Váy áo của 5 phim tranh giải 'Phục trang' Oscar 2017 đặc biệt thế nào

Colleen Atwood dùng 9 km tơ may đồ cho Alison Sudol trong "Fantastic Beasts", còn bốt của Brad Pitt trong "Allied" do một hãng từng đóng giày cho quân lính Thế chiến hai thực hiện.

"La La Land" - Nhà thiết kế Mary Zophres


La La Land, Jackie, Allied, Florence Foster Jenkins Fantastic Beasts and Where to Find Them là năm phim được đề cử hạng mục "Phục trang xuất sắc" tại Oscar 2017. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào 26/2 tại Mỹ.

La La Land là câu chuyện tình của hai "kẻ khờ mộng mơ" - nghệ sĩ nhạc Jazz Sebastian (Ryan Gosling) và nữ diễn viên tiềm năng Mia (Emma Stone). Bộ phim ca nhạc của đạo diễn Damien Chazelle cân bằng kỷ lục của Titanic khi nhận 14 đề cử, trong đó có hạng mục "Phục trang xuất sắc" dành cho nhà thiết kế Mary Zophres - người từng đảm nhận công việc này trong No Country for Old Men, Interstellar...

Váy áo thập niên 1960 đầy cảm xúc trong 'La La Land'
 
 

Thời trang trong La La Land mang đậm phong cách thập niên 1960. Để tái hiện điều đó, Zophres phải xem lại hàng loạt phim nổi tiếng như The Bandwagon (1953), Singin 'in the Rain (1952), Romeo and Juliet (1996), Strictly Ballroom (1993), Boogie Nights (1997) và Catch Me If You Can (2002) để lấy cảm hứng. 

Hầu hết nhân vật mặc quần áo màu sắc sinh động như cam, xanh dương, đỏ, xanh lá... Tất cả nhằm thể hiện hoài bão, ước mơ, khát vọng sống tự do, thoát khỏi mọi ràng buộc của tuổi trẻ. Với Mia, phong cách của cô được lấy cảm hứng từ huyền thoại Grace Kelly, Katharine Hepburn, Audrey Hepburn...

Trong suốt tác phẩm, Mia hầu hết mặc đầm mini thắt eo, đầm chữ A trẻ trung đầy chất thị thành. Đây là một trong những kiểu váy nổi bật nhất thập niên 1960. Những chiếc đầm mini đã tạo ra cuộc cách mạng, vượt lên rào cản của khuôn khổ cũ kỹ. Chúng phản ánh quan niệm về một cuộc sống khoáng đạt, khẳng định nữ quyền bằng cách giải phóng đôi chân phái đẹp.

Đặc biệt, bộ váy vàng khi Mia nhảy cùng Sebastian được lấy cảm hứng từ chính thiết kế của Versace mà Emma Stone mặc trên thảm đỏ ra mắt The Amazing Spider-Man 2 năm 2014.

"Jackie" - Nhà thiết kế Madeline Fontaine

Jackie kể về bốn ngày biến động trong đời cố Đệ nhất Phu nhân Jacqueline Kennedy (Natalie Portman), ngay sau khi chồng bà - Tổng thống John F. Kennedy - bị ám sát ngày 22/11/1963. Bộ phim tiết lộ những điều chưa từng biết về gia đình tổng thống thứ 35 nước Mỹ.

Những bộ váy biểu tượng của đệ nhất phu nhân Mỹ trong 'Jackie'
 
 

Tác phẩm của đạo diễn Pablo Larraín nhận ba đề cử ở hạng mục "Phục trang xuất sắc", "Nhạc nền xuất sắc" và "Nữ diễn viên chính xuất sắc".

Nhiều bộ đồ kinh điển của Jacqueline Kennedy được nhà thiết kế người Pháp Madeline Fontaine tái hiện trong phim. Tất cả đều mang dấu ấn rõ nét của thời trang thập niên 1950 mà ở đó, Jacqueline Kennedy được tôn vinh là biểu tượng thời trang Mỹ.

Fontaine cho biết cả nhóm có hơn ba tháng để chuẩn bị và hoàn thiện trang phục. Có khoảng 10 bộ váy dành cho nhân vật Jackie được làm bằng tay, sao chép gần như y nguyên bản gốc.

Một trong những trang phục đi vào lịch sử thời trang thế giới của Jacqueline là bộ suit Chanel màu hồng và chiếc mũ hộp tròn pillbox. Để hoàn thiện bộ cánh này, Fontaine phải nhờ nhà Chanel cung cấp một số phụ kiện, trong đó có cúc áo.

"Allied" - Nhà thiết kế Joanna Johnston

Allied đánh dấu sự tái xuất của Robert Zemeckis - nhà làm phim từng giành giải Oscar "Đạo diễn xuất sắc" cho Forrest Gump (1994).

Những bộ cánh kiêu sa của thập niên 1940 trong 'Allied'
 
 

Cốt truyện dựa trên câu chuyện có thật năm 1942 ở Bắc Phi của cặp sĩ quan tham gia Thế chiến hai: Max Vatan (Brad Pitt) và Marianne Beausejour (Marion Cotillard).

Đảm nhận thiết kế phục trang trong phim là nhà thiết kế Joanna Johnston - người từng nhận đề cử Oscar, BAFTA. Trang phục trong Allied sang trọng và quyến rũ, tái hiện những năm tháng khó quên của thập niên 1940.

