Năm 2017, Mark Zuckerberg trở lại Đại học Harvard với chiến thắng mà nhiều người chỉ có thể mơ ước. 12 năm sau khi CEO Facebook bỏ học để lập công ty - sau này trở thành mạng xã hội lớn nhất thế giới, ngôi trường thuộc nhóm Ivy League quyết định trao cho ông một tấm bằng danh dự. Facebook chào mừng sự kiện này như một cơ hội để giới thiệu về lịch sử của công ty cũng như làm rõ hơn khía cạnh cá nhân CEO của mình. Công ty thực hiện vài buổi phát sóng công khai trước khi Zuckerberg đọc diễn văn nhận bằng. Một trong số đó là chuyến thăm Kirkland House H33, căn phòng ký túc nơi mọi thứ bắt đầu.
"Đây là lần đầu tiên tôi trở lại ký túc xá này kể từ khi tôi rời đi", Zuckerberg nói trong một video ông quay bằng smartphone và phát trực tiếp trên Facebook. Đi cùng với bạn gái thời đại học Priscilla Chan, tỷ phú sinh năm 1984 hướng người xem tới chiếc bàn cũ của mình và căn phòng nơi các nhà đồng sáng lập Facebook khác là Dustin Moskovitz và Chris Hughes từng ngủ và làm việc cùng nhau. Sau khi hồi tưởng về kích cỡ nhỏ bé của chiếc giường ngủ, ông nhắc đến một tình huống đã trở thành giai thoại trong một thập kỷ qua.
"Một ngày cuối tuần, tôi muốn tạo trang FaceMash", ông nói với nụ cười khó hiểu đặc trưng. "Tôi ngồi ở chỗ này ba ngày liên tục và lập trình. Đó giống một trò đùa cũng vui dù không đặc sắc cho lắm". Ông cho biết FaceMash đã lan truyền nhanh chóng, làm tê liệt laptop của mình và khiến các nhà quản lý tại Harvard phải ngắt kết nối Internet của toàn bộ ký túc xá.
"Đó có lẽ là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ của tôi về Kirkland House. Tôi ngồi đây, cố xử lý vấn đề. Dustin cũng đang giải quyết vấn đề khoa học của cậu ấy, còn Chris đang viết bài nghiên cứu xã hội và đột nhiên Internet tắt", Zuckerberg nói.
Qua lời kể của ông, câu chuyện về FaceMash giống như một trò đùa vô hại thời đại học. Nhưng nhiều người xem livestream hôm đó lại nhớ về nó theo một cách khác bởi họ từng xem bộ phim The Social Network, công chiếu ngày 1/10/2010.
Trong một thập kỷ kể từ khi The Social Network ra đời, Facebook đã phổ biến khắp thế giới đến mức không vấn đề nào, từ quyền riêng tư đến việc chống lại các luật lệ có thể làm mất đi vị thế thống trị của nó.
Zuckerberg nắm khoảng 60% cổ phiếu có quyền biểu quyết tại Facebook nên một mình ông có thể quyết định những gì người dùng thấy khi họ đăng nhập vào Facebook hay Instagram, thiết lập quyền riêng tư nào họ có thể truy cập hay sự khác biệt giữa nội dung bạo lực và kích động. Như Chris Hughes, đồng sáng lập Facebook, bình luận trên New York Times năm 2019, "ảnh hưởng của Mark rất đáng kinh ngạc, vượt xa bất cứ ai dù trong lĩnh vực tư nhân hay chính phủ".
Song song với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng, tính cách thể hiện ra trước công chúng của Zuckerberg càng được kiểm soát chặt chẽ, đến mức nhiều chuyên gia cho rằng, dành thời gian để giải mã cảm xúc của trợ lý AI do Zuckerberg phát triển còn hiệu quả hơn là cố xác định xem vị CEO này đang nghĩ gì.
