Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc đã nghiên cứu 18.600 sông băng với diện tích 66.000 km2, tức chiếm 10% tổng bề mặt băng giá của Trái Đất, và cho biết có tới 1/3 sông băng được UNESCO tuyên bố là Di sản Thế giới sẽ biến mất vào giữa thế kỷ này, theo "bất kể kịch bản khí hậu nào".
Báo cáo được công bố vào tuần trước nhấn mạnh băng và tuyết tan chảy là một trong 10 mối đe dọa chính gây ra bởi sự nóng lên toàn cầu. IPCC kêu gọi thế giới "giảm nhanh lượng khí thải CO2" để bảo tồn 2/3 sông băng còn lại.
Theo UNESCO, các sông băng thuộc Di sản Thế giới đang mất 58.000 triệu tấn băng mỗi năm, tương đương lượng nước mà Pháp và Tây Ban Nha sử dụng hàng năm, góp phần làm tăng mực nước biển toàn cầu.
Cơ quan giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp Quốc nói thêm rằng 2/3 sông băng Di sản Thế giới còn lại có thể được cứu nếu chúng ta đạt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5℃ theo Hiệp định Paris năm 2015.
Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc - được tổ chức từ ngày 6/11 đến 18/11 tại khu nghỉ mát Sharm el Sheikh của Ai Cập - sẽ có ý nghĩa "rất quan trọng trong việc giúp tìm ra các giải pháp".
Nhiều khả năng, tất cả các sông băng được xếp hạng Di sản Thế giới của châu Phi sẽ "biến mất" vào năm 2050, bao gồm cả những sông băng ở Công viên Quốc gia Kilimanjaro của Tanzania.
Ở châu Âu, điều tương tự cũng có thể xảy ra với các sông băng trên ngọn núi Pyrenees-Monte Perdido ở Pháp và Tây Ban Nha, cũng như trên núi Dolomites ở Italy và tại các công viên quốc gia Yellowstone và Yosemite ở Mỹ.
"Trong một kịch bản mà lượng khí thải vẫn ở mức hiện tại, khoảng 50% sông băng Di sản thế giới có thể biến mất hoàn toàn vào năm 2100", UNESCO cảnh báo. Ngoài việc kêu gọi giảm "mạnh mẽ" lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tổ chức này còn kêu gọi thành lập một "quỹ quốc tế để giám sát các sông băng".
Đoàn Dương (Theo Reuters)