Cảnh 'ngàn cân treo sợi tóc' nơi tuyến lửa chống IS

Người dân tại chảo lửa Mosul, Iraq, luôn phải sống trong cảnh "ngàn cân treo sợi tóc", đương đầu với mưa bom, bão đạn, gần như mỗi ngày.

Dòng người xếp hàng chờ viện trợ tại khu dân cư Mamun, Mosul.

Không còn thời gian chờ đợi, mạng sống như "ngọn đèn trước gió", những người dân hiện mắc kẹt tại thành phố Mosul, nơi hàng ngày đang diễn ra các trận chiến giữa quân đội chính phủ Iraq và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), luôn trong trạng thái sẵn sàng trốn chạy, bất cứ khi nào có cơ hội.

Phóng viên ảnh Ivor Prickett từ New York Times đã dành ba tuần tại chảo lửa Mosul để ghi lại cảnh tượng khủng khiếp mà người dân ở đây phải hứng chịu khi bất đắc dĩ bị lôi vào cuộc chiến chống IS.

Những dân thường bị thương được đưa lên thùng một chiếc xe tải nhỏ đi tìm sự giúp đỡ.

Theo lời Prickett, trên đường cùng lực lượng đặc nhiệm Iraq tới vùng đất phía tây Mosul hồi tuần trước, đi qua khu dân cư Jidideh, cả đoàn nhìn thấy các "gia đình tuyệt vọng" đang khẩn trương bắt đầu ngày mới khi trời vừa rạng đông. Dù phải bế theo trẻ nhỏ, dìu cả người già song đôi chân họ vẫn rảo bước thật nhanh, bởi từ đằng xa, vọng đến không ngớt là những tiếng súng máy liên thanh, tiếng súng cối đinh tai, tiếng bom nổ nhức óc cùng tiếng động cơ máy bay Mỹ gào rú trên đầu.

Gần như tất cả mọi người đều "điên cuồng" hỏi nhau làm sao để bỏ trốn an toàn. Tuyến đường khả dĩ hơn cả buộc họ phải đi qua một tòa nhà đổ nát nơi các chiến binh IS vừa bị tấn công đêm hôm trước. Nhóm người cứ thế lặng lẽ bước qua xác một tay súng IS vùi dưới đống gạch vỡ.

Người dân Mosul bước qua xác một tay súng IS trên đường bỏ trốn.

Lo sợ và hồi hộp, rất nhiều người không hề chú ý tới xác chết. Nhưng lũ trẻ thì có. Chúng trợn mắt kinh hoàng hay thỉnh thoảng hét lên thất thanh khi nhìn thấy cái xác.

Gần 500.000 dân thường vô tội được cho là vẫn mắc kẹt tại Mosul cùng khoảng 2.000 chiến binh IS. Họ ngày ngày phải chịu cảnh sống giữa mưa bom, bão đạn, bỏ mạng khi nào không hay. Trước bối cảnh các lực lượng Iraq đẩy mạnh chiến dịch tiến công nhằm chiếm lại thành phố, dưới sự yểm trợ từ chiến đấu cơ Mỹ, tình thế của người dân lại càng trở nên cam go. Cùng lúc, IS còn sử dụng dân thường như những lá chắn sống nhằm chống lại các đợt tấn công.

Người phụ nữ gào khóc trước cái chết của cậu con trai ở ngay thềm nhà, sau một đợt nã pháo từ IS.

Xe bom, thứ vũ khí tưởng chừng như không bao giờ cạn kiệt của IS, cũng gieo rắc nỗi khiếp sợ khôn nguôi trên chiến trường, theo Prickett.

Trong lúc di chuyển cùng những binh sĩ Iraq đến khu dân cư Shuhada, Prickett tiếp tục bắt gặp một khung cảnh hoang tàn "như vừa bị hủy diệt" với mùi thuốc nổ hăng nồng bốc lên. 24 tiếng trước, quân đội chính phủ Iraq vừa đụng độ với phiến quân IS ở đây.

Một đợt không kích làm phát nổ chiếc xe bom IS.

Tại góc quảng trường chính thuộc khu Shuhada, Prickett tìm thấy một chiếc xe bom IS đã phát nổ. Phía trước xe cháy rụi nhưng phần cốp sau vẫn chất đầy những thùng thuốc nổ. Xác chết cháy đen của kẻ tấn công tự sát bằng xe bom này bị vứt ngay tại ngã tư đường.

Cận cảnh một chiếc xe bom IS
 
 

Lực lượng chống khủng bố Iraq được giao nhiệm vụ dọn dẹp sạch sẽ những đường phố trải đầy các loại vũ khí hạng nặng bị bỏ lại tại các khu dân cư như Jidideh. Tuy nhiên, IS không chịu từ bỏ dễ dàng và luôn chực chờ phản công ở bất kỳ đâu, nếu có cơ hội.

Các tay súng thuộc lực lượng đặc nhiệm Iraq tại khu dân cư Jidideh.