Tuy nhiên, khi Zuckerberg được bao bọc bởi bộ áo giáp, nhiều người sẽ tìm đến các manh mối qua tác phẩm điện ảnh. Dần dần, bộ phim Hollywood đã đánh bại Zuckerberg - được New York Times coi là người quyền lực nhất không thông qua bầu cử tại Mỹ - trong việc kể lại câu chuyện nguồn gốc của chính mình.
Bộ phim
Khi The Social Network xuất hiện, Facebook đang được coi là con gà đẻ trứng vàng của ngành công nghệ còn Zuckerberg luôn xuất hiện với diện mạo rất cơ bản. Facebook là trang web có nhiều lượt truy cập nhất nước Mỹ, trong khi khẩu hiệu "Move Fast and Break Things" (Tiến nhanh và phá vỡ mọi thứ) giúp họ tạo dựng danh tiếng là công ty dũng cảm, luôn đi trước thời đại và không ngại mạo hiểm tại Thung lũng Silicon. Chiến dịch quảng cáo ngày càng mạnh giúp Facebook đạt doanh thu 2 tỷ USD năm 2010.
Quan trọng hơn, công chúng bắt đầu coi Facebook và Mark Zuckerberg là một. Khi mạng xã hội này đi vào vận hành năm 2004, dòng chữ "Sản phẩm của Mark Zuckerberg" xuất hiện ở cuối trang Facebook. Các năm sau đó, CEO Facebook thường xuyên xuất hiện trên The Harvard Crimson và các ấn phẩm của nhóm trường Ivy League để bàn về các tính năng mới của mạng xã hội. Có thời điểm, Zuckerberg còn về trường để tìm kiếm nhân lực cho công ty của mình.
Khi các kỹ sư lập trình triển khai tính năng mới, Zuckerberg làm gương khi tag bản thân mình vào các bức ảnh và bấm like mọi thứ. Nhiều sinh viên bày tỏ ấn tượng với một CEO ngành công nghệ sử dụng mạng xã hội, coi Zuckerberg là hình tượng về một người dùng kỹ năng lập trình để cải thiện đời sống xã hội, dù có phần nhạt nhẽo.
Những thiện cảm ông thu được trong giai đoạn đầu dần mờ nhạt đi khi Facebook mở rộng. Năm 2006, công ty ra mắt tính năng News Feed - giờ là trang chủ mặc định của Facebook, và đối mặt với bê bối riêng tư đầu tiên. Người dùng than phiền tính năng này giúp người khác dễ dàng theo dõi hoạt động cá nhân của họ.
Nhóm "Sinh viên phản đối News Feed của Facebook" được thành lập và thu hút hơn 100.000 thành viên chỉ trong một ngày. Các phóng viên và người biểu tình xuất hiện trên tuyến phố bên ngoài văn phòng công ty ở Palo Alto. Zuckerberg trấn an bằng bài viết trên Facebook với tiêu đề "Bình tĩnh. Hít thở. Chúng tôi đã nghe thấy các bạn" và hứa bổ sung những công cụ nhằm bảo đảm riêng tư.
Sự việc được giải quyết êm đẹp, nhưng những vấn đề tương tự vẫn tiếp tục xảy ra. Giới truyền thông coi nỗ lực bảo vệ riêng tư hời hợt của Facebook không phải hậu quả của sự thiếu kinh nghiệm, mà bắt nguồn từ sự cứng đầu, không chấp nhận chỉ trích và coi thường người dùng của lãnh đạo công ty.
Tháng 5/2010, nhà báo Nicholas Carlson phát hiện tin nhắn của Zuckerberg từ thời còn học ở Harvard, trong đó CEO Facebook đề nghị cấp quyền tiếp cận dữ liệu cá nhân của nhiều bạn học cho một người bạn giấu tên. "Tôi có hơn 4.000 email, ảnh, địa chỉ. Mọi người tự nộp chúng. Tôi không biết tại sao. Họ tin tưởng tôi, lũ ngu đó", Zuckerberg viết khi được người bạn hỏi làm cách nào ông thu thập được dữ liệu này.
