"Đây là mối đe dọa lớn nhất với sản phẩm của chúng ta trong 5 năm qua" - trích một email gửi đến cho nhân viên Facebook mà Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) thu thập được.
Đó là vào ngày 4/10/2012, Facebook - khi đó đã là mạng xã hội lớn nhất thế giới - quyết định mua Instagram với giá một tỷ USD. 7 tháng trước đó, Facebook dính phải một vụ bê bối và đang trên đà phục hồi. Một tỷ USD cũng là con số lớn nhất mà họ có thể chi ra khi đó để thâu tóm một công ty.
Năm 2014, WhatsApp tiếp tục "lọt vào tầm ngắm". Việc ứng dụng nhắn tin này liên tục tăng trưởng về người dùng khiến Zuckerberg và những người đứng đầu "đứng ngồi không yên". Lo sợ bị cạnh tranh, Facebook đã bỏ ra 19 tỷ USD để mua lại - một con số kỷ lục mới.
Quay trở lại email trên, đó là bức thư của giám đốc quản lý sản phẩm Facebook. Đó cũng là một trong nhiều cuộc trao đổi nội bộ mà các nhà điều tra Mỹ tiết lộ giữa tuần trước. Mạng xã hội của Zuckerberg hiện đối mặt với ít nhất hai vụ kiện với cáo buộc "lạm dụng sức mạnh của mình trên thị trường một cách có hệ thống để tiêu diệt nguy cơ bị cạnh tranh và duy trì độc quyền bất hợp pháp".
Các đơn kiện nhằm vào Facebook được đệ trình lên tòa án bởi FTC và liên minh gồm 48 tiểu bang của Mỹ. Trong đơn, nhóm khởi kiện đã thu thập rất nhiều email, bản ghi nhớ và tin nhắn, trong đó nói rằng Facebook luôn thường trực ý nghĩ "tiêu diệt" các đối thủ tiềm năng, bất chấp vi phạm pháp luật hay đạo đức doanh nghiệp. Mục tiêu của những đơn kiện là nhằm ngăn chặn các thương vụ thâu tóm bất hợp pháp của mạng xã hội này trong tương lai, cũng như buộc họ phải tách Instagram và WhatsApp ra thành công ty độc lập.
Facebook đã phản ứng mạnh mẽ. Họ nhấn mạnh rằng các cáo buộc đã "tác động xấu đến sự đổi mới và phát triển", đồng thời khẳng định việc mua lại Instagram và WhatsApp là "tốt hơn cho người dùng", cũng như giúp cả hai phát triển mạnh mẽ thời gian qua.
Tuy vậy, theo Telegraph, những phản ứng của Facebook cộng thêm các tài liệu do FTC công bố cho thấy phía sau mạng xã hội này, Zuckerberg và đội ngũ quản lý cấp cao đang bị "siêu hoang tưởng" và ông sẵn sàng "chiến đấu" để giữ Facebook ở vị trí đầu bảng.
Không ngừng tìm kiếm ứng dụng để "thanh trừng"
Theo FTC, chiến lược mua lại các công ty khác của Facebook đã được thực hiện từ khi mạng xã hội này mới được bốn năm.
Vào tháng 6/2008, Facebook vượt qua Myspace để trở thành mạng xã hội đứng đầu. Cũng trong tháng này, FTC trích lời Zuckerberg rằng "mua tốt hơn là cạnh tranh". Chiến lược này được CEO trẻ tuổi áp dụng triệt để sau đó.
Năm 2009, Facebook mua lại Octazen - một công ty có trụ sở tại Malaysia, chuyên về tự động nhập danh bạ điện thoại của người dùng vào ứng dụng, và FriendFeed giúp tổng hợp nội dung từ nhiều mạng xã hội vào một nguồn cấp dữ liệu. Sau khi mua, Facebook đã cắt quyền truy cập vào Octazen của các công ty khác.
Đơn kiện của liên minh các bang cáo buộc thương vụ của Facebook nhằm ngăn chặn Twitter - một đối thủ đang lên khi đó, sử dụng hoặc mua lại Octazen. Một giám đốc cấp cao của Facebook khi đó còn nói rằng việc thâu tóm Octazen "với giá vài triệu" là xứng đáng vì nó có thể "làm chậm sự phát triển của một số đối thủ cạnh tranh". Một người khác thậm chí đã nói rằng FriendFeed là tính năng "nguy hiểm đến mức đáng sợ" nếu lọt vào các công ty khác.
Với Instagram, tài liệu nội bộ cho thấy khi các chuyên gia của Facebook định giá mạng xã hội này vào tháng 1/2012 với giá 500 triệu USD, Zuckerberg lập tức cho rằng đó là "điên rồ". Tuy vậy, ông cũng nghĩ đến việc thâu tóm và nói với nhân viên rằng "chúng ta cần theo dõi chặt chẽ việc này".