Prickett từng chứng kiến cảnh hai xe chở đặc nhiệm Iraq bị xe bom IS chặn giữa đường. Chỉ trong chớp mắt, xạ thủ IS nấp gần đấy lập tức nã đạn vào các binh sĩ chính phủ. Những chỉ huy Iraq phải nhanh chóng lao lên nóc một tòa nhà để phòng thủ. Thế giằng co, đối đầu cứ thế kéo dài hàng tiếng đồng hồ.

Lính đặc nhiệm Iraq nã súng vào IS từ một mái nhà ở khu dân cư Shuhada.

Dù trong tình thế ngặt nghèo, nhiều người dân Mosul vẫn quyết định nghe theo lời chính phủ kêu gọi, bám trụ đến khi có thể. Nhưng sau nhiều tháng mắc kẹt, hầu hết mọi người đều cạn kiệt thức ăn, nước uống. Vì cuộc chiến vẫn vô cùng căng thẳng, các nhóm cứu trợ quốc tế không thể tiếp cận những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong khi đó, viện trợ chính phủ cũng không được cung cấp thường xuyên và lần nào phân phát cũng gây nên hỗn loạn khi người dân, vì tuyệt vọng, đói khát, bất chấp tất cả, lao vào nhau, tranh cướp từng túi đường, bao gạo.

Người dân chen lấn chờ viện trợ tại khu dân cư Mamun.

Ngay cả những người thoát được khỏi cuộc chiến cũng đối mặt với vô vàn thiếu thốn. Prickett không thể quên câu chuyện về một gia đình ông gặp, đang mòn mỏi chờ đợi sự trợ giúp bên con đường dẫn tới khu dân cư Mamun.

Một gia đình ở tây Mosul phải bỏ nhà, chạy trốn khỏi cuộc chiến.

Hai đứa trẻ trong gia đình này, Mohammed Hamed, 5 tuổi, và em gái Amina, 4 tuổi, đã thiệt mạng vì đạn lạc. Người nhà phải vội vã đào một hố nông sơ sài, vừa đủ để chôn thi thể hai em, bởi từ đằng xa, tiếng động cơ máy bay đang lớn dần lên, báo hiệu về một cuộc không kích.

Những ngôi mộ đào vội vì cuộc chiến chống IS ở chảo lửa Mosul
 
 

Sau khi xong xuôi, người mẹ, Amira, giơ tay vẫy về phía ngôi mộ. Bà lặp đi lặp lại: "Vĩnh biệt, con yêu! Lên đường bình an!", rồi cả gia đình bước tiếp, hướng đến một nơi nào đó an toàn hơn bên ngoài thành phố.

Bên trong khu dân cư Jidideh, đi đến đâu người ta cũng nhìn thấy tàn tích của cuộc chiến.

Những gì còn lại sau một trận chiến giữa đặc nhiệm Iraq và IS tại tây Mosul.

Các binh sĩ Iraq thường xuyên được nhìn thấy xuất hiện trên những con phố bị tàn phá nặng nề.

Binh sĩ đặc nhiệm Iraq ở tây Mosul.

Họ liên tục phải thăm dò, tìm kiếm các vị trí thuận lợi trên mái nhà, trong góc phố nhằm bài trí phòng thủ.

Một binh sĩ Iraq mang theo súng phóng tên lửa, leo lên mái một căn nhà ở khu dân cư Shuhada.

Tại một khu vực, đặc nhiệm Iraq tiến hành lục soát ngôi nhà mà các tay súng IS từng sử dụng. IS đục một lỗ to trên tường, dẫn sang sân ngôi nhà bên cạnh để di chuyển mà không bị phát hiện. Bên trong không còn nhiều dấu tích IS, ngoại trừ những con dao sắc lẹm cùng một lá cờ đen treo trên tường.

Prickett cho hay những cuộc đánh bom xe của IS đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân Mosul. Khủng hoảng là tâm lý bao trùm sau mỗi lần IS tấn công. Liệu có còn một vụ đánh bom nào khác? Liệu xạ thủ có nã đạn tiếp nối? Hay các tay súng IS có tràn ra không?

Người đàn ông đau đớn khi cha mình vừa bỏ mạng sau một cuộc tấn công bằng bom xe của IS.

Tuần trước, các lực lượng Iraq thông báo đã xóa sổ toàn bộ IS khỏi Jidideh. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong rất nhiều khu dân cư bị ảnh hưởng ở tây Mosul. Và sau cùng, dù kết quả ra sao, nó vẫn sẽ mãi mãi đóng sâu trong tâm trí người dân nơi này như một vùng đất bị lãng quên, "với rất nhiều gia đình phải bỏ mạng trên đường trốn chạy, nơi chiến thắng trông không khác gì sự hủy diệt", Prickett nhấn mạnh.

Binh sĩ Iraq tham gia một chiến dịch vào sáng sớm tại khu dân cư Jidideh.

Vũ Hoàng

Bình luận
Ý kiến của bạn