Bên trong một nhà máy cơ khí

“Chúng tôi phải xin phép cơ quan chức năng khi nhập chiếc máy này vì nó có thể làm ra những sản phẩm rất tinh vi. Bây giờ muốn dịch chuyển vị trí đặt máy một chút thì cũng phải làm công văn xin phép. Với nó, ta chỉ cần bỏ nguyên liệu thô vào rồi bấm nút là sáng mai sẽ có thành phẩm. Các hộp số động cơ phức tạp nhất, nó hoàn toàn làm tự động được.”

Đây là lời giới thiệu của ông Nguyễn Vương Long – Phó tổng giám đốc Công ty Công nghiệp chính xác Việt Nam (VPIC) về chiếc máy tạo mẫu hiện đại trong một dịp "đặc cách" cho người lạ vào tham quan.

Chiếc máy tối tân có thể làm ra sản phẩm 3D với độ chính xác cao

Chiếc máy to bằng nửa chiếc ôtô 16 chỗ với 40 máy con bên trong, vận hành hoàn toàn tự động bằng phần mềm máy tính. Ông Long cho biết, máy không chỉ tạo ra mô hình mà sản xuất được các sản phẩm thật.

Ít ai biết rằng, công ty này đang là nhà cung cấp khung sườn cho hai dòng môtô hàng đầu thế giới là Ducati và Harley Davidson.

“Harley là thương hiệu chưa bao giờ đưa bất kỳ công đoạn sản xuất nào của mình ra khỏi đất Mỹ. Tuy nhiên, hiện có hai đơn vị tại Myanmar và Việt Nam nhận được đặc quyền đó. Và chúng tôi là một trong hai”, ông Long tự hào cho biết.

Khung sườn của chiếc Ducati được trưng bày như một niềm tự hào của nhà máy.

85% khách hàng của công ty này đến từ những tên tuổi hàng đầu thế giới của Mỹ, Canada, Nhật và châu Âu. Ngoài hai hãng môtô hàng đầu, đơn vị này còn là nhà cung cấp của Yamaha, Honda, SYM, Suzuki, Toshiba…

“Dây chuyền này cần rất ít công nhân” là câu nói mà ông Long thường xuyên nhắc lại khi dẫn người đi tham quan. Tại dây chuyền hàn, một công nhân quản lý 2 robot. Ở xưởng khuôn mẫu, một người có thể vận hành 10 máy. Bên dây chuyền CNC, một công nhân chạy cùng lúc 4 máy, riêng những sản phẩm phức tạp hơn thì họ chạy 2 máy.

Bên trong nhà máy sản xuất khung sườn Ducati, Harley Davidson tại Việt Nam
 
 

“Dây chuyền sơn bột này có 333 móc treo sản phẩm. Chỉ cần một mình tôi treo sản phẩm lên là đủ. Nếu sản phẩm to hơn thì cần tối đa hai người”, một nam công nhân đang lặng lẽ làm việc trong không gian rộng lớn tại một góc phân xưởng cho biết.

Khác với suy nghĩ kiểu "truyền thống" về những công nhân cơ khí nhễ nhại mồ hôi, lấm lem dầu nhớt. Tất cả lao động ở đây đều sạch sẽ không một vết bẩn. Họ thậm chí còn có nước da sáng, đeo găng tay cẩn thận. Công việc chính của đa số là điểu khiển máy tính, quan sát robot hay làm những việc đơn giản như bỏ phôi vào và nhận thành phẩm khi máy móc đã hoàn thiện.

Khu xưởng rộng 205.000 m2 ở Khu công nghiệp Giang Điền (Trảng Bom, Đồng Nai) của VPIC có tổng cộng 600 lao động, bao gồm cả khối văn phòng. Khối công nhân cũng làm chia ca. Nhà máy lúc nào cũng yên tĩnh, thưa người, sạch sẽ và hầu như không có mùi đáng kể. Bóng dáng của nền công nghiệp 4.0 dần xuất hiện khi ông Long tuyên bố: “Ở đây máy móc làm việc là chính chứ con người chỉ giám sát, điều khiển”.

Sản xuất thông minh (Intelligent Manufacturing) với nền tảng tự động hóa là yếu tố cơ bản dẫn dắt cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo ước tính của Đại học Oxford, đến 47% công việc ngày nay sẽ có tỷ lệ tự động hóa 75% trong 20 năm tới.

