![]() |
Công nhân Yukos tại Siberia. |
Trưởng ban điều hành Yukos Stephen Theede cho rằng hành động của toà án là bất hợp lý. "Việc toà án đột nhiên bắt chúng tôi ngừng sản xuất là không hợp lý", ông Theede nói với các phóng viên ở Siberia. "Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài tuân thủ quyết định của toà án. Nhưng chúng tôi cần được giải thích rõ ràng".
Trong khi đó, giá dầu trên thị trường thế giới bắt đầu tăng. Dầu thô Brent ở London tăng đến 39,25 USD/thùng trong phiên giao dịch chiều nay - mức cao nhất trong 14 năm nay. Tại Mỹ, giá dầu lên tới 43,05 USD/thùng - cao hơn 60 cent so với kỷ lục hồi tháng 6.
Theo các hãng thông tấn, Bộ Tư pháp Nga đề nghị Yukos ngừng bán tài sản, trên thực tế là cấm bán dầu. Tập đoàn dầu mỏ cảnh báo lệnh của toà án sẽ làm 15.000 nhân công mất việc làm. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Nga bác bỏ lời lẽ trên. "Tôi chính thức tuyên bố công ty sẽ không gặp vấn đề gì, kể cả trả lương, do tài khoản bị đóng băng", Bộ trưởng Tư pháp Yury Chaika khẳng định.
Trong khi đó, lệnh cấm dường như không ảnh hưởng đến các thoả thuận vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu ra khỏi Biển Baltic và Biển Đen. "Chúng tôi chưa nhận được thông báo huỷ bỏ hay những gì tương tự như vậy . Chúng tôi vẫn hoạt động kinh doanh như bình thường", đại diện một hãng vận tải cho biết. "Tuy nhiên, việc dàn xếp các thoả thuận trong tương lai có thể sẽ khác".
Mỗi ngày, Yukos bán 1,7 triệu thùng dầu - tương đương 20% sản lượng dầu của Nga. Giới phân tích nhận định, một khi không được bán nữa, tập đoàn dầu mỏ sẽ nhanh chóng đi tới chân tường. "Yukos không còn nhiều thời gian, vì tất cả những dòng tiền họ thu được sẽ không còn", Stephen O'Sullivan, nhà phân tích tại hãng môi giới UFG, cho biết.
Tập đoàn dầu mỏ cho biết không thể trả khoản thuế 3,4 tỷ USD của năm 2000 vì tất cả các tài khoản và tài sản đã bị toà án phong toả. Cựu giám đốc điều hành Mikhail Khodorkovsky thì đang bị xét xử vì tội gian lận và trốn thuế.
Nguyễn Hạnh (theo BBC)