Nửa đêm một ngày đầu tháng 3, trong căn bếp còn sáng đèn trên đường Âu Cơ, Nguyễn Thị Lê, 33 tuổi, vẫn miệt mài nặn bánh. Bên cạnh cô bốn người khác cũng tất bật chuẩn bị các công đoạn như trộn bột, đánh trứng, tiếng cười nói rộn ràng. Họ đang cùng nhau thực hiện đơn hàng 1.000 chiếc bánh đến từ một hãng hàng không.
"Sung sướng lắm, chưa khi nào nhận được đơn đặt nhiều như thế. Làm thêm giờ vẫn vui", Lê nói, niềm vui ngời lên trong mắt.
Lê là nhân viên của HopeBox, một doanh nghiệp xã hội chuyên giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành được sáng lập ba năm trước bởi Đặng Thị Hương. Hàng chục chị em từng bị bạo hành gia đình đã được giải cứu và đưa về trung tâm dạy nghề. Họ được trả lương từ 5,5 triệu tới 7,5 triệu mỗi tháng với công việc làm bánh, khô gà và vải bọc thực phẩm sáp ong. Ngoài việc được hỗ trợ một nửa tiền thuê nhà, hàng tuần, những phụ nữ này còn được học tiếng Anh, yoga và kỹ năng xã hội, tất cả đều miễn phí.
Đặng Thị Hương - người sáng lập Hopebox kể, từ năm 2013, cô thường xuyên gửi tiền giúp đỡ một người bạn không việc làm, bị chồng bạo hành, nhưng nhiều năm cuộc sống của người này vẫn không thay đổi: "Cô ấy vẫn bị chồng đánh bầm dập mỗi khi say rượu. Tôi nghĩ cách duy nhất giúp những người như cô ấy là một công việc". Năm 2017, từ bỏ công ty công nghệ lớn ở Australia với vị trí chuyên viên phân tích kinh doanh cùng cơ hội định cư, Hương trở về Việt Nam xây dựng dự án dành cho những phụ nữ bị bạo hành. Tháng 3/2018, HopeBox chính thức được thành lập.
Tại HopeBox, những người phụ nữ bị bạo lực gia đình được dạy nấu ăn, làm bánh, hộp quà tặng bán cho khách hàng. Tùy vào kỹ năng, có người trực tiếp sản xuất, có người đảm nhận vị trí quan trọng hơn như làm quản lý. Điều quan trọng mọi người cùng làm việc và giúp đỡ lẫn nhau.
"Ở đây chúng tôi coi nhau như người nhà. Chị em cùng sống, làm việc, bảo ban và chăm sóc nhau", Lê nói. Có việc làm, người phụ nữ từng bị chồng bạo hành 8 năm đủ tự tin để nuôi con, tiết kiệm thêm chút tiền.
Covid-19 bùng phát, một năm qua doanh thu của doanh nghiệp xã hội này có tháng không đủ hỗ trợ chi phí cho 5 nhân viên, nhưng chưa khi nào Hương có ý định để những người như Lê phải thất nghiệp bởi cô sợ họ lại quay về môi trường bạo lực gia đình, không có thu nhập, con cái không được đi học. Ngoài nâng cao tay nghề, phát triển thêm sản phẩm và tìm nguồn khách hàng, Hương cũng thực hiện nhiều hoạt động gây quỹ, xin tài trợ để Hopebox tiếp tục phát triển.
Gần đến 8/3, căn bếp của Hopebox hoạt động hết công suất với những đơn hàng nhiều nơi gửi về, trong đó có 1.000 chiếc do một hãng hàng không đặt. "Tôi thấy tự hào vì lần đầu tiên những chiếc bánh thủ công được đưa lên các chuyến bay và tới hàng trăm khách hàng trong ngày lễ đặc biệt", Hương nói. Cô gái này cảm thấy vui vì tăng thêm thu nhập cho chị em và nhiều người biết tới Hopebox hơn.
"Chúng tôi ngay từ đầu lựa chọn HopeBox vì trân trọng những giá trị tích cực họ tạo cho cộng đồng nhiều hơn chỉ đơn thuần một đơn hàng hay những hộp quà tặng", đại diện hãng hàng không nói.
Hương tiết lộ, ngoài chiếc bánh cookies nhỏ xinh với màu sắc tươi mới, trong hộp quà còn đính kèm một thông điệp: "Phụ nữ xứng đáng được nâng niu, tôn trọng, tự do, bình đẳng, được trao cơ hội và công nhận". Cô cũng như những phụ nữ tại Hopebox đều tin rằng, phụ nữ xứng đáng nhận được những gì tốt đẹp nhất.
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Hải Hiền