Trong bài viết trên New Yorker được công bố trước ngày khởi chiếu The Social Network, Zuckerberg tỏ ra hối tiếc vì những tin nhắn đó, nhưng nó cũng khiến dư luận ngày càng nghi ngờ về nỗ lực bảo vệ thông tin cá nhân người dùng của Facebook.
Đội ngũ làm phim The Social Network càng làm ấn tượng này khắc sâu vào khán giả. Aaron Sorkin đảm nhận viết kịch bản. David Fincher trở thành đạo diễn. Bộ ba diễn viên chính là Jesse Eisenberg trong vai Zuckerberg, Andrew Garfield đóng vai Saverin, và ca sĩ Justin Timberlake vào vai Parker.
Kịch bản của Sorkin không có những tình tiết hư cấu gây sốc, nhưng các khoảnh khắc tự do sáng tạo của ông để lại nhiều ấn tưọng nhất. Đáng chú ý là khi ông tưởng tượng cảnh đổ vỡ giữa Zuckerberg và người phụ nữ mang lại cảm hứng cho FaceMash ngay trong những phút đầu phim.
Sorkin cũng bổ sung vài câu thoại hung ác trong bài viết của Zuckerberg trong phim, dù nó không khác nhiều so với bản gốc thực tế. Tuy nhiên, tình tiết đổ vỡ và việc Priscilla Chan không xuất hiện trong phim khiến Zuckerberg có vẻ là người rất nhẫn tâm.
Trong phân cảnh cuối phim, sau khi Zuckerberg phản bội những người hợp tác với mình và giành quyền kiểm soát công ty, nhà sáng lập Facebook đã truy cập trang của bạn gái cũ và liên tục tải lại để xem cô có chấp nhận yêu cầu kết bạn hay không. Sự trộn lẫn vừa đủ giữa thực tế và hư cấu đã khiến mọi người tin đây chính là câu chuyện thực đã xảy ra.
Sự đón nhận của khán giả
Email rò rỉ từ vụ tin tặc tấn công Sony năm 2014 cho thấy Zuckerberg tìm cách ngăn bộ phim được sản xuất nhưng thất bại. Vì vậy, trước khi phim được chiếu, Outcast, công ty PR của Facebook, đề ra chiến lược tránh phê phán bộ phim hay công kích những nhà làm phim. Họ chỉ đưa ra lời giải thích phản bác các chi tiết trong phim thông qua báo New Yorker và New York Times.
Zuckerberg gọi nội dung phim là "viễn tưởng".
Trong nội bộ, ông lại tìm cách tiếp nhận bộ phim. Facebook tổ chức cho toàn bộ nhân viên đi xem ở rạp Century Cinema 16. "Chúng tôi khá vui vẻ. Ai cũng biết mọi nhân viên Facebook đều muốn xem, vì mấy khi có người làm phim điện ảnh lớn về công ty của bạn", Zuckerberg nói trong một cuộc phỏng vấn sau đó nhiều năm và kể rằng nhiều nhân viên thường trêu ông bằng cách pha cocktail appletini tại văn phòng để diễn lại cảnh trong phim.
Nhưng với khán giả không làm việc tại Facebook, The Social Network mô tả câu chuyện đáng sợ về một thanh niên ngoài 20 tuổi được hàng triệu người dùng tin tưởng giao phó thông tin và hình ảnh cá nhân. Đó là người sẵn sàng chà đạp an ninh cá nhân của các bạn học vì trò đùa nhạt nhẽo, người sẵn sàng loại bỏ bạn bè để đạt thứ mình muốn, cũng là người ngày càng xa rời mục tiêu "kết nối mọi người" và chỉ chú trọng vào củng cố quyền lực.