Sự lớn mạnh của Instagram đến trong thời điểm "nhạy cảm" đối với Facebook. Mạng xã hội khi đó đang loay hoay thay đổi trước làn sóng smartphone. Zuckerberg lo sợ rằng nếu để Instagram phát triển, dù chỉ là nhỏ, nó sẽ sao chép các tính năng cốt lõi của Facebook.
"Những gì chúng ta thực sự mua là thời gian", Zuckerberg nói với Giám đốc tài chính Facebook - David Ebersman - vào đầu 2012. "Mua lại đối thủ ngay bây giờ sẽ giúp chúng ta tiết kiệm thêm một năm, trước khi có đối thủ khác tiến đến gần quy mô của họ".
Ebersman sau đó tiếp tục hỏi rằng "có phải anh đang muốn vô hiệu hóa đối thủ cạnh tranh hay không", Zuckerberg nói "Đúng". Nhưng 45 phút sau, CEO Facebook gửi tin nhắn tiếp theo giải thích rằng "Không có ý ám chỉ việc thâu tóm đối thủ để ngăn chặn khả năng cạnh tranh".
WhatsApp là mối đe dọa lớn nhất của Facebook
Ban đầu, Zuckerberg không để ý đến WhatsApp. Nhưng dần dần, ông nhận ra rằng xu hướng chuyển từ PC sang smartphone đang khiến Facebook bị tụt hậu, nhất là tính năng nhắn tin bảo mật mà WhatsApp đang theo đuổi. Khi đó, Zuckerberg thậm chí tin rằng WhatsApp là "ứng dụng quan trọng nhất trên điện thoại của bất kỳ ai".
Dù không mang lại nhiều tiền như Facebook, nhưng các ứng dụng như WhatsApp lại là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội của người dùng, có thể làm "bệ phóng" thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển. Javier Olivan, Phó chủ tịch phụ trách tăng trưởng của Facebook, gọi đây là ứng dụng "biến hình". Trong tài liệu gửi kèm đơn kiện của liên minh các bang, Olivan nói rằng các ứng dụng nhắn tin "biến hình" là "những thứ nguy hiểm nhất". Zuckerberg đồng ý.
Trong số các ứng dụng được thâu tóm, WhatsApp bị coi là nguy hiểm nhất. Trong suốt những năm 2012 và 2013, nhiều giám đốc cấp cao của mạng xã hội này gọi WhatsApp là "đối thủ cạnh tranh lớn nhất", "mối đe dọa lớn nhất mà chúng ta đang đối mặt"... Ngoài ra, Mack Zuckerberg lo WhatsApp "rơi vào tay kẻ xấu". Theo tài liệu của FTC, khi một nhân viên Facebook nói rằng ứng dụng có thể đang là mục tiêu thâu tóm của Google, Olivan lập tức đáp: "Đó chắc chắn là điều tôi sẽ làm nếu tôi là họ".
Việc được đánh giá cao khiến Facebook tăng giá đều đặn. Năm 2012, Zuckerberg đề nghị trả một tỷ USD, năm 2013 lên 5 - 6 tỷ USD. Năm 2014, WhatsApp cuối cùng cũng thuộc về ông với giá 19 tỷ USD.
Phản hồi trong tuần trước, Jennifer Newstead, cố vấn chính của Facebook, nhấn mạnh rằng WhatsApp và Instagram cần cảm ơn Facebook vì đã nâng tầm hai ứng dụng. Bà cũng lập luận rằng WhatsApp "có rất ít sự hiện diện ở Mỹ" và đang bị kìm hãm bởi phải tính phí sử dụng (0,99 USD mỗi năm).
Tuy nhiên, các đơn kiện đều đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy quyết định mua WhatsApp của Facebook là bởi công ty này sợ rằng ứng dụng sẽ trở nên "thành công đến mức nguy hiểm" trong tương lai.
Ngoài việc thâu tóm công ty, các vụ kiện cũng tập trung vào cách Facebook sử dụng quyền kiểm soát của mình để quyết định ai được truy cập vào khối lượng dữ liệu của họ, hoặc trừng phạt các đối thủ nếu họ phản đối. Các hành vi này được phát hiện lần đầu vào 2018, trong một tài liệu do một nghị sĩ Anh công bố.
Tuy nhiên, bà Newstead bác bỏ các cáo buộc, coi đây là "tiêu chuẩn trong ngành", đồng thời khẳng định các công ty khác ở Thung lũng Silicon cần thực thi các quy tắc tương tự. Thậm chí, có những doanh nghiệp cấm các công ty khác truy cập vào API của mình.
Bảo Lâm (theo Telegraph)