Một người Zimbabwe và tờ 10 triệu đôla mới rút ở ngân hàng ra. Ảnh: Corbis. |
Tranh cãi về chính trị khiến tình trạng thiếu nhu yếu phẩm và thức ăn ở quốc gia châu Phi này thêm trầm trọng. Mỗi người tiêu dùng hàng ngày phải tính toán nhức đầu với những số tiền dài dằng dặc tới hàng chục số 0.
Tỷ lệ lạm phát chính thức được cho là 165.000 phần trăm, nhưng trên thực tế, theo tính toán của các tổ chức độc lập, con số này phải là 4 triệu phần trăm. Zimbabwe là đất nước duy nhất trên thế giới mà trong đó các giao dịch thông thường có giá trị lên đến nghìn triệu triệu - một nghìn triệu triệu tức là 1 và 15 số ) theo sau: 1.000.000.000.000.000.
"Thật là điên rồ. Các máy tính của chúng tôi không thể xử lý nổi, bởi ngay cả những thứ đồ rẻ nhất cũng kéo theo một đống số không như thế", chuyên gia kinh tế David Moyo ở thủ đô Harare nói.
Các tay buôn tiền cho biết tuần này đôla Zimbabwe đã phá rào chắn 10 tỷ ăn một đôla Mỹ nếu mua tiền mặt; còn nếu mua chuyển khoản, giá là 20 tỷ đôla bản địa.
Trong các cửa hàng tuyệt nhiên không có bánh mì. Trước đây, một ổ bánh giá 2 tỷ đôla nếu mua trong siêu thị, còn trên chợ đen giá là 15 tỷ đô. Nếu một ai đó may mắn kiếm được sữa để mua, thì phải trả 3 tỷ đô cho mỗi cốc. Trứng cũng là của hiếm - một khay 30 quả có giá niêm yết trong cửa hàng là 45 tỷ đô. Một gói 10 chiếc bánh quy giá 19 tỷ đôla.
Hầu hết các cửa hàng ở Zimbabwe đã tự động bỏ đi 6 số không trên các bảng giá. Tờ tiền có mệnh giá lớn nhất hiện nay ở nước này là 50 tỷ, còn đồng xu có mệnh giá nhỏ nhất là 1 cent - tất nhiên là chẳng thể mua được cái gì.
Cảnh người dân đi chợ vác những cục tiền to như cục gạch - thậm chí mang cả bao tải để đựng tiền - giờ không còn phổ biến nữa, bởi người ta chỉ được rút từ ngân hàng ra mỗi ngày 25 tỷ đôla, thường là bằng những tờ 5 tỷ. Giá trị một tờ séc được quy định tối đa là 900 tỷ đôla (tương đường 90 USD), nhưng nhiều người than phiền rằng chỗ trống để đề số tiền quá nhỏ, không đủ để viết hết các số 0.
Trong khi đó thì khủng hoảng chính trị sau bầu cử vẫn kéo dài. "Cho dù chính trị có thế nào, vấn đề kinh tế vẫn cần được ưu tiên giải quyết. Nhưng hình như bây giờ chả có ai quan tâm đến kinh tế", Moyo nói.
Kể từ sau cuộc bỏ phiếu ngày 29/3, tình trạng thiếu lương thực ngày càng tồi tệ, bộ máy hành chính đứng im, điện và nước sạch mất liên miên, đường sá thì rối loạn. Các nhà máy ngừng sản xuất và công nhân thi nhau nghỉ việc.
Lãnh đạo phe đối lập Morgan Tsvangirai tuyên bố đã về nhất trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống nói trên, cho dù không đạt đủ đa số cần thiết và phải trải qua bỏ phiếu vòng hai, dự kiến vào ngày mai. Tuy nhiên ông đã tuyên bố rút lui hôm chủ nhật, với lý do bị đe dọa bằng bạo lực. Điều này mở đường cho tổng thống đương nhiệm Mugabe, 84 tuổi, tiếp tục tại vị sau 28 năm cầm quyền. Trong khi đó các chuyên gia kinh tế đánh giá rằng ông Mugabe khó có khả năng cải thiện tình hình kinh tế.
Mai Trang (theo AP)