Khủng hoảng khiến bán đảo Triều Tiên ngấp nghé bờ vực chiến tranh

Cụm tàu sân bay Mỹ đang tiến gần bán đảo Triều Tiên. Những màn đấu khẩu nảy lửa giữa Bình Nhưỡng và Washington tiếp tục không ngừng nghỉ. Khả năng Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6 đang cận kề. Tất cả tạo nên bầu không khí căng thẳng mà nhiều người lo sợ có thể bùng nổ thành một cuộc chiến hủy diệt.

Diễn biến leo thang căng thẳng bán đảo Triều Tiên

  • 01/01/2017

    Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên có thể sớm thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ - cách Triều Tiên khoảng 9.000 km. 

  • 27/02/2017

    Donald Trump nói mối đe dọa lớn nhất với Mỹ là Triều Tiên và chương trình hạt nhân của nước này.

  • 01/03/2017

    Mỹ - Hàn tập trận chung thường niên. Triều Tiên luôn cho rằng đây là sự kiện diễn tập xâm lược, dù hai nước đồng minh tuyên bố nó chỉ mang tính phòng vệ.

  • 06/03/2017

    Triều Tiên phóng 4 quả tên lửa đạn đạo, ba trong số đó rơi vào vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản.

  • 19/03/2017

    Triều Tiên thử động cơ phóng tên lửa.

  • 31/03/2017

    Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhận định Triều Tiên hành động liều lĩnh và phải bị ngăn chặn.

  • 02/04/2017

     Trump tuyên bố sẽ tự xử lý vấn đề Triều Tiên nếu Trung Quốc không giúp.

  • 05/04/2017

    Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo ngay trước cuộc gặp Trump - Tập.

  • 07/04/2017

    Mỹ không kích căn cứ Syria và sau đó tuyên bố cuộc tấn công Syria là lời cảnh báo Triều Tiên.

  • 09/04/2017

    Mỹ điều tàu sân bay Carl Vinson đến gần Triều Tiên.

  • 11/04/2017

    Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng cho chiến tranh nếu căng thẳng leo thang.

    Báo Hàn nói Trung Quốc triển khai 150.000 lính tới biên giới với Triều Tiên để chuẩn bị cho tình huống Bình Nhưỡng bị Washington tấn công phủ đầu. 

    Nga lo ngại Mỹ có thể tấn công Triều Tiên

  • 13/04/2017

    Triều Tiên dọa đáp trả tàn nhẫn nếu bị Mỹ tấn công.

    Triều Tiên có thể đã lệnh cho 600.000 cư dân di chuyển khỏi thủ đô Bình Nhưỡng.

    Mỹ điều máy bay trinh sát hạt nhân tới gần Triều Tiên.

    Trung Quốc phản đối dùng vũ lực với Triều Tiên.

    Chuyên gia Mỹ cho rằng Triều Tiên đã hoàn thành công tác chuẩn bị thử hạt nhân lần thứ 6

  • 14/04/2017

    Trung Quốc cảnh báo xung đột Triều Tiên có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Triều Tiên được cho là có thể thử tên lửa đạn đạo hoặc thậm chí thử hạt nhân lần thứ 6 vào ngày 15/4, kỷ niệm 105 năm ngày sinh nhà lập quốc Kim Nhật Thành.

Cụm tàu sân bay Mỹ tiến gần bán đảo Triều Tiên
 
 

Cụm tàu sân bay Mỹ Carl Vinson tiến gần đến bán đảo Triều Tiên.

Năng lực tên lửa và hạt nhân ngày càng phát triển của Triều Tiên

Việc Triều Tiên phóng liên tiếp, đồng loạt nhiều tên lửa đạn đạo là dấu hiệu cho thấy chương trình tên lửa của nước này đang phát triển chóng vánh, cho ra đời những vũ khí thông minh hơn, nguy hiểm hơn, được triển khai với thời gian nhanh hơn và có khả năng thoát khỏi các hệ thống đánh chặn cao hơn, theo CNN.

Không chỉ sở hữu nhiều tên lửa hơn, Triều Tiên cũng được giới chuyên gia cho là đang nắm trong tay nhiều công nghệ chế tạo tên lửa tiên tiến hơn, nguy hiểm hơn. Những vụ phóng này là cách để Triều Tiên phát tín hiệu với thế giới rằng họ không còn dừng lại ở giai đoạn thử tên lửa nữa.

Tầm bắn của các loại tên lửa Triều Tiên
 
 

Tầm bắn của các loại tên lửa Triều Tiên

Giới phân tích cho rằng Triều Tiên dường như đã làm chủ công nghệ cung cấp năng lượng cho các tầng khác nhau của một ICBM nhiều tầng. Bình Nhưỡng có thể sớm thể hiện khả năng này, song sẽ còn mất nhiều thời gian để chế tạo ICBM vươn tới Mỹ.

Dù hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc, Triều Tiên vẫn kiên quyết phát triển hạt nhân. Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se năm ngoái nhận xét: "Năng lực hạt nhân Triều Tiên đang phát triển và tăng tốc đáng kể".

Bố phòng hạt nhân của Triều Tiên.

Lập trường cứng rắn của Trump về Triều Tiên

Với các vụ phóng tên lửa liên tiếp, Triều Tiên dường như đã thách thức trực tiếp Washington, trước bối cảnh chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump còn non trẻ và vẫn đang trong quá trình xác định phương cách đối phó với Bình Nhưỡng.

Trump đã coi Triều Tiên như một trong những vấn đề cấp bách nhất trong chính sách đối ngoại của mình. Ông nhấn mạnh "Triều Tiên là mối đe dọa với thế giới, là vấn đề của thế giới".

