Thiết kế và màn hình
Zenfone Go 4.5 Plus có thiết kế nhiều màu sắc. Mặt lưng làm từ nhựa nhưng sơn vân giả kim loại sọc ngang với các màu sơn trẻ, nổi bật như xanh bạc hà, vàng gold, cùng với đen và xám bạc. Tuy nhiên, model này không có đỏ và trắng, hai màu quen thuộc trước đó với dòng Zenfone.
Máy nhỏ gọn so với hầu hết các smartphone hiện nay, dày 11,2 mm nhưng mặt lưng được bo cong rất nhiều ở hai bên khiến cảm giác cầm vẫn mỏng. Điện thoại này cũng khá nhẹ với trọng lượng chỉ hơn 120 gram, phù hợp với người cần liên lạc nhiều bởi dễ bỏ túi quần khi di chuyển.
Ngoài màu sắc, sản phẩm chưa tạo ra thêm sự mới lạ về thiết kế. Phần dưới màn hình trông vẫn thừa thãi với dãy phím cảm ứng lớn nhưng không có đèn nền. Phím âm lượng được đặt ở mặt lưng, ngay dưới camera giống Zenfone 2 nhưng hơi nhỏ, khó bấm và dễ bị chạm nhầm làm bẩn ống kính ở trên.
Vóc dáng gọn gàng cùng giá thấp khiến cho Zenfone Go 4.5 Plus phải hy sinh độ phân giải màn hình, chỉ đạt FWVGA chứ chưa đạt được HD 720p. Cùng tầm tiền 2 đến 2,5 triệu đồng, thị trường có không ít lựa chọn khác cho chất lượng nét hơn mẫu của Asus. Zenfone Go 4.5 Plus cũng có góc nhìn hẹp và độ tương phản thấp khiến việc xem video và phim kém hấp dẫn.
Điểm gỡ gạc ở Zenfone Go 4.5 Plus là khi so với một số mẫu Android cùng tầm tiền của Samsung như Galaxy J1, Core Prime hay một vài model thương hiệu Việt, màn hình có cảm biến tự động điều chỉnh độ sáng cũng như cảm ứng khá chính xác. Nó cho phép nhận diện tối đa 10 điểm chạm cùng lúc, thay vì chỉ 5 hay 2 điểm như một số mẫu Android phổ thông giá rẻ.
Mở hộp Asus Zenfone Go 4.5 Plus
Hiệu năng và thời lượng pin
Zenfone Go 4.5 Plus sở hữu cấu hình khá so với giá. Model Plus vẫn được Asus nâng bộ nhớ trong lên 16GB mà chỉ có 8GB. Dù vậy, bộ nhớ có thể mở rộng bằng thẻ với dung lượng tối đa lên tới 128GB. Máy có vi xử lý cho hiệu năng vừa đủ để chơi các game như Clash Royale, Clash of Clan nhưng quá sức với các game 3D như Asphalt 8. Các phần mềm đánh giá cho thấy hiệu năng tổng thể lẫn khả năng xử lý của CPU Qualcomm MSM8212 lõi tứ 1GHz còn thua nhiều model dùng chip MediaTek cùng tầm tiền.
Lợi thế của Asus Zenfone Go 4.5 Plus nằm ở phần mềm. Không chỉ chạy hệ điều hành Android 5.1 Lollipop, sản phẩm còn kế thừa hàng loạt các tính năng, tiện tích trên giao diện Zen UI từ dòng Zenfone 2 đắt tiền hơn.
Trong khi các nhà sản xuất khác thường lược bỏ nhiều tính năng ở các dòng Android phổ thông dưới 3 triệu đồng, Asus không làm vậy. Zenfone Go 4.5 Plus là mẫu smartphone Android hiếm hoi mà mở hộp là dùng luôn, không cần phải cài thêm nhiều phần mềm mới từ Google Play mà vẫn đủ để làm việc, kết nối Internet hay xem phim, nghe nhạc...
Các bước hỗ trợ cài đặt những phần mềm thông dụng ngay từ màn hình khởi động lần đầu khá thân thiện, dễ dùng với người mới sử dụng smartphone và có nhiều ứng dụng dành cho thị trường Việt. Máy cũng có các công cụ để tối ưu hiệu năng, tiết kiệm pin, tinh chỉnh lại hiệu ứng âm thanh, hay cả phần mềm thư viện ảnh riêng do Asus tự phát triển.
