Covid-19 hai năm qua đã ảnh hưởng đến nền kinh tế - xã hội chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Song với Singapore, đây lại thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội để đảo quốc nắm bắt, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo cả trong lĩnh vực công nghệ lẫn đời sống kinh tế - xã hội.
Năm 2021 ghi dấu nhiều thành tựu nổi bật của đảo quốc sư tử khi lần thứ ba được vinh danh là thành phố thông minh nhất thế giới. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng liên tục đóng góp những giải pháp cải tiến về mặt công nghệ, là một trong những nước sớm mở cửa lại biên giới, hồi phục kinh tế...
Thành phố thông minh nhất thế giới
Bảng xếp hạng chỉ số thành phố thông minh Smart City Index 2021 có sự góp mặt của 118 thành phố trên toàn thế giới. Định nghĩa thành phố thông minh dùng để chỉ các đô thị ứng dụng công nghệ nhằm tăng cường lợi ích và giảm bớt nhược điểm của quá trình đô thị hóa. Chỉ số thành phố thông minh được đánh giá dựa trên ý kiến của cư dân các thành phố về cách công nghệ đã cải thiện cuộc sống của họ như thế nào.
Vượt mặt 17 đối thủ, Singapore tiếp tục được vinh danh thành phố thông minh nhất thế giới với hàng loạt thành tựu ứng dụng công nghệ hiện đại. Những ứng viên "nặng ký" khác trong danh sách, vươn lên top đầu trong năm nay gồm có Zurich (Thụy Sỹ), Oslo (Na Uy), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc)...
Tiến sĩ Bruno Lanvin, Chủ tịch Ban giám sát thành phố thông minh IMD cho biết Singapore được đánh giá cao nhờ các chính sách áp dụng cho cả cấp thành phố lẫn quốc gia. Trong đó, các dịch vụ chính phủ điện tử, giáo dục và chiến lược đô thị hóa của đảo quốc luôn lấy con người làm trọng tâm.
Theo nhóm nghiên cứu chỉ số thành phố thông minh năm nay, kết quả khảo sát cho thấy mối quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới là khả năng tiếp cận nhà ở với giá cả phải chăng. Với tác động từ Covid-19, chất lượng không khí và dịch vụ y tế tốt hơn đã dần trở thành ưu tiên hàng đầu tại các thành phố lớn.
Thành phố giữa thiên nhiên
"Thành phố giữa thiên nhiên" đã trở thành định hướng chung của đảo quốc sư tử trong những năm gần đây. Chính phủ Singapore kỳ vọng định hướng này sẽ giúp tạo nên sự cân bằng, hòa hợp với môi trường thiên nhiên song song với phát triển cơ sở hạ tầng theo chủ trương bền vững.
Singapore cũng là quốc gia châu Á đầu tiên áp dụng đánh thuế carbon. Trong thời gian tới, nước này dự kiến nâng mức thuế kết hợp đánh giá thường xuyên 5 năm một lần, hướng tới mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 càng sớm càng tốt.
Về định nghĩa "thành phố trong vườn", Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng công bố vào năm 1967 rằng đảo quốc sẽ triển khai một kế hoạch biến Singapore thành "thành phố trong vườn với hoa và cây xanh, không rác thải, ngăn nắp, trật tự nhất có thể".
Kế hoạch gồm hai giai đoạn, đánh dấu khởi đầu của quá trình chuyển đổi cho Singapore, từ một thành phố ô nhiễm cao trở thành một trong những hình mẫu đô thị hiện đại "xanh bền vững" trên thế giới. Lượng cây xanh được trồng mới trong 40 năm (1974-2014) tăng từ khoảng 158.600 cây lên 1,4 triệu cây.
Đầu tháng 2/2021, Singapore tiếp tục công bố Kế hoạch Xanh 2030 (Green Plan 2030). Bản kết hoạch do 5 bộ của Singapore xây dựng với 5 chương trình trọng điểm, gồm: thành phố trong vườn, năng lượng xanh, kinh tế xanh, tương lai kiên cường và cuộc sống bền vững. "Kế hoạch xanh 2030" góp phần củng cố các cam kết của Singapore theo "Chương trình nghị sự 2030" về phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc và Thỏa thuận Paris, hướng tới nền kinh tế không phát thải.