Không khí '4.0' khắp mọi nơi

Hơn 90% lao động tại VPIC là người Việt. Họ được ông Long đánh giá là đã trải qua đào tạo và nâng cao tay nghề rất kỹ lưỡng. Năng lực tự động hóa ấn tượng của công ty này xuất phát từ một lý do khá dễ hiểu. Đây là công ty 100% vốn của Đài Loan (Trung Quốc). Trong lĩnh vực cơ khí, khối doanh nghiệp FDI Đài Loan đang có phần nhanh nhạy hơn doanh nghiệp nội địa trong việc tiến lên nền công nghiệp mới.

“Cách mạng công nghiệp 4.0 đang được chú trọng, không chỉ đối với Chính phủ Việt Nam hay thế giới mà bản thân chúng tôi muốn phát triển cũng phải đi theo nó. Tuy nhiên, nó cũng không phải là tất cả. Tùy theo quy trình, mức độ và giá trị của sản phẩm mà chúng tôi ứng dụng phù hợp", ông Long cho hay.

"Tự động hóa" là cụm từ được ban lãnh đạo Solar Rich nhắc thường xuyên khi dẫn phóng viên đi tham quan nhà xưởng.

Tuy nhiên, ví dụ của ngành cơ khí không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp nội lép vế về việc tiếp cận lên 4.0. Ông Ngô Minh Triết -  Tổng giám đốc công ty Solar Rich, chuyên thiết kế, chế tạo phụ tùng động cơ cho biết đơn vị này có hai nhóm khách hàng.

Một là các tập đoàn lớn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam như Toshiba motor, Foxconn , Sumitomo, Honda, Yamaha, Samsung, Sanyo, Canon, Brother... Hai là nhóm các doanh nghiệp nội địa trong những ngành hàng xây dựng, tiêu dùng, máy nông nghiệp, đào tạo… Cả hai tập khách hàng này đều đang là thị trường màu mỡ, chịu khó đầu tư các thế hệ máy móc mới với mức độ tự động hóa cao.

Theo ông Phạm Minh Thảo - Phó giám đốc Công ty Việt Thăng, đơn vị chuyên phân phối máy công cụ nhập khẩu, nếu mức độ tự động hóa của doanh nghiệp nội ngành cơ khí còn ít, thì ở các ngành khác, đặc biệt là ngành hàng tiêu dùng hay công nghiệp nhẹ thì không thiếu những ví dụ như Nhựa Duy Tân hay Inox Hoàn Cầu….

Robot ABB dần quen thuộc trong các nhà máy lớn của công ty Việt Nam.

Tại một số nhà máy nội địa, bóng dáng của robot ABB - một thương hiệu của Thụy Sỹ - đã không còn xa lạ. Robot này hiện đảm đương việc bốc xếp bia cho các chuyền đồ uống tại Công ty Bia Hà Nội, Bia Việt Hà và Bia Huế. Nhà máy sản xuất phụ tùng xe máy Hải Hà, Nhà máy sản xuất máy phát điện Hữu Toàn, Nhà máy sản xuất tủ điện Hồng Thịnh… thì ứng dụng robot ABB hàn.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu xuất hiện với những ứng dụng của đô thị thông minh. Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cho biết, nhiều ứng dụng tự động hóa của đô thị thông minh đã và chuẩn bị được triển khai rộng rãi trong công viên này. Ví dụ như hệ thống tìm và đỗ xe thông minh, nhận diện người ra vào, chiếu sáng tự động bật tắt…

Tháng 11/2016, Chính phủ đã bắt đầu giao cho Bộ Khoa học & Công nghệ làm đầu mối phối hợp với các Bộ ngành để nghiên cứu, đánh giá thực trạng của Cách mạng công nghiệp 4.0. Dự kiến, cuối năm nay, các cơ quan thuộc Chính phủ sẽ đánh giá lại tình hình, định hướng cuộc cách mạng này.

Chạy đua cùng khu vực

Cách Việt Nam khoảng 1.500 km, tức khoảng 3 giờ bay, Cách mạng công nghiệp 4.0 của Đài Loan (Trung Quốc) không chỉ manh nha như những gì các doanh nghiệp vùng lãnh thổ này triển khai ở Việt Nam.