Tuy nhiên, việc ôm đồm nhiều tiện ích và tuỳ biến lại phần mềm trong khi chỉ có RAM 1GB khiến cho hiệu năng của Zenfone Go 4.5 Plus bị giảm. Thao tác vuốt, trượt trên giao diện ứng dụng, lướt web, Facebook vẫn khá mượt và ít giật, nhưng khi dùng lâu hay mở nhiều ứng dụng, máy có thể gặp tình trạng treo và văng ra khỏi phần mềm. Dung lượng RAM hầu như luôn nằm ở mức 60% đến 70% và chỉ còn trống lại khoảng 300MB.
Pin cũng là điểm yếu đáng tiếc trên Zenfone Go 4.5 Plus khi thử nghiệm bằng PC Mark cho kết quả đạt có 4 giờ 43 phút hoạt động liên tục, thấp hơn khoảng 45 phút đến 1 giờ (khoảng 20%) so với nhiều mẫu cùng tầm. Pin dung lượng 2.070 mAh khó thể hoạt động được trọn vẹn một ngày dùng. Giống như RAM, pin đã phải hoạt động nhiều hơn khi Asus tích hợp nhiều tiện ích phần mềm. Ngay cả khi kích hoạt phần mềm tiết kiệm pin, thời lượng pin không kéo dài thêm nhiều hơn.
Camera
Tính năng và phần mềm tạo ra giá trị sử dụng cho sản phẩm chứ không phải thông số. Vì thực tế, Zenfone Go 4.5 Plus cũng có camera chính 8 megapixel và camera trước 2 megapixel như phần lớn các mẫu Android tầm 2 đến 3 triệu đồng hiện giờ. Nhưng hơn các đối thủ khác về tính năng.
Asus gần như bê toàn bộ tính năng chụp trên dòng Zenfone 2 xuống Zenfone Go 4.5 Plus. Chỉ có hạn chế về phần cứng khiến cho sản phẩm không có chế độ chụp chỉnh tay Manual hay khả năng quay video Full HD, nhưng vẫn còn nhiều tính năng chụp hình mà smartphone Android phổ thông khác không có, như chế độ chụp thiếu sáng, giả lập hiệu ứng xoá phông nền cho ảnh hay quay video chuyển động chậm Slow Motion và tua nhanh.
Chất lượng ảnh chụp từ Zenfone Go 4.5 Plus nhỉnh hơn một số đối thủ cùng tầm nhưng chưa thể được như những model tầm giá hơn 3 đến 4 triệu đồng. Camera chính cho tốc độ chụp và lấy nét khá nhanh, việc lấy nét cận cảnh không mất nhiều thời gian và cho ảnh có độ chi tiết tốt. Chế độ hoạt động HDR của Asus hoạt động khá hiệu quả khi chụp ngược sáng, ảnh vẫn giữ được nhiều chi tiết vùng tối, dù vẫn còn tạo ra hiện tượng viền tím ở vùng chênh sáng.
Khả năng selfie cũng là ưu điểm trong tầm tiền khi Asus mang đến cho Zenfone Go 4.5 Plus những tính năng đang có trên model Zenfone Selfie. Chế độ làm đẹp chân dung cho phép tạo hiệu ứng từ nước da, mắt cho tới khuôn mặt với 10 cấp độ. Ngoài chế độ selfie với góc độ tiêu chuẩn, người dùng có thể dùng chế độ chụp nhiều người với góc chụp rộng thêm gấp ba.
Với thiết kế gọn, nhiều màu sắc, được đầu tư vào phần mềm và tính năng camera phong phú, Go Plus là mẫu Zenfone phù hợp với người dùng trẻ, đủ dùng với người mới chuyển sang smartphone. Hạn chế đáng cân nhắc ở sản phẩm là thời lượng dùng pin không lâu và màn hình nhỏ.
Zenfone Go 4.5 Plus được FPT Trading phân phối chính hãng với giá 2.390.000 đồng. Ngoài ra, sản phẩm cũng còn một phiên bản rút gọn khác với giá 1.990.000 đồng, nhưng camera chính giảm xuống còn 5 megapixel.
So sánh thông số với smartphone Android cùng tầm tiền: