Chủ đề chính trong cả hai phiên điều trần của Mark Zuckerberg với Thượng viện và Hạ viện Mỹ hôm qua đều liên quan đến quyền riêng tư và các quy định. Sau khi đề cập đến nguy cơ chính phủ Mỹ có thể siết chặt việc quản lý mạng xã hội này, Thượng nghị sĩ Orrin Hatch đã hỏi Mark Zuckerberg về những quy định mới liệu có thể giúp giải quyết vấn đề tương tự như vụ rò rỉ Cambridge Analytica.
Tuy nhiên, đáp lại câu hỏi này, Giám đốc điều hành của Facebook đã lấy ví dụ về những quy định ngặt nghèo, sự giới hạn trong trí tuệ nhân tạo (AI) với công nghệ nhận diện khuôn mặt đã ngăn cản sự đổi mới.
"Tôi nghĩ sẽ cần một sự công bằng quan trọng ở đây, nơi mà mọi người có được sự đồng ý đặc biệt với các tính năng như nhận dạng khuôn mặt. Chúng ta cần phải làm cho các công ty Mỹ có thể đổi mới trong lĩnh vực này, nếu không sẽ bị tụt hậu so với đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc cũng như các nước khác trên thế giới", Mark nói.
Trong hội nghị dành cho nhà phát triển F8 diễn ra vào hai tuần tới, Facebook dự kiến sẽ ra mắt thiết bị phần cứng đầu tiên của hãng cho phép người dùng kiểm soát giọng nói, nhận dạng khuôn mặt. Tuy nhiên, sản phẩm này có thể đã bị trì hoãn sau các vấn đề gần đây của Facebook.
Ý kiến của Zuckerberg nhằm ám chỉ đến công ty công nghệ máy tính và nhận dạng khuôn mặt SenseTime của Trung Quốc đã kêu gọi được vốn đầu tư tới 600 triệu USD chỉ trong thời gian ngắn bởi Alibaba. Hai công ty lớn khác là IDG và Qualcomm cũng là nhà đầu tư của dự án này. Với mức định giá tới 3 tỷ USD, công ty mới có tuổi đời 3 năm đã được đánh giá là công ty khởi nghiệp về AI có giá trị lớn nhất trên thế giới.
Cũng tại Trung Quốc, công ty Megvii Face++ năm ngoái đã kêu gọi được vốn đầu tư 460 triệu USD bởi một quỹ được hỗ trợ bởi cả chính phủ Nga và Trung Quốc.
Những công ty như Megvii Face++ và SenseTime được phép hợp tác với chính phủ Trung Quốc và tạo ra cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt của khoảng 1,3 tỷ người dân. Những người điều khiển camera an ninh CCTV, kính thông minh có thể giúp cảnh sát xác định một người chỉ trong vài giây. Quan hệ đối tác với chính phủ đã giúp các công ty Trung Quốc có sức mạnh vượt xa những công ty Mỹ như Facebook.
Mark Zuckerberg cho rằng thay vì tìm kiếm các quy định làm khó doanh nghiệp, Mỹ nên có các chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho những công ty như Facebook, tương tự cách mà Trung Quốc hay Nga đang làm.
Ngoài lấy ví dụ về Megvii Face++ và SenseTime, Zuckerberg cũng cho rằng để chống lại sự can thiệp từ nước ngoài không đơn giản là vấn đề riêng của Facebook. Khi được hỏi, CEO của mạng xã hội này cho biết không thể đảm bảo rằng cơ quan nghiên cứu Internet (IRA) được hậu thuẫn bởi chính phủ Nga đã bị loại bỏ khỏi Facebook hoàn toàn hay chưa.
"Đây là cuộc chạy đua vũ trang, họ sẽ còn tiếp tục phát triển công cụ hơn nữa và vì thế chúng ta cũng cần đầu tư để nền tảng này phát triển tốt hơn. Người Nga có thể can thiệp vào mọi cuộc bầu cử trên toàn thế giới, đây là cuộc xung đột đang diễn ra", Mark tiếp lời.
Trong suốt 5 tiếng điều trần hôm qua, Zuckerberg nhiều lần sử dụng các từ ngữ đậm chất công nghệ như AI, Pixel trong lời phát biểu của mình. Để đối phó với tin tức giả mạo? AI sẽ hỗ trợ. Những kẻ khủng bố sử dụng nền tảng Facebook? AI sẽ chống lại chúng. Hàng tỷ nội dung cần kiểm duyệt? AI sẽ giúp con người làm thay. CEO của Facebook nhắc đến AI như là "cứu cánh" cho mọi vấn đề mà mạng xã hội này đang gặp phải và cần khắc phục.
Tuy nhiên, theo Venturebeat, những lời biện minh của Mark cũng được một số chuyên gia đồng tình. Trí tuệ nhân tạo hay nhận dạng khuôn mặt đều dựa trên một cơ sở dữ liệu người dùng lớn. Chúng giúp phán đoán hành vi, tối ưu hóa quảng cáo, đơn giản hóa việc tra cứu nhưng ở mặt trái ngược, nó cũng ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dùng. Và khi chính phủ Mỹ muốn áp đặt các điều luật hạn chế việc này, công nghệ AI sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khiến nước này thua kém Trung Quốc, Nga.