Những người trong ngành công nghệ cũng không cố phân tách giữa thực tế và hư cấu. "Nó cho thấy điều gì đó về nhân vật trong phim và ở Thung lũng Silicon, khi nhân vật được yêu thích nhất là luật sư. Tôi không biết nên ghét Zuckerberg hay Parker hay tìm cách trở thành họ, hay làm cả hai điều đó", một nhân viên công nghệ viết.
"Bộ phim gây ấn tượng khá xấu về Zuckerberg", ký giả Jon Dube nhận xét.
The Social Network gây tiếng vang khi thu về 224,9 triệu USD trên toàn cầu. Nó được đề cử 8 giải Oscar và giành chiến thắng trong 3 hạng mục, đồng thời nhanh chóng để lại dấu ấn trong công chúng. Khảo sát của Forbes sau khi phim phát hành cho thấy 63% người Mỹ được hỏi không còn tin tưởng khi giao thông tin cá nhân cho Facebook.
Cải tổ toàn diện
Facebook nỗ lực kiểm soát thiệt hại sau khi bộ phim khiến hình ảnh người sáng lập công ty giống một hacker không có kỹ năng xã hội, nhất là khi họ chuẩn bị IPO.
Bản thân Zuckerberg cũng dành ra nhiều năm sau đó để bảo đảm mình tránh xa sự soi mói của công chúng. Ông chi 30 triệu USD mua 4 căn nhà quanh khu đất riêng tại Palo Alto, xây bức tường đá cao 2m quanh khu biệt thự rộng 283 hecta tại Kauai và thuê lực lượng an ninh riêng để tuần tra.
Tuy nhiên, ông cũng theo đuổi chiến dịch làm "mềm" hình ảnh của mình. Vào ngày công chiếu, ông xuất hiện trên chương trình của Oprah Winfrey, thông báo tặng 100 triệu USD cho hệ thống trường Newark. Zuckerberg nuôi một con chó tên Beast và lập trang Facebook cho nó, sau đó hạ mức lương của mình xuống còn 1 USD/năm.
Facebook cũng thành lập riêng một đội để vận hành tài khoản của Zuckerberg. Họ có nhiệm vụ xóa bình luận quấy rối trong bài viết, theo chân Zuckerberg và chụp những bức ảnh chuyên nghiệp để chia sẻ lên mạng. Mục tiêu hàng năm của Zuckerberg chuyển từ những thứ đơn giản như "thắt cà vạt hàng ngày" hồi 2009 đến các cuộc phiêu lưu đầy tính biểu tượng như "gặp một người tại mỗi bang của Mỹ" năm 2017.
Đội ngũ chăm sóc hình ảnh còn xóa toàn bộ tin nhắn cũ trên Facebook của Zuckerberg. Đôi khi, họ tiết lộ một số thông tin riêng cho báo chí, duy trì hình ảnh kỳ bí về một "con mọt sách", trong khi Zuckerberg thể hiện mình là CEO đề cao giá trị công việc và ít nhắc tới bản thân.
Zuckerberg cũng cố cải thiện khả năng phát biểu trước công chúng. Trước kia, ông thường để cấp dưới điều hành các cuộc họp và chỉ thỉnh thoảng hét lên một vài từ nhấn mạnh. Nhưng từ cuối 2014, "Zuck 2.0" phát trực tiếp các buổi diễn thuyết trên trang Facebook, trả lời câu hỏi trong nhiều lĩnh vực được nhân viên và người dùng gửi đến.
Trong phiên trực tiếp đầu tiên ở tổng hành dinh tại Menlo Park, micro được đưa cho một người phụ nữ tên Lori đến từ bang Utah. Cô nhắc lại câu hỏi đã gửi đến trong một bài viết trước đó của Zuckerberg: "Tôi đam mê phim ảnh, một trong 10 bộ phim tôi yêu thích là The Social Network. Câu hỏi của tôi là: Cốt truyện trong phim chính xác đến mức nào so với khởi đầu của Facebook ngoài đời?".
