Theo US News, Australia là quốc gia đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng 5 quốc gia hàng đầu về chất lượng giáo dục trong năm 2021, gồm Canada, Nhật Bản, Đức, Thụy Sĩ và Australia. Kết quả này dựa trên khảo sát toàn cầu, với các tiêu chí: hệ thống giáo dục công phát triển, lượng sinh viên quốc tế theo học đại học, nền giáo dục chất lượng hàng đầu.
Là một trong những trường đại học tên tuổi tại Australia, Đại học Công nghệ Sydney (UTS) được nhiều du học sinh Việt Nam theo học. Thống kê của trường cho thấy, số lượng sinh viên Việt Nam chiếm khoảng 3% trong tổng sinh viên quốc tế của trường. UTS còn đứng thứ 11 trong QS Top 50 Under 50 2021 - bảng xếp hạng các trường chất lượng thời gian thành lập dưới 50 năm.
Tính ứng dụng cao của ngành học
Mai Thảo Trinh (21 tuổi, quê Đà Nẵng), sinh viên hệ liên thông cử nhân ngành Kỹ thuật, là một trong số nhiều sinh viên Việt Nam theo học ngành điện tại Đại học Công nghệ Sydney. Mới đây, Thảo Trinh đã tốt nghiệp hạng xuất sắc chứng chỉ Cao đẳng Kỹ thuật UTS. Thảo Trinh cho biết, ngành điện thu hút cô vì khả năng ứng dụng thực tế các kiến thức vật lý vào đời sống.
"Tôi muốn tạo ra nhiều năng lượng tái tạo hơn, góp phần bảo vệ môi trường. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng truyền tải đang đòi hỏi một diện tích lớn, tôi hy vọng sẽ tìm ra giải pháp cho vấn đề này", Thảo Trinh chia sẻ về lý do theo đuổi ngành học không có nhiều sinh viên nữ lựa chọn này.
Theo đại diện UTS, để giúp thế hệ Z đáp ứng thách thức về môi trường, xã hội và kinh tế trong tương lai, trường cam kết nuôi dưỡng, tạo niềm tin cho người học về mục tiêu phụng sự xã hội. Trường hướng đến tính bền vững giáo dục thông qua sự hợp tác cộng đồng, nghiên cứu cùng ứng dụng hiệu quả công trình kiến trúc của trường vào dạy, học.

Sinh viên công nghệ thông tin của trường được trải nghiệm nhiều môn học thực hành, xây dựng ý tưởng và tư duy khởi nghiệp.
Nguyễn Hữu Khang, sinh viên ngành Công nghệ thông tin tại UTS, chia sẻ, chương trình đào tạo của trường giúp khơi gợi tư duy khởi nghiệp cho sinh viên. Khang kể, trong chương trình, có môn học yêu cầu thiết kế ứng dụng web cho một doanh nghiệp. Khang đã cùng thầy trợ giảng bắt đầu ý tưởng từ con số 0 và cứ nghĩ đó cũng chỉ là một bài tập trên lớp. Tuy nhiên, ý tưởng của Khang đã được một doanh nghiệp mua sử dụng, đem lại hiệu quả vận hành thực tế.
"Kết quả thực tế cùng môi trường học giúp tôi tự tin bản thân có thể tạo ra sự thay đổi cho nơi tôi đang sống", Hữu Khang cho hay.
Khuôn viên trường xây dựng bền vững
Bên cạnh chương trình, ngành nghề đào tạo, mô hình kiến trúc thì hướng đến phát triển bền vững cũng là yếu tố được nhiều du học sinh xem xét khi chọn trường đi du học. Để đáp ứng nhu cầu đó của người học, UTS chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường học không nhựa, dùng nước tái chế, năng lượng tái tạo, mái và tường bằng vật liệu xanh...
Đại diện UTS cho biết, sinh viên của trường được khuyến khích nắm bắt tính bền vững trong suốt hành trình theo học tại đây, thông qua các bài tập thực hành gắn liền với cơ sở vật chất được xây dựng theo mô hình phát triển bền vững.

Các tòa nhà của UTS đều có khu vườn trên mái, sử dụng vật liệu xây dựng xanh.
Danielle McCartney - Giám đốc phát triển bền vững của Đại học Công nghệ Sydney cho biết, trường đang xây dựng một khuôn viên bền vững, thông minh và năng động, các tòa nhà được trao giải thưởng thiết kế và công nghệ môi trường. Các tòa nhà nằm trong khuôn viên trường được chứng nhận Green Star - hệ thống đánh giá công trình xanh của Australia. Cây cối quanh trường cũng là loại cây chịu hạn, giảm thiểu sử dụng nước. Xe đạp được khuyến khích sử dụng hướng đến giao thông bền vững, bảo vệ môi trường.
Đóng góp cho các dự án cộng đồng
Giáo sư Bill Gladstone - Trưởng khoa Khoa học đời sống UTS cho biết, trường hướng đến phát triển các kỹ năng, giúp sinh viên đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, vì một tương lai bền vững. "Chúng tôi trang bị cho sinh viên khả năng tư duy phản biện, trở thành người giải quyết vấn đề và phát triển các giải pháp sáng tạo, bền vững ở cấp địa phương và toàn cầu", ông Bill Gladstone cho biết.

Sinh viên Việt Nam tại UTS trao đổi với người hướng dẫn.
Cụ thể, sinh viên theo học UTS có thể đóng góp vào các dự án sáng tạo cảnh quan đô thị xanh, quản lý rác thải thực phẩm, xây dựng quan hệ với người bản địa, phát triển thời trang bền vững... tại địa phương .
"Ban đầu tôi chọn UTS vì đây là trường đại học trẻ, có môi trường năng động, tư tưởng hiện đại, tập trung vào công nghệ và tư duy nghiên cứu nhân văn. Sau một quá trình học, UTS giúp tôi định hình lý tưởng trở thành công dân toàn cầu và hoạt động vì công bằng xã hội", Đoàn Ngọc Bảo Trâm, sinh viên ngành Kinh doanh tại UTS chia sẻ.
Bảo Trâm cũng đồng thời là một trong bốn sinh viên Việt Nam được nhận học bổng học thuật của UTS với thành tích học tập cao cùng những nỗ lực của bản thân trong suốt thời gian học. Đại diện UTS cho biết, trường đã xây dựng chương trình học bổng UTS 35th Anniversary Diploma to Degree Pathway mới, với 20% học phí, dành riêng cho sinh viên quốc tế và sinh viên Việt Nam.
UTS còn là trường đại học năng động, sáng tạo, lọt vào Top 50 Under 50 QS năm 2021, được xếp hạng 133 trên toàn cầu. "Chúng tôi ứng dụng mô hình học tập 'learning.futures', kết hợp giữa giáo trình nghiên cứu theo nhu cầu tương lai, công nghệ hiện đại và trải nghiệm lấy học sinh làm trung tâm, hướng đến trở thành trường đại học hàng đầu trong danh sách lựa chọn của du học sinh quốc tế", đại diện UTS cho biết.
Hà Thanh (Ảnh: UTS)