Đến nay, đảo quốc sư tử đã và đang triển khai hàng loạt dự án hướng tới mục tiêu phủ xanh toàn thành phố mà mở đầu là những điểm đến nổi bật, thu hút nhiều du khách quốc tế. Đơn cử như Gardens by the Bay, nơi sở hữu các công trình biểu tượng hướng đến thiên nhiên và phát triển bền vững như Flower Dome, Cloud Forest và Supertrees. Với Sentosa, chính phủ đã lên sẵn loạt kế hoạch biến hòn đảo này thành điểm đến trung hòa carbon trước năm 2030.
Singapore - Trung tâm tài chính khu vực
Đảo quốc sư tử thường xuyên lọt top các quốc gia là điểm đến toàn cầu cho các doanh nghiệp đầu tư xuyên quốc gia. Không chỉ là trung tâm toàn cầu về đổi mới, Singapore còn kiến tạo hệ sinh thái sôi động với các phòng thí nghiệm R&D toàn cầu. Hệ sinh thái cho phép các công ty hàng đầu trong danh sách Fortune 500, hơn 150 quỹ đầu tư mạo hiểm, vườn ươm và công ty startup đến khởi nghiệp và phát triển kinh doanh.
Nền tảng công nghệ hiện đại sáng tạo cũng là lợi thế giúp Singapore trở thành điểm sáng của lĩnh vực này tại châu Á. Theo báo cáo "Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu" (GII) công bố năm 2020, Singapore tiếp tục đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương bảy năm liên tiếp, đồng thời duy trì vị trí thứ 8 toàn cầu.
Tính trên từng lĩnh vực, Singapore dẫn đầu danh sách về chỉ số yếu tố đầu vào đổi mới. Số liệu được đo bằng các chỉ số như chất lượng nguồn nhân lực và nghiên cứu, sự ổn định chính trị và sự phức tạp của thị trường...
Tiên phong định hướng tổ chức sự kiện MICE
Bên cạnh những số liệu ấn tượng trên, năm 2021 còn đánh dấu chuỗi thành tự nổi trội khi Singapore là một trong những nước tiên phong tổ chức thành công sự kiện MICE theo hình thức hybrid bất kể đại dịch với các chương trình nổi bật như Singapore MICE Forum x IBTM Wired, Joint Leadership Summit, WiT Experience Singapore...
Với vị thế thuận lợi, là một trong những trung tâm kinh tế - tài chính nổi trội tại Đông Nam Á, Singapore đã khéo léo đưa ra chiến lược phù hợp. Đảo quốc tận dụng tốt các yếu tố lợi thế từ cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ khách sạn - nhà hàng đạt chuẩn quốc tế cùng các hoạt động giải trí sôi nổi về đêm. Singapore hiện không chỉ là một trong những địa điểm nổi bật, thu hút đa dạng tầng lớp khách quốc tế đến du lịch, làm việc và tổ chức các sự kiện quy mô lớn xuyên quốc gia.
Singapore liên tục nghiên cứu để tìm ra các phương án tổ chức sự kiện an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Để hỗ trợ các sự kiện hybrid, nước này đã trang bị thêm các công nghệ thiết lập không gian ảnh ba chiều, hỗ trợ phát sóng trực tiếp chất lượng cao nhằm tăng sự sống động. Theo ước tính, vào năm 2023, ngành MICE tại Singapore dự kiến phục hồi như mức trước đại dịch.
Với hàng loạt thành tựu ở đa dạng lĩnh vực, ngành nghề, Singapore đã ngày càng củng cố vị thế là một trong những điểm đến toàn cầu về kinh doanh - du lịch hàng đầu châu Á ngay cả trong thời dịch lẫn hậu Covid-19. Với các chỉ số phục hồi khả quan cùng động thái thận trọng mở cửa biên giới, "hồi sinh" du lịch - dịch vụ, Chính phủ Singapore kỳ vọng nước này có thể tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp đa lĩnh vực toàn cầu.
Thy An