Joanna Johnston cho biết bà đã phải xem lại những tác phẩm kinh điển như Casablanca (1942) hay To Have and Have Not để lấy cảm hứng tạo nên mỗi trang phục.

Trang phục gây ấn tượng nhất là bộ đầm xanh ngọc của nhân vật Marianne. Thiết kế chuẩn mực trong phom dáng, gợi cảm vừa mắt với đường xẻ ngực chữ V. Bộ váy được làm bằng satin cao cấp với chất lụa đem lại cảm giác mờ ảo và chuyển động.

Trong khi đó, trang phục của Max lại theo phong cách lãng mạn cổ điển. Johnston chăm chút kỹ lưỡng cho phục trang tới mức bà liên hệ với Trickers - thương hiệu lâu đời của London từng đóng giày cho quân lính trong Thế chiến hai - đặt làm đôi bốt quân đội cho nhân vật Max. Ở nhiều phân cảnh, Brad Pitt sử dụng những món đồ của các thương hiệu lâu năm như áo mưa Mackintosh của Scotland, giày hiệu Crockett & Jones đến từ Anh.

"Florence Foster Jenkins" - Nhà thiết kế Consolata Boyle

Cùng La La Land, đây được coi là một trong hai phim ca nhạc nổi bật nhất 2016. Phim dựa trên nguyên mẫu có thật là nữ danh ca opera Florence Foster Jenkins (Meryl Streep), người từng bị đánh giá có chất giọng tệ nhất lịch sử. 

Những bộ đầm lộng lẫy trong 'Florence Foster Jenkins'
 
 

Florence Foster Jenkins được biết đến vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 như là một ca sĩ không biết gì về thanh âm, nhịp điệu lẫn ca hát tổng thể. Bà từng lầm tưởng tiếng cười nhạo báng của khán giả là sự động viên và điều đó được lan truyền, khiến bà nổi tiếng. 

Trước khi qua đời năm 1944, Florence đã biểu diễn ở sân khấu Carnegie Hall. Toàn bộ vé buổi hòa nhạc của bà bán hết chỉ trong hai tuần. Các bản thu âm của Florence cũng "cháy" hàng và được vô số khán giả tìm nghe vì hiếu kỳ.

Ngoài diễn xuất của dàn diễn viên được đánh giá rất cao, phim còn gây ấn tượng về mặt phục trang với nhiều bộ đầm lộng lẫy của thập niên 1920, 1930.

Nhân vật Florence rất yêu thích thời trang nên Consolata Boyle thiết kế cho bà những bộ cánh cầu kỳ với nhiều chi tiết điệu đàng. Đó là váy suông diềm đăng ten, đính hoa, trang trí bằng bèo nhún với màu sắc nhã nhặn, áo lông quý phái. Đó còn là mũ cài đầu quý tộc gắn mạng, găng tay satin, dây chuyền ngọc trai, cài áo đính hoa.

Trong khi đó, các nhân vật nam không thể thiếu sơ mi trắng cài kín cổ chỉn chu, áo gilet hay áo khoác đuôi tôm, vest thụng, cổ thắt nơ bướm, đi giày da bóng.

Với tác phẩm của đạo diễn Stephen Frears, Meryl Streep được đề cử "Nữ diễn viên chính xuất sắc" lần thứ 20 trong sự nghiệp.

"Fantastic Beasts and Where to Find Them" - Nhà thiết kế Colleen Atwood

Tác phẩm tiền truyện của loạt phim Harry Potter là một trong những bom tấn chuyển thể nổi bật nhất 2016. J.K. Rowling là tác giả bộ truyện và biên kịch bộ phim.

Thời trang thập niên 1920 trong tiền truyện 'Harry Potter'
 
 

Nội dung xoay quanh nhân vật huyền thoại Scamander (Eddie Redmayne) của trường pháp thuật Hogwarts. Câu chuyện diễn ra nhiều năm trước khi Harry Potter cùng hai người bạn Ron và Hermione lên đường đến Hogwarts.

Trang phục trong phim được giao phó cho nhà thiết kế Colleen Atwood. Bà từng thiết kế cho hơn 50 phim điện ảnh. Trong số 11 đề cử Oscar, Atwood ba lần đoạt giải với tác phẩm Chicago (2002), Memories of Geisha (2005), Alice in Wonderland (2010).

Dưới bàn tay của nhà thiết kế người Mỹ, phong cách ăn vận của người dân New York những năm 1920 hiện lên sống động.

Trong phim, các quý ông khoác lên mình những chiếc măng tô màu tối, luôn ra đường với nơ hay cà vạt thắt ngay ngắn ở cổ. Còn các cô gái chọn cho mình những bộ váy suông vintage, áo vest thụng, quần loe nhẹ, đội mũ quả chuông đặc trưng của thập niên này.

Atwood ước tính bà đã tạo nên 1.000 trang phục cho Fantastic Beasts với tông màu chủ đạo là xanh dương trầm, đen và xám. Ấn tượng nhất là chiếc áo khoác màu hồng của nhân vật Queenie (Alison Sudol) được dệt từ hơn 9 km tơ.

Ngoài hạng mục "Phục trang xuất sắc", tác phẩm của đạo diễn David Yates được đề cử "Thiết kế sản xuất xuất sắc".

Sao Mai

Bình luận
Ý kiến của bạn