Một chương trình hành động gọi là Productivity 4.0 Development Program nhằm hỗ trợ ngành sản xuất máy công cụ tham gia sản xuất chi tiết và phụ tùng cho ngành không gian đã được Đài Loan phê chuẩn. Chương trình này củng cố chuỗi giá trị của sản xuất thông minh, sản phẩm cơ khí và dịch vụ cho ngành hàng không đạt đến con số 5.200 tỷ đôla.

Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Máy gia công chính xác (Precision Machinery Research Development Center – PMC) đã kết nối 4 doanh nghiệp hàng đầu sản xuất máy công cụ tại đây để thành lập một phòng thí nghiệm chuyên biệt để phát triển những phần mềm thông minh phục vụ cho việc giám sát hệ thống sản xuất trực tuyến. Những phần mềm này được nhúng vào những hệ thống giám sát và điều khiển để cải thiện hiệu suất của máy công cụ thêm ít nhất 20% và tăng giá trị thêm tổng cộng ít nhất 10 tỷ Đài tệ.

Sự hình thành của cách mạng công nghiệp 4.0
 
 

Cách mạng 4.0 cũng đang là một đề tài nóng tại Hàn Quốc. Chính phủ mới của Tổng thống Moon Jae-in đã đưa ra xem việc theo đuổi nó như một chương trình nghị sự chính. Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, ông Moon nhấn mạnh rằng chính phủ mới sẽ thực hiện các chính sách ủng hộ cuộc cách mạng này, tăng gấp đôi ngân sách cho nghiên cứu khoa học vào năm 2020.

Robot trong nhà máy ôtô của Hyundai. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, mức độ tự động hóa của Trung Quốc đang ngày một cao. Năm ngoái, Trung Quốc đã sản xuất 72.400 robot công nghiệp, tăng 34,3% so với năm 2015. Theo dự báo của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDC), nước này sẽ tiếp tục là thị trường robot lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Đến năm 2020, Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 54,9 tỷ đôla vào ngành công nghiệp robot và các dịch vụ liên quan, chiếm trên 30% tổng lượng đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực này.

Báo về tương lai nghề nghiệp của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016 dự đoán, "cơn bão" 4.0 sẽ khiến nhu cầu lao động các ngành sản xuất - chế tạo, máy tính – toán học, kiến trúc – kỹ thuật tại khu vực ASEAN suy giảm.

Thách thức của Việt Nam

Nhiều dự đoán đều đồng thuận, FDI từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác vẫn sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam. Hiện Chính phủ đang dần siết chặt các yêu cầu về môi trường và trình độ công nghệ của nhà đầu tư. Về khách quan, bản thân các doanh nghiệp của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam cũng tự mình chọn con đường tự động hóa.

Hai yếu tố này đồng nghĩa với việc cơ hội việc làm cho công nhân sẽ ngày một khó hơn và trình độ cũng yêu cầu cao hơn. Báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự đoán, robot sẽ thay thế 85% công nhân trong ngành dệt may Việt Nam trong vài thập kỷ tới.

Với giới chủ, không phải ai cũng có khả năng vượt qua được những thách thức đã được nói nhiều lần trên các diễn đàn để gặt hái thành công từ xu thế này.

Ông Thảo cho rằng còn có nhiều thách thức để doanh nghiệp cơ khí nội địa có thể tiến lên trình độ công nghệ hàng đầu.

“Trình độ kỹ thuật và sự chuyên nghiệp của doanh nghiệp mình không cao nên độ tin cậy để nhận các đơn hàng lớn của nước ngoài chưa nhiều. Chúng ta còn vướng một số việc lớn như ý thức lao động và tác phong công nghiệp chưa tốt. Tính hỗ trợ đồng vốn vay rất thấp. Doanh nghiệp có thể chịu áp lực lãi suất đến 22% mỗi năm. Vì vậy, doanh nghiệp mà có lời là phải lo trả lãi vay đầu tiên. Doanh nghiệp rất lớn và có kế hoạch dài hạn thì mới bền nổi, còn không sẽ lỗ”, ông Thảo nhận định.

Viễn Thông

Bình luận
Ý kiến của bạn