Năm qua, ông chủ Facebook tích cực xuất hiện trên podcast của Joe Rogan và nhà nghiên cứu AI Lex Fridman. Hai người này đều hâm mộ Elon Musk. Tuần trước, ông tiếp tục nhận lời thách đấu của tỷ phú gốc Nam Phi.
Theo Washington Post, sau thất bại của metaverse, sự chậm chân trong cơn sốt AI và các bê bối liên quan đến mạng xã hội, Mark Zuckerberg không còn duy trì được hình ảnh của một người đổi mới và có tầm nhìn như trước. Ông đang phải nỗ lực giành lại thiện cảm của người dùng và nhà đầu tư. Gắn hình ảnh mình gần hơn với Musk - biểu tượng mới của giới thượng lưu công nghệ - là cách nhanh nhất giúp CEO Meta đạt được mục đích.
"Có lẽ Zuckerberg đang cảm nhận được bản thân không còn được tôn trọng như trước. Thách đấu với Musk là cách để ông chứng tỏ sự ngang hàng với đối thủ. Hãy nhìn cách ông ta lạnh lùng và nghiêm túc thế nào với trận đấu", Bhaskar Chakravorti, trưởng khoa kinh doanh toàn cầu tại Trường Fletcher của Đại học Tufts, nói.
Từ lâu, hình ảnh Meta đã gắn liền với Mark Zuckerberg. CEO 39 tuổi luôn xuất hiện cùng sản phẩm mới của công ty. Những người thân cận với bộ phận truyền thông của Meta cho biết ông đặc biệt nhạy cảm với những gì công chúng nghĩ về mình. Ông lo mất đi hình ảnh là một nhà lãnh đạo luôn đổi mới sáng tạo, sợ mình bị cổ hủ, lạc lõng trong mắt người dùng.
Người trong cuộc cho biết Meta đã định vị Mark Zuckerberg là người kể chuyện chính của công ty trong những năm gần đây. Ông trực tiếp công bố sản phẩm, chiến lược mới. Tuy nhiên, hình ảnh của Zuckerberg bị rớt hạng nghiêm trọng sau các vụ bê bối liên quan đến kiểm duyệt của Facebook. Gần đây, ông đối mặt nhiều vấn đề lớn về hoạt động kinh doanh và đường hướng hoạt động của công ty. Ván cược vào metaverse đã không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Facebook đang mất đi sức hấp dẫn với người dùng trẻ tuổi. Doanh thu quảng cáo của công ty đã chững lại kể từ sau đại dịch.
Ngược lại, Elon Musk - người mà Zuckerberg muốn được coi là đối thủ - đang ở vị trí giàu nhất thế giới nhờ cổ phần tại Tesla. Công ty SpaceX cũng giành được nhiều hợp đồng lớn của chính phủ. Tiếng tăm của Musk càng vang xa khi mua lại Twitter và tiến hành đợt cải tổ lớn về nhân sự.
Musk cũng nổi tiếng là người hài hước, gần gũi với công chúng khi liên tục sử dụng Twitter. Đây cũng là điều Zuckerberg đang cố gắng thực hiện trên nền tảng Instagram nhưng chưa thành công. Ở chiều ngược lại, Elon Musk nhiều lần chỉ trích Zuckerberg và kêu gọi người dùng xóa Facebook.
Hai CEO cũng đang chuẩn bị cho một trận chiến khác. Meta được cho là đang xây dựng một mạng truyền thông xã hội phi tập trung thay thế cho Twitter. Theo Chakravorti, việc Zuckerberg nhận lời thách đấu với Musk chỉ là một chiêu bài để ông chủ Meta thu hút sự chú ý của công chúng nhằm lấy lại "hào quang" đã mất.
Cuộc đấu võ không còn là trận chiến của hai tỷ phú. Nó bắt đầu lan rộng trong ngành công nghệ khi CEO Airbnb Brian Chesky nói ông sẽ thách thức bất kỳ lãnh đạo công nghệ nào "dám ngồi vào ghế dự bị và lên sàn đấu tay đôi". Trong khi đó, Sam Altman, nhà sáng lập của OpenAI, khẳng định sẽ đi xem nếu Musk và Zuckerberg "thật sự lên võ đài".
Trong khi đó, người hâm mộ đang rầm rộ đặt cược, chia phe "Team Musk" và "Team Zuck". Dana White, Chủ tịch UFC, dự đoán Musk - Zuckerberg có thể mở ra một trận đấu võ tay đôi lớn nhất trong lịch sử, phá vỡ mọi kỷ lục về giá vé. Ông ước tính mọi người sẽ tốn khoảng 100 USD cho mỗi lượt xem trả phí trên truyền hình.
Khương Nha (theo Washington Post)