"Chúng tôi mắc nhiều lỗi trong hiệp một", trung vệ Maya Yoshida nói sau chiến thắng 1-0 trước Việt Nam. "Bản thân tôi cũng mắc vài lỗi nhỏ, khi không theo được diễn biến trận đấu. Vào đến tứ kết, đội nào cũng khó nhằn. Nhưng trong hiệp hai, chúng tôi đã triển khai bóng nhịp nhàng hơn và may mắn hưởng phạt đền nhờ VAR".
Yoshida ám chỉ tình huống Bùi Tiến Dũng phạm lỗi với Ritsu Doan trong cấm địa phút 57. Trọng tài chính Mohamed Abdulla Hassan ban đầu bỏ qua tình huống, nhưng sau đó nhận thông báo từ tổ VAR. Ông đã đến xem lại các pha quay chậm và thổi phạt đền cho Nhật Bản. Ritsu sau đó ghi bàn duy nhất trận đấu, dù Đặng Văn Lâm đã đoán đúng hướng sút.
Trong hiệp một, Yoshida từng một lần đưa được bóng vào lưới Việt Nam nhưng bị VAR khước từ bàn thắng vì lỗi chạm tay. "Tôi biết VAR sẽ được áp dụng từ tứ kết Asian Cup. Trong tình huống đó, bóng chạm tay tôi bất ngờ và không thể tránh được. Nhưng đây là quyết định công bằng, bởi VAR đã trợ giúp chúng tôi trong hiệp hai", Yoshida nói thêm. "Trận đấu này quả là khó khăn. Để chiến thắng, chúng tôi đã phải đẩy nhanh nhịp độ và tăng cường uy hiếp cấm địa đối phương. Giờ thì chúng tôi sẽ nghỉ ngơi và chuẩn bị cho bán kết".
VAR là viết tắt của Video Assistant Referee (trọng tài video). Hệ thống này gồm một phòng điều khiển với các trọng tài ngồi bên trong để quan sát hình ảnh từ nhiều máy quay. Nhờ vậy, họ có đủ góc độ để đánh giá tình huống trên sân, và có thể liên hệ trực tiếp với trọng tài chính qua micro kết nối bằng sóng radio. Nếu cảm thấy cần thiết, trọng tài chính sẽ yêu cầu xem VAR - thông qua một buồng riêng ở ngoài đường biên. Ông vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Tổ VAR trận này gồm tổ trưởng Christopher Beath (Australia) cùng hai trợ lý Mohamed Taqi (Singapore) và Valeri (Italy).
Xuân Bình