 USD một năm với nhiều tính năng hơn. Tôi khuyến khích các bạn vào đây tham khảo tìm case study cho bài giảng để sinh viên áp dụng những gì được học vào thực tế, từ đó phát triển tình yêu khoa học.
Khi dạy, tôi cho các bạn đọc case study rồi nộp lại báo cáo online. Với những lớp dạy trực tuyến hay trực tiếp, tôi khuyến khích các em làm việc theo nhóm để tìm hiểu về case study đó. Tôi thường yêu cầu nộp báo cáo viết tay để chứng minh sinh viên cùng thực hiện một cách công bằng, giúp các em tăng cường cách làm bài tập nhóm, suy nghĩ đa chiều.
4. Hình thức thi online trong các bài thi dài một tiếng
Mình sử dụng ứng dụng ProctorU - dịch vụ gác thi online, giám sát thí sinh. Nó yêu cầu một người ngồi trực tuyến theo dõi màn hình của các thí sinh đang thi, đảm bảo họ không mở bất kỳ website hay bài giảng nào, không có ai hỗ trợ.
ProctorU yêu cầu trả phí 15 USD một giờ, học sinh sinh viên có thể tự trả hoặc nhà trường hỗ trợ. Dưới đây là cách sử dụng:
5. Hướng dẫn hàng tuần
Mục đích là tạo cho sinh viên học trực tuyến có lịch trình cố định và trở nên quen thuộc, biết được ngày nào, giờ nào sẽ nhận được bài kiểm tra, bài giảng, bài tập từ giáo viên. Mình thường gửi mail cho tất cả sinh viên vào thứ hai hàng tuần, nêu rõ bài tập, thời gian hoàn thành, ví dụ 23h thứ năm hàng tuần.
Các bạn có thể soạn email từ tối hôm trước rồi cài đặt gửi tới toàn bộ sinh viên trong lớp vào 7h sáng hôm sau.
6. Hướng dẫn ôn thi
Trong một học kỳ có 4 kỳ thi nhỏ trước bài thi cuối kỳ. Lúc đó, tôi sẽ cung cấp cho học sinh phần hệ thống hóa một số đầu mục nội dung chính mà sinh viên phải học. Bạn không cần đưa phần tóm tắt từng nội dung mà chỉ cần hệ thống đầu mục, sinh viên sẽ biết cần ôn tập cái gì và có thể kiểm tra những phần chưa tốt để ôn lại.
7. Câu hỏi dành cho chương tình học
Giáo trình môn học được phát vào đầu mỗi khóa học như một hợp đồng giữa giáo viên và sinh viên. Hai bên cùng thống nhất những chính sách về việc thi lại, nộp bài trễ, có việc đột xuất thì xử lý như nào hay những yêu cầu như phải xem đầy đủ video, phải nộp bài đúng hẹn.
Không phải sinh viên nào cũng đọc hết và nhớ hết vì nó khá dài (3-4 trang). Vì vậy, tôi sẽ làm khoảng 20 câu hỏi ngắn để sinh viên phải trả lời. Ví dụ, khi nộp bài trễ bạn cần làm gì, muốn thi sớm hơn phải làm gì? Qua phần này, sinh viên sẽ nhớ ra yêu cầu chính của môn học và cách xử lý khi có vấn đề xảy ra.
8. Thiết kế bài kiểm tra hàng tuần
Các bài kiểm tra thường kết hợp nhiều dạng câu hỏi như trắc nghiệm, điền vào chỗ trống sẽ giúp kiểm tra được một cách đa dạng hơn. Do không thể kiểm soát được sinh viên ở những bài thi ngắn 15-20 phút, giáo viên phải thiết kế sao cho trong thời gian đó chỉ những sinh viên học bài, có chuẩn bị trước mới có thể hoàn thành kịp thời hạn, còn nếu mở tài liệu thì không hoàn tất được.
Tôi thường làm bài kiểm tra với 20 câu. Một tuần có hai bài để học sinh hiểu sâu hơn về các bài giảng online.
9. Biện pháp khuyến khích sinh viên xem video thường xuyên
Học online có một vấn đề là sinh viên chỉ đọc Power point slide chứ không kiên nhẫn xem hết những video bài giảng. Trường mình có phần mềm giúp kiểm tra sinh viên xem video chưa, xem trong thời gian bao lâu. Từ đó, với những bạn xem đầy đủ video, mình có thể xem xét cho làm thêm bài kiểm tra nhỏ để làm tròn điểm. Sinh viên sẽ có động lực để xem video đầy đủ hơn.
10. Cách tổ chức thi giữa kỳ và cuối kỳ
Thiết kế bài thi chính 1-2 tiếng, giáo viên có thể sắp xếp cho sinh viên nhiều sự lưa chọn như lấy bài thi trực tiếp trên ProctorU hoặc thi tại trường không mất phí, đồng thời giúp sinh viên đặt câu hỏi trong quá trình thi.
Giáo viên nên có những buổi ôn tập trước khi thi để sinh viên hệ thống lại kiến thức và đặt câu hỏi. Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, các bạn có thể tổ chức ôn thi online qua ứng dụng Zoom. Giáo viên có thể tạo tài khoản trên để lập video học chung và gửi đường link để học sinh/sinh viên chỉ cần click vào trên máy tính hoặc điện thoại là có thể tham gia được.
Một phòng học trên Zoom cho phép tối đa 100 người trong 40 phút, hoàn toàn miễn phí mỗi lần và có thể thu lại toàn bộ (bật tính năng video record) nội dung buổi học để học sinh, sinh viên xem lại nếu cần hoặc cho ai vắng mặt. Lưu ý là giáo viên cần chỉnh trước chế độ chỉ giáo viên có quyền điều khiển buổi học, chế độ màn hình và cửa sổ chat để học sinh không thể chat riêng hay đẩy bạn khác ra khỏi nhóm được.
Giáo viên cũng nên tắt tiếng tất cả học sinh tham gia, khi ai muốn phát biểu thì dùng tính năng giơ tay trên Zoom để bật tiếng cho em đó hỏi và sau đó tắt.
TS Ellie Phương D. Nguyễn
(Bài viết được chuyển thể từ video trên kênh của tiến sĩ)
Cùng tác giả: