Cà phê Tây Nguyên, gạo Cần Thơ, dứa Đồng Giao, nhãn Ido, xoài Cát Chu, tiêu Phú Quốc, chuối Lào Cai, chôm chôm Java, chè Shan Tuyết, Ô Long, Tân Cương... là những nông sản Việt làm nức lòng người tiêu dùng thế giới.
Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 32,1 tỷ USD. Trong đó, các mặt hàng nông sản chiếm phân nửa, ước đạt 15,1 tỷ USD.
Cà phê là nông sản xuất khẩu mạnh nhất. Sản lượng xuất khẩu năm 2016 đạt 1,8 triệu tấn, tương đương 3,3 tỷ USD, nhiều hơn cả gạo. Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, sau Brazil, nhưng đứng đầu về loại cà phê Robusta.
Đức và Mỹ - 2 thị trường chuộng cà phê Việt nhất, nhập gần một tỷ USD năm qua. Người uống cà phê ở London, Pari, New York và trên khắp thế giới thích nhâm nhi tận hưởng vị ngon, mùi thơm đượm của cà phê Việt.
Cà phê cũng là một trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tạo việc làm nuôi sống hơn 2,5 triệu nông dân. Riêng Tây Nguyên có hơn 450.000ha trồng, chiếm gần 90% diện tích và sản lượng cà phê cả nước. Ảnh: Thành Nguyễn
Cây lúa Việt Nam vẫn giữ vững vị thế đứng thứ 3 thế giới. Gần 4,9 triệu tấn gạo, tương đương 2,1 tỷ USD được xuất đi trong năm qua.
"Cần Thơ gạo trắng nước trong, ai đi đến đó thời không muốn về", đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vựa lúa lớn nhất cả nước. Hàng trăm loại gạo đặc sản 3 miền đang hiện diện trong bữa ăn của người châu Á, châu Phi đến Mỹ La tinh...
Mô hình sản xuất gạo sạch cũng được nông dân nhân rộng khắp mọi nơi để đảm bảo chất lượng xuất khẩu. Ở Nam Định, những cánh đồng "cò bay mỏi cánh" ở các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Ý Yên chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, áp dụng hàng loạt máy móc hiện đại nhằm giảm bớt sức lao động con người.
Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu 131.000 tấn chè, đạt kim ngạch hơn 217 triệu USD. Các loại chè Shan Tuyết, Ô Long, Tân Cương... của Việt Nam được lòng người sành trà thế giới, xuất khẩu ra nhiều thị trường. Nhập nhiều nhất là Pakixtan, sau đến Trung Quốc, Nga, Indonesia, Anh, Đức, Mỹ, Bỉ... Ảnh: Giang Huy
Trà Tân Cương (Thái Nguyên) là loại trà thuần mộc ngon bậc nhất nước ta, được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam chứng nhận địa lý tháng 10/2007. Đất ở đây được hình thành bởi lớp phù sa cổ, feralitic, macma axit cùng độ pH dưới 7.0. Thổ nhưỡng và nước Tân Cương cho ra búp chè non tươi tốt, có vị ngọt hậu và mùi thơm đượm.
Trà Ô Long trồng chủ yếu tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) theo hình thức hữu cơ. Mỗi ha cho sản lượng khoảng 100 tấn. Búp chè tươi phải trải qua 16 công đoạn và 32 giờ chế biến để tạo nên thành phẩm thơm ngon, đậm đà.
Trong khi đó, chè Shan Tuyết là niềm tự hào của người dân Hà Giang. Hầu hết các đồi chè được bà con trồng theo mô hình VietGAP. Thuốc trừ sâu hóa học gần như được loại bỏ hoàn toàn và thay thế bằng sản phẩm sinh học.
Hơn 177.000 tấn hồ tiêu được Việt Nam xuất sang thị trường quốc tế trong năm 2016, tương đương 1,4 tỷ USD. Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hồ tiêu và hạt điều lớn nhất của Việt Nam.
Được ưa chuộng nhất là tiêu Phú Quốc (Kiên Giang) trồng ở đảo cách đất liền 45km, nơi có thổ nhưỡng đặc biệt giúp tiêu thơm và cay nồng, cho chất lượng cao tuyệt hảo. Tiêu Phú Quốc hầu hết được trồng theo chuẩn GlobalGap và VietGap, không dùng phân hóa học. Đây chính là tấm vé thông hành, giúp hồ tiêu Việt vươn ra hơn 30 thị trường thế giới. Ảnh: Thành Nguyễn
Dứa Đồng Giao là thương hiệu nông sản của vùng đất Tam Điệp, Ninh Bình. Quả dứa Đồng Giao có mặt trong sách Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam, được Cục Sở hữu Trí tuệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Ninh Bình hiện là tỉnh có sản lượng dứa đứng đầu miền Bắc, đạt tiêu chuẩn VietGap, sản lượng hàng năm trên 47.000 tấn. Các sản phẩm dứa chế biến (dứa hộp, dứa lạnh, nước dứa cô đặc...) hiện được xuất khẩu đi EU, Nhật, Hàn Quốc và Mỹ, góp phần nâng cao vị thế cho nông sản Việt trên trường quốc tế.
Sau dứa, ngô ngọt là nông sản thứ 2 của Ninh Bình được người tiêu dùng thế giới yêu thích. Thương hiệu ngô ngọt đóng hộp Doveco không chỉ chiếm 70% thị phần trong nước, mà còn xuất sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU.
Giống ngô lai siêu ngọt Sugar 75 nhập khẩu từ Mỹ được Công ty Giống cây trồng và vật nuôi Đồng Giao cung cấp cho bà con địa phương và nông dân các tỉnh Thái Bình, Tuyên Quang, Thanh Hóa. Tại đây, ngô được sản xuất theo mô hình khép kín từ khâu trồng trọt đến chế biến công nghiệp.
Những bắp ngô nặng trên 200g, tỷ lệ đóng hạt hơn 70% mới đủ điều kiện thu hoạch. Từng bắp ngô được bóc vỏ, loại bỏ hạt sâu bệnh rồi tiệt trùng ở 115 độ C bằng hệ thống máy móc tân tiến. Những loại chất bảo quản, phụ gia... cấm dùng tuyệt đối.
Nguồn nước sạch sơ chế được lấy từ hệ thống giếng khoan có độ sâu hơn 100m nằm phía bên ngoài nhà máy. Định kỳ 3 tháng một lần, công ty đều đem mẫu nước tới Viện An toàn Thực phẩm để xét nghiệm.
Gần 2,5 tỷ USD hoa quả được Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế năm 2016. Trong đó, phải kể đến giống nhãn Ido ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long được Cục Bảo vệ Thực vật và Cơ quan Kiểm dịch Động Thực vật Mỹ cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này.
Nhãn Ido có nguồn gốc từ Thái Lan, vỏ mỏng, hạt nhỏ, cơm dày, vị ngọt và thơm, cho giá trị kinh tế cao. Đây là loại cây trồng chủ lực, có mặt ở hầu hết các miệt vườn thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp…
Ở Bến Tre, nông dân còn trồng giống nhãn quế theo tiêu chuẩn VietGAP. Quả nhãn dày cùi, hạt nhỏ, không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng, mà còn là nông sản xuất khẩu sang Singapore, Hà Lan, Mỹ.
Chuối Lào Cai xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Âu… Toàn tỉnh có trên 1.200ha đất trồng chuối, tập trung chủ yếu ở các huyện Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng, năng suất bình quân 30 tấn một ha.
Năm 2006, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai tự nhân giống chuối thành công bằng phương pháp nuôi cấy mô. Sau 20 năm trồng phổ biến, đến nay, chuối trở thành cây ăn quả chủ lực giúp nhiều huyện nơi đây xóa đói giảm nghèo.
Ở huyện Bảo Thắng, giống chuối được trồng chủ yếu tại đây là B5, cho quả to, buồng dài, chống chịu sâu bệnh tốt. Để đảm bảo nước tưới cho hơn 200ha trồng chuối, bà con còn liên kết với Công ty TNHH Hoàng Lan đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, giúp giảm chi phí lao động, tận dụng lượng phân bón đã sử dụng, tăng năng suất lên hơn 10 tấn một ha so với trước đây.
Chôm chôm Java được trồng nhiều ở cù lao Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Hơn 400ha đất trồng chôm chôm theo tiêu chuẩn Global Gap, cho sản lượng trên 1.000 tấn mỗi năm.
Bà con liên kết thành tổ hợp tác, được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc theo đúng yêu cầu về đất, nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giúp nâng cao năng suất, chất lượng cho thị trường xuất khẩu, chủ yếu là Trung Quốc, châu Âu.
Không chỉ thơm ngon nổi tiếng, nhiều năm qua, nhờ trồng theo chuẩn GlobalGap và VietGap mà thương hiệu xoài cát Hòa Lộc, Cát Chu của bà con Đồng Tháp vươn mạnh mẽ ra thị trường thế giới. Mỗi năm xuất sang thị trường Nhật, Hàn Quốc, New Zealand hàng trăm tấn xoài.
Huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về diện tích trồng xoài với hơn 3.500ha. Xoài cát Hoà Lộc thuộc top 100 loại xoài ngon của Việt Nam với cùi thịt màu vàng tươi, dày, chắc, mịn và dẻo, rất ít xơ, rất ngọt và thơm dịu đặc trưng.
Xoài Cát Chu cũng tròn đẹp và ngon không kém. Nếu ví xoài Hòa Lộc là hoa hậu, thì Cát Chu là á hậu.
Dưa chuột bao tử là nông sản xuất khẩu chủ lực của huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Sản lượng bình quân đạt tấn mỗi ha. Giá thu mua ổn định ở mức 7.000 đồng một kg, cho lợi nhuận gấp 2 lần trồng lúa.
Hiện nay, sản phẩm dưa chuột bao tử Tiên Lãng được Bình Minh Foods chế biến, đóng hộp xuất đi nhiều nước như Nga, Nhật, Afghanistan… Ảnh: HydoponicFarms
Trồng dưa bao tử đòi hỏi nhiều công chăm sóc, người nông dân phải liên tục theo dõi, tưới nước, buộc ngọn... Sau 30-35 ngày, dưa bắt đầu cho thu hoạch. Trong suốt thời gian đó, cán bộ nông nghiệp và chi cục bảo vệ thực vật phải xuống kiểm tra ruộng định kỳ, giúp nông dân phát hiện sâu bệnh và phòng chống kịp thời.
An San