Ông nói rằng ông phải kế thừa "mớ hỗn độn ở Triều Tiên" từ Obama và chỉ trích chính sách đối với Triều Tiên của người tiền nhiệm, được biết đến là "sự kiên nhẫn chiến lược". Chính sách này tập trung vào việc chờ Bình Nhưỡng thể hiện thiện chí đồng thời gia tăng trừng phạt và sức ép lên nước này. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong chuyến thăm Hàn Quốc vào tháng ba cho rằng chính sách kiên nhẫn chiến lược đã kết thúc. 

Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên
 
 

Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

Cuộc tấn công Syria - lời cảnh báo tới Triều Tiên

Mỹ ngày 7/4 phóng tên lửa vào căn cứ quân sự Syria để phản ứng trước việc chính quyền Assad bị cáo buộc tấn công vũ khí hóa học.

Triều Tiên coi Syria là một đồng minh quan trọng và gọi đòn không kích của Mỹ là “hành động gây hiềm khích không thể tha thứ”. Giới chuyên gia cho rằng Mỹ muốn gửi thông điệp đến Triều Tiên qua việc tấn công Syria. Ngoại trưởng Mỹ sau đó đã phát ngôn ám chỉ điều này: "Thông điệp bất cứ nước nào có thể tiếp nhận là: Nếu các vị vi phạm các quy chuẩn quốc tế, vi phạm các thỏa thuận quốc tế, không thực hiện cam kết, nếu anh trở thành mối đe dọa với những bên khác, thì đến một thời điểm, phản ứng sẽ được thực hiện".

Mỹ phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Syria
 
 

Mỹ phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Syria

Tổng thống Trump và phu nhân tại tiệc tối thiết đãi vợ chồng Chủ tịch Tập ở biệt thự Mar-a-Lago, Florida hôm 6/4. Ảnh: Reuters

Với việc phóng tên lửa của Mỹ vào căn cứ Syria diễn ra ngay khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida, ông Trump có thể muốn bắn tín hiệu rằng ông sẵn sàng hành động đơn phương nếu Bắc Kinh không kiểm soát được Bình Nhưỡng.

Sau vụ tấn công này, tình hình bán đảo Triều Tiên đã leo thang nhanh chóng. Trump liên tục có phát ngôn lên án Triều Tiên, chẳng hạn như nói rằng Kim Jong-un "đang phạm sai lầm lớn" hay tuyên bố "Triều Tiên là một rắc rối và rắc rối đó sẽ được xử lý". Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đáp trả bằng tất cả sức mạnh của mình đối với bất cứ hành động quân sự nào của Mỹ, dù "chỉ là một viên đạn" được bắn về phía họ.

Động thái điều tàu sân bay và các lời đe dọa đã khiến nhiều bên lo sợ về khả năng nổ ra xung đột quân sự. Bắc Kinh, đồng minh của Bình Nhưỡng, cố gắng xoa dịu tình hình bằng việc lên tiếng phản đối dùng vũ lực với Triều Tiên và nhấn mạnh cần giải quyết căng thẳng qua đàm phán.

Đồng thời, Trung Quốc cũng cố gắng gây sức ép với Triều Tiên về vấn đề hạt nhân khi Global Times, phụ san của People's Daily - cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, viết rằng: ""Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân là lập trường kiên định của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không kiên nhẫn thêm nữa". Tờ này nhấn mạnh rằng nếu Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân thì Bắc Kinh sẽ đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng.

Nga cũng rất lo ngại về khả năng Mỹ tấn công Triều Tiên và kêu gọi kiềm chế. "Nga đang theo dõi tình hình leo thang căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên với quan ngại sâu sắc", phát ngôn viên Điện Kremlin nói.

Hậu quả khủng khiếp nếu nổ ra xung đột

Nếu lựa chọn biện pháp quân sự đối với Triều Tiên, Mỹ sẽ phải sẵn sàng cho tình huống xấu nhất, đó là một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô lớn có thể hủy diệt cả Hàn Quốc và Nhật Bản.

Mỹ có thể lựa chọn biện pháp tấn phủ đầu để xóa sổ các bệ phóng tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, nhưng phương án tác chiến này đòi hỏi họ phải huy động một lực lượng khí tài quân sự khổng lồ xung quanh bán đảo với quy mô lớn đến mức gần như không tưởng.

Tương quan lực lượng quân sự giữa Triều Tiên và Mỹ - Hàn

Ngoài ra, không phải mọi vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đều nằm trên mặt đất. Có những loại có thể được cất giấu trong hầm ngầm sâu trong những dãy núi, buộc Mỹ chỉ có cách duy nhất là sử dụng bom hạt nhân mới có thể phá hủy được.

Quân đội Mỹ không bao giờ đảm bảo được rằng họ có thể vô hiệu hóa được toàn bộ vũ khí hạt nhân Triều Tiên hay vô hiệu hóa giới nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngay trong đòn đánh đầu tiên. Trong trường hợp họ thất bại, Hàn Quốc sẽ là quốc gia đầu tiên hứng chịu cơn thịnh nộ hạt nhân của Triều Tiên.

Sự quyết liệt của chính quyền Trump hiện nay đối với vấn đề Triều Tiên có hiệu ứng tích cực hơn so với cách lảng tránh của những người tiền nhiệm, nhưng ông cần đến một chính sách rõ ràng hơn là phản ứng theo cảm tính.

Trump đã gióng lên hồi trống khiến chúng ta kỳ vọng điều gì đó ở Triều Tiên. Nhưng Triều Tiên luôn là vấn đề quan trọng và phức tạp hơn Syria. Khi chưa có một chiến lược toàn diện, những động thái trống giong cờ mở như vậy khó có thể giải quyết được vấn đề.

Greg Sheridan, bình luận viên chính trị kỳ cựu của The Australian

Phương Vũ

Bình luận
Ý kiến của bạn