Zuckerberg cười ngượng nghịu: "Ồ, tôi không dành nhiều thời gian để nghĩ về bộ phim đó. Tôi gần như đã mặc kệ nó".
Ông giải thích, cuộc đời thật của mình kém hấp dẫn hơn nhiều so với trong phim. "Thực tế là việc lập trình, xây dựng sản phẩm và phát triển công ty không đủ hào nhoáng để làm phim, vì vậy bạn có thể hiểu là họ phải tưởng tượng và phóng tác khá nhiều. Nếu họ làm phim như đời thật, sẽ chỉ có tôi ngồi lỳ trên máy tính suốt hàng tiếng để lập trình và sẽ không phải một bộ phim hay. Những nhà làm phim muốn bán vé và giành giải thưởng, nên họ đi theo hướng đó", Zuckerberg trả lời.
Ông cũng nói chưa từng gặp những người liên quan tới bộ phim, ngoài cuộc gặp chớp nhoáng với Eisenberg. "Tôi nghĩ anh ấy hơi lo lắng khi gặp tôi sau vai diễn trong phim, nhưng tôi đã cố gắng lịch sự", Zuckerberg nói và khẳng định đoạn mở đầu phim rằng ông phát triển Facebook để tìm bạn gái là hoàn toàn sai lầm.
"Họ bịa ra nhiều thứ khiến tôi bị tổn thương", Zuckerberg cho hay.
Cuối cùng, ông khẳng định mình đã hẹn hò với Priscilla Chan từ trước khi khởi động Facebook. "Tôi nghĩ câu chuyện thực chỉ là những nỗ lực chăm chỉ trong công việc", ông kết luận.
Di sản để lại
Động lực duy trì hình ảnh kín kẽ trước công chúng của Zuckerberg đã thay đổi qua các năm, khác xa những gì được phác họa trong The Social Network. Sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016 kèm với hàng loạt cáo buộc về sự can thiệp của Nga và bảo mật dữ liệu người dùng, Zuckerberg bắt đầu chuyến đi qua 30 bang của Mỹ với một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.
Ông vuốt ve một con chó nghiệp vụ ở Montana, lái máy cày ở Wisconsin, xem đua ngựa ở Texas. Mọi điểm dừng chân đều được đánh dấu bằng một bài viết kỳ công trên Facebook. Mỗi lần cập nhật dường như được chuẩn bị kỹ càng hơn trước đó. Zuckerberg trả lời phỏng vấn về những gì học được trong hành trình, cho rằng "điểm nổi bật nhất là các cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng địa phương, quan trọng với mọi người hơn những gì chúng tôi nhận ra".
Mục tiêu của Zuckerberg là thể hiện ông không coi người dùng là những con số vô hồn, mà là những người thực sự, dù cách vận hành Facebook cho thấy một hình ảnh khác. Tuy nhiên, thông điệp vẫn đầy vẻ gượng gạo, giống như ông lần đầu thực hiện hành trình học hỏi về loài người sau nhiều năm ngồi sau máy tính.
Zuckerberg càng khép kín, công chúng lại càng tìm đến hình ảnh được mô tả trên phim. Khoảng trống về hình ảnh cá nhân trong 10 năm qua đã khiến bộ phim dần được coi là sự thực, khiến The Social Network gắn liền với hình ảnh Facebook, trong khi nhiều lãnh đạo tập đoàn vẫn gọi nó một cách đầy bực bội là "bộ phim".
"Từ các thông tin và cốt lõi được mô tả, tôi nghĩ bộ phim đã vẽ nên bức tranh rất bất công. Tôi vẫn nghĩ nó tạo nên nền tảng cho những gì mọi người tin về Mark", Giám đốc vận hành Facebook Sheryl Sandberg nói.
Điệp Anh - Châu An (Theo The Ringer)