Nội dung nêu trong thông báo kết luận của Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn, sau khi làm việc với các đơn vị liên quan về dự án Vành đai 3 đang triển khai, đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An.
Nút giao Tân Vạn ở địa bàn TP Dĩ An, Bình Dương. Đây là cửa ngõ ba tỉnh, thành Bình Dương, TP HCM và Đồng Nai, lượng xe rất lớn nên thường xuyên ùn tắc. Dưới nút giao này có hệ thống hạ tầng kỹ thuật dày đặc, tương lai đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng chạy qua.
Quá trình nghiên cứu trước đây, các đơn vị đã xác định nút giao này cần được xây ba tầng cùng 5 nhánh cầu rẽ đi các hướng. Tuy nhiên, do bị khống chế kinh phí nên ở giai đoạn một, nút giao chỉ được làm trước hai nhánh cầu và tuyến chính cao tốc băng qua quy mô 4 làn xe với kinh phí 1.800 tỷ đồng. Đây là công trình được đánh giá là phức tạp nhất trong 10 nút giao trên Vành đai 3 TP HCM.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đánh giá Tân Vạn là nút giao quan trọng, lưu lượng xe lớn, tổ chức giao thông phức tạp. Cuối tháng 6, Quốc hội ra Nghị quyết 140, trong đó có ý kiến nghiên cứu đầu tư hoàn chỉnh nút giao này. Do đó, các bên liên quan được yêu cầu rà soát phần vốn dư của Vành đai 3 để tính toán phương án, thẩm quyền đầu tư nút giao.
Vành đai 3 tổng chiều dài hơn 90 km, đến nay một đoạn dài 15,3 km qua Bình Dương (Mỹ Phước - Tân Vạn) đã hoàn thành. Trong phần còn lại, hơn 76 km đang được được các tỉnh, thành đầu tư với tổng vốn gần 75.400 tỷ đồng. Một đoạn khác trên trục đường này là dự án thành phần 1A (cầu Nhơn Trạch và đường dẫn nối TP HCM - Đồng Nai) đang được Bộ Giao thông Vận tải triển khai. Toàn tuyến vành đai dự kiến hoàn thành năm 2026.
Gia Minh