Thứ sáu, 15/11/2024
Thứ ba, 13/12/2016, 19:00 (GMT+7)

Người dân Tiền Giang thu hàng trăm triệu đồng từ trứng cút

Với việc xây dựng thành công mô hình nuôi chim cút khép kín, hiện đại, lão nông Trần Nguyễn Hồ đã giúp bà con địa phương tạo ra sản phẩm tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Không chỉ là nơi tập trung nhiều loại trái cây của Việt Nam, tỉnh Tiền Giang còn nổi tiếng với các trang trại nuôi gia cầm hiện đại. Nổi bật trong số đó có trang trại nuôi chim cút theo mô hình công nghiệp khép kín và tuân thủ quy trình an toàn sinh học của lão nông Trần Nguyễn Hồ tại ấp Long Bình, xã Long An, huyện Châu Thành.

Vào những ngày đầu làm nghề, do không kinh nghiệm nên ông Hồ phát triển chăn nuôi chim cút theo kiểu tự phát, hệ thống chuồng trại còn sơ sài. Bởi vậy, khi xảy ra dịch cúm gia cầm H5N1, ông trở tay không kịp, cả đàn chim đều bị tiêu hủy. Sau sự cố đó, nhận thấy tầm quan trọng của việc phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi, ông quyết tâm vực xây dựng lại trang trại theo cách mới. Cụ thể, ông tự mày mò, nghiên những kiến thức từ Internet, sách báo... nhằm xây dựng được mô hình chuồng trại chăn nuôi kiểu công nghiệp khép kín và hiện đại, giúp đàn gia cầm phát triển khỏe mạnh.

trung-cut-tien-giang-xuat-khu-sang-nhat

Trứng chim cút của trang trại ông Hồ đạt tiêu chuẩn xuất sang Nhật. Ảnh: vietlinh.

Theo mô hình mới, chuồng nuôi được kiến tạo từ kim loại và thiết kế thành nhiều tầng như bậc thang để tiết kiệm diện tích. Các tầng này đều gắn trên cùng một giá đỡ bằng sắt vững chãi, có khoảng không vừa đủ, thuận tiện cho việc vệ sinh chuồng trại. Bên cạnh đó, ông Hồ còn trang bị cho chuồng hệ thống cung cấp nước uống tự động, máng, hạn chế tình trạng rơi vãi thức ăn và đèn kích thích sinh sản. Nhiệt độ trong chuồng luôn ổn định ở mức 27-30 độ C. Ngoài ra, để diệt trừ vi khuẩn, vi trùng có hại xâm nhập vào đàn chim, ông còn phun thuốc khử trùng định kỳ cho chuồng trại.

Đối với phế thải của chim, để tránh gây ô nhiễm môi trường nuôi, ông Hồ xử lý bằng cách rải lên đó xơ dừa và men sinh học rồi đem ủ. Sau khoảng 2 ngày, hỗn hợp trên sẽ được dùng làm phân bón cho cây. Đây là phương pháp ưu việt giúp tái chế lượng rác thải trong chăn nuôi và bảo vệ môi trường.

Khi nhu cầu của thị trường tăng cao, số đơn đặt hàng sản phẩm trứng cút ngày một nhiều, trang trại của gia đình cung ứng không đủ, ông đã khuyến khích nhiều hộ dân trong vùng đi theo mô hình trên. Nhiều hộ gia đình đã thực hiện theo hướng dẫn của ông Hồ và thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Hiện nay, sản phẩm trứng cút lạt và trứng cút lộn từ trang trại ông Hồ và các hộ lân cận đang được bày bán tại nhiều tỉnh thành như TP HCM, Rạch Giá, Cần Thơ... Đặc biệt, vào cuối năm 2013, ông còn xuất sang Nhật Bản sản phẩm trứng cút đóng lon theo đúng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà thị trường này đề ra. Đây là tín hiệu khả quan cho nông sản sạch Tiền Giang nói riêng và nông sản Việt nói chung.

Như Quỳnh

Chia sẻ bài viết qua email