![]() |
Ảo thuật gia Nguyễn Đức Trường. |
- Vì sao ông đến với ảo thuật?
- Rất tình cờ. Năm 1954, tôi 10 tuổi, đang học ở trường tiểu học Cai Lậy, Tiền Giang, một hôm có đoàn Sơn Đông Mãi Võ ghé qua, biểu diễn những trò ảo thuật, quyền cước, nội công... Họ đã mê hoặc tôi. Tôi bèn bắt tay vào học hỏi, từ tấm lịch treo tường, một đoạn trúc ngắn, vài mảnh giấy bìa cứng... rồi mày mò chế tạo ra các đạo cụ ảo thuật đời đầu. Chiếc gậy trúc làm cây gậy ảo thuật, bìa cứng làm mũ, tờ lịch được dán thành thùng để diễn trò đổi tiền... bạn bè phục lăn trước những trò ảo thuật của tôi và đó cũng là những khán giả đầu tiên.
- Động lực nào khiến ông trở thành nhà ảo thuật chuyên nghiệp?
- Hết tiểu học, gia đình tôi chuyển lên Sài Gòn sinh sống. Khi đó, tôi nghĩ dường như giấc mơ trở thành nhà ảo thuật đại tài của mình đã lùi vào dĩ vãng, thế là tôi dồn hết tâm trí vào việc học để rồi một hôm, định mệnh đã mỉm cười với tôi khi tình cờ đọc được mẩu rao vặt trên một tờ báo: "Ảo thuật gia danh tiếng Nguyễn Thành Long mở lớp dạy, mười trò diễn với giá 800 đồng". Trong tôi bỗng rạo rực một niềm vui khó tả nhưng liền đó thì thất vọng ngay vì biết mình sẽ chẳng bao giờ có được số tiền to tát kia. May thay, các bạn bè của tôi cũng mê ảo thuật nên đã hùn tiền, giúp tôi có đủ học phí lên đường thọ giáo với điều kiện thành tài rồi về dạy lại. Đi học bằng những đồng tiền chắt chiu của bạn bè khiến tôi càng cố gắng học hỏi, không dám xao lãng. Sự miệt mài của tôi đã lọt vào mắt xanh của thày, ông dốc hết bí quyết trong nghề chân truyền lại. Rủi thay, lúc đó gia đình phát hiện ra, sợ tôi mê ảo thuật mà bỏ bê việc học nên cha tôi cấm. Vì thế, tôi phải ra sức vừa học văn hóa tốt, vừa học ảo thuật để làm hài lòng gia đình, bạn bè và thỏa mãn niềm đam mê của mình. Có nhiều đêm tắt đèn, chui vào mùng luyện xòe bài trong bóng tối đến khuya, tập đến độ 2 bàn tay rồi cánh tay sưng vù cùng hàng chục bộ bài nát nhừ như cháo. Tôi nghĩ, chỉ có lòng đam mê mới giúp con người vượt qua những thử thách đi đến thành công. Khi tôi đậu cử nhân Luật Sài Gòn cũng là lúc nghề biến hóa của tôi đã chín muồi, tôi quyết định rẽ ngang qua con đường nghệ thuật.
- Vì sao ông được gọi là Z.27 rồi "ông hoàng bồ câu"?
- Trong 24 chữ cái, theo tôi chữ Z có bố cục đẹp nhất về hình dáng cũng như tên gọi, nhất là dễ nhớ. Chẳng biết tôi có mê tín không chứ số 2 cộng với 7 là 9 nút. Con số 9 sẽ đem lại nhiều may mắn và nghệ danh Z.27 ra đời. Năm 1964-1965, tôi diễn với tư cách nghiệp dư, 3 năm sau tôi đăng quang tại cuộc thi ảo thuật toàn miền Nam với huy chương vàng duy nhất trong 23 nhà ảo thuật lừng danh qua tiết mục bồ câu. Có lẽ, biệt danh ông hoàng bồ câu ra đời từ đó.
- Để trở thành một ảo thuật gia, theo ông, cần có những điều kiện gì?
- Trước tiên, về ngoại hình, phải có một tầm vóc cân đối, sáng sân khấu, tiếp theo là phải có nét duyên dáng để không bị phô trong diễn xuất, kế đến, nghề phải thật tinh thông, nhuần nhuyễn ít nhiều mang tính bẩm sinh. Ngoài ra, phải có một trình độ văn hóa nhất định để tiếp thu những nét mới của ảo thuật thế giới qua sách báo, tài liệu, phim ảnh, sau cùng là phong thái biểu diễn tạo ấn tượng nơi người xem.
- Vì sao có thời gian dài ông "mai danh ẩn tích"?
- Năm 1985, sau khi dự Festival ở Liên Xô về, tôi bị mất gần hết đạo cụ. Buồn quá, tôi lui về ẩn dật tại một căn gác xép nhỏ trong xưởng sản xuất đồ chơi, đồ dùng học sinh do tôi tự thành lập. Vừa sản xuất tạo thu nhập, vừa có điều kiện theo nghề, bên cạnh đó, tôi còn dạy ảo thuật và cộng tác với một vài tờ báo. Nhiều lúc tôi định bỏ hẳn cái nghiệp này cho vợ con đỡ khổ, vậy mà không bỏ được. Ảo thuật là nỗi đam mê luôn đeo bám tôi quyết liệt.
- Ông nghĩ gì về con đường 50 năm đã qua của mình?
- Người làm ảo thuật cần nhất là bản lĩnh và sự trầm tĩnh, mà muốn đạt được thì phải thông qua luyện tập. Giờ đây, dù đã thành danh nhưng chưa một ngày nào tôi ngừng luyện tập. Ảo thuật không thể diễn chạy sô với mục đích kiếm sống, đối với tôi, đó là một thú vui, một sự cống hiến.
- Ông nghĩ gì khi ảo thuật ở nước ta ngày càng mai một?
- Ảo thuật nước ta chưa được xem trọng, người nghệ sĩ vì áo cơm phải chấp nhận diễn với thù lao rẻ mạt và đau xót nhất là chỉ để lấp khoảng trống trong khi chờ đợi một màn biểu diễn khác. Các tiết mục ảo thuật chưa thật ấn tượng, nhiều chương trình thực hiện còn dễ dãi, qua loa do nghệ sĩ chưa dồn hết tâm huyết cho nghề.
(Theo Gia Đình Xã Hội)