Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) vừa công bố kết quả khảo sát thực hiện vào cuối năm ngoái, dựa trên phản hồi của 3.500 doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm nhiều tới việc sản xuất kinh doanh ở nước ngoài.
Kết quả cho thấy, 41% trong số này, tức khoảng 1.400 doanh nghiệp Nhật đang xem xét mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong ba năm tới, tăng 5,5 điểm phần trăm so với năm trước.
Trong khi đó, hơn 36% doanh nghiệp chọn Thái Lan (tăng 1,5 điểm phần trăm) và 48% doanh nghiệp cho biết họ sẽ thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc (giảm 7 điểm phần trăm).
Báo cáo cho biết, kể từ năm 2018, cuộc đối đầu gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã thúc đẩy đầu tư của các công ty Nhật Bản vào các quốc gia Đông Nam Á. Ngày càng nhiều công ty Nhật Bản thu hẹp hoạt động tại Trung Quốc và mở rộng kinh doanh sang Đông Nam Á. Khoảng cách giữa số vốn đầu tư của Nhật Bản vào các nước ASEAN và Trung Quốc tăng từ hơn 10 tỷ yen vào năm 2017 lên 20,4 tỷ yen vào năm 2019.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động đầu tư của các công ty Nhật Bản tại Đông Nam Á cũng bị ảnh hưởng mạnh. Khoảng 80% doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh ở nước ngoài dự báo doanh thu giảm trong năm nay, đồng thời làm giảm mạnh vốn đầu tư tại thị trường châu Á. Lượng đầu tư của Nhật Bản riêng tại khu vực Đông Nam Á đã giảm 35% trong 5 tháng đầu năm nay.
Gần đây, Nhật Bản cũng đang triển khai dự án đa dạng chuỗi cung ứng ASEAN nhằm tránh tập trung hoạt động sản xuất tại một quốc gia nhất định. Theo đó, hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp Nhật Bản vốn đang tập trung tại Trung Quốc sẽ được dịch chuyển một phần sang các nước ASEAN nhằm tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trước các biến động khó lường như Covid-19.
Chính phủ Nhật Bản sẽ lựa ra một số doanh nghiệp để hỗ trợ chi phí cho họ trong việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Trong giai đoạn đầu, 15 trên 30 doanh nghiệp Nhật Bản được hỗ trợ kinh phí, chọn mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Quỳnh Trang (theo Kyodo)