Đó là nhận định của bà Nguyễn Quỳnh Chi, Trưởng phòng Phát triển chương trình FUNiX và Giảng viên Công nghệ thông tin (CNTT), Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trong khuôn khổ Hội thảo khoa học Giáo dục phổ thông môn Tin học do Hệ thống Giáo dục Hocmai cùng Đại học FUNiX tổ chức.
Giáo dục Tin học phổ thông thiếu hiệu quả
"Giảng dạy Tin học trong trường phổ thông có từ lâu, các trường nỗ lực để đáp ứng được nhu cầu giảng dạy về giáo viên, cơ sở vật chất, cập nhật với trình độ tin học của thế giới. Tuy nhiên, việc giảng dạy vẫn còn nhiều hạn chế do đặc thù của môn học", bà Nguyễn Quỳnh Chi nhận định.
Dù tin học đưa vào chương trình giáo dục phổ thông từ nhiều năm nay nhưng còn nhiều hạn chế như: học sinh không học theo kiểu truyền thống mà sử dụng máy tính thực hành nên chưa quen, chương trình thay đổi nhanh nên việc cập nhật chương trình liên tục và đào tạo giáo viên đáp ứng được chuyên môn gặp nhiều khó khăn; môi trường thực hành, môn mới nên nhà trường chưa có nhiều kinh nghiệm...
Bà Nguyễn Quỳnh Chi cho rằng, để giải quyết thực trạng các chuyên gia, người có thẩm quyền cùng nghiên cứu giải quyết để đưa ra các giải pháp giảng dạy phù hợp trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học 4.0, diễn biến sôi động trên toàn cầu. Chương trình môn Tin học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vào năm 2018 cho thấy động thái, quyết tâm thay đổi điều này.
Theo đó, chương trình phân theo 2 định hướng: Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính ở bậc THPT, chú trọng vào tư duy thuật toán, lập trình cùng kỹ năng thực hành, trải nghiệm sáng tạo, ứng dụng giải quyết vấn đề thực tế.
Thông qua chương trình Tin học gồm 5 thành phần, 3 mạch kiến thức, 7 chủ đề nội dung sắp tới kỳ vọng sẽ trang bị cho học sinh kỹ năng, tư duy để bắt kịp với nhịp độ phát triển của kỷ nguyên số.
XiSo - chương trình học công nghệ thông tin trực tuyến
Bà Nguyễn Quỳnh Chi cho rằng, giáo dục trực tuyến hợp với thời đại số hiện nay, con người có thể trao đổi với nhau thông qua mạng Internet mọi nơi, mọi lúc, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí. Bà đánh giá, khả năng tự học của học sinh, sinh viên bị thiếu hụt. Cùng với đó, chương trình đào tạo có phần thiếu gắn với thực tế với doanh nghiệp trong nước, chưa cập nhật nhu cầu thực tế, thiếu kỹ năng làm việc, tự phát triển bản thân.
"Bạn trẻ muốn thành công, nhất là khi theo học CNTT thì cần tinh thần sẵn sàng học hỏi và một tư duy logic tốt, chương trình theo học tốt đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng, được cọ xát với làm việc thực tế", bà Quỳnh Chi chia sẻ thêm.
XiSo - Chương trình theo hình thức học trực tuyến. "XiSo mang lại cho các em độ tuổi từ lớp 6-12 cơ hội tiếp xúc, học tập lập trình sớm, trang bị kỹ năng, tư duy để có thể đi làm sớm ngay sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