Là bệnh nhân có mặt sớm nhất sáng 22/12, bà Tư 54 tuổi, nhanh chóng chọn vị trí tập đầu hàng. Sau 8 buổi tập yoga tại đây, bà dần thực hiện các động tác giãn cơ, vặn người một cách thành thạo. Vừa đặt người xuống thảm để khởi động, bà Tư nhiều lần hỏi điều dưỡng: "Cô giáo dạy yoga đến chưa?"
Đúng 6h, lớp học yoga bắt đầu với hai huấn luyện viên chia nhau giảng dạy. Một cô giáo thực hiện các động tác mẫu và người còn lại chỉnh sửa tư thế cho bệnh nhân xung quanh. Đây là các huấn luyện viên được khoa Ung bướu mời giảng dạy với tinh thần thiện nguyện.
Lớp yoga được tổ chức vào 6h các ngày thứ hai, thứ ba và thứ năm hàng tuần. Mỗi buổi học diễn ra trong một tiếng, thường 20-30 người mỗi buổi. Lượng người tập không cố định, dựa vào số bệnh nhân nội trú tại bệnh viện và tình trạng sức khỏe của mỗi người.
Điều trị tại bệnh viện từ tháng 8, bà Kiều Tuyết (58 tuổi, ngụ Đồng Nai) mắc ung thư buồng trứng giai đoạn ba. Cơ thể không đáp ứng thuốc khiến bà thường xuyên đau đớn, mất ngủ. Ngoài việc tuân thủ điều trị, bà cho biết mình luôn cố gắng đi bộ, tập yoga tại nhà và kết hợp chế độ dinh dưỡng để khỏe hơn.
Cách 20 ngày, bà Tuyết vào bệnh viện kiểm tra một lần. Mỗi lần nằm lại viện, nếu có lớp yoga bà đều tham gia tập. "Nằm nhiều cơ thể lại mệt hơn, tôi ráng vận động cho khỏe để máu huyết được lưu thông đều", bà Tuyết nói.
Tương tự, bà Ngọc Loan (44 tuổi, ngụ Gia Lai) cho biết đây là lần đầu tiên tham gia lớp yoga tại bệnh viện. Sau buổi tập, dù chưa quen vận động và bị nhức mỏi nhưng theo bà, thường xuyên tập yoga sẽ giúp cơ thể khỏe hơn.
"Ở nhà tôi cũng muốn tập yoga nhưng chỉ có một mình nên lười. Tập ở bệnh viện đông vui, có cô giáo hướng dẫn động tác rõ ràng", bà Loan nói. Mắc bệnh ung thư buồng trứng, các con đi làm xa nên với bà, những hoạt động như yoga tại bệnh viện đã tiếp thêm niềm vui, tinh thần.
Chị Hương Lan, huấn luyện viên yoga cho biết để thích hợp với người bệnh, đa số là người lớn tuổi và chưa từng tập luyện, chị tập trung hướng dẫn những động tác đơn giản như khởi động cổ, vai, gáy và chân tay. Đây là những tư thế tác động đến hệ cơ và xương, giúp cơ thể được làm nóng, mềm mại hơn.
Với học viên có thể trạng yếu, không theo kịp buổi tập, chị Lan hướng dẫn những động tác riêng ở mức độ nhẹ. "Mục đích của yoga là khiến tinh thần vui vẻ, lạc quan hơn, tôi tin đây là liều thuốc quan trọng giúp bệnh nhân chữa bệnh", chị Lan nói.
Bác sĩ Bùi Thị Hồng Nhu, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Từ Dũ cho biết lớp yoga được khoa Ung bướu phụ khoa và Hội Chữ thập đỏ phối hợp tổ chức, nhằm giúp bệnh nhân làm quen và duy trì thói quen vận động. Dù còn hạn chế về không gian tập nhưng với sự giúp đỡ của các giáo viên và nhân viên y tế, lớp học đã được duy trì từ tháng 9 đến nay.
Theo bác sĩ Nhu, sức khỏe của người bệnh dựa vào yếu tố y học và tinh thần, do đó bệnh viện luôn tác động đến nhiều khía cạnh để có kết quả điều trị tốt. "Đa phần các bệnh nhân chỉ mới được làm quen với yoga, nếu duy trì tập luyện trong thời gian dài thì hiệu quả sẽ càng cao", bác sĩ Nhu nói.
Bác sĩ Nguyễn Duy Trì, Phó trưởng khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết tập yoga giúp người bệnh thải độc cơ thể, tăng cường trao đổi chất, lưu thông máu và đào thải các chất độc trong cơ thể. Theo ông, so với tập gym hay chạy bộ vốn có cường độ cao, bộ môn yoga nhẹ nhàng hơn, giúp người bệnh loại bỏ những căng thẳng, lo âu trong quá trình điều trị.
"Bệnh nhân ung thư nếu kiên trì tập yoga sẽ rất tốt cho cơ thể. Việc chăm chỉ luyện tập, giữ tinh thần tích cực và tuân theo phác đồ có thể chiếm 50% thành công của điều trị", bác sĩ Trì nói.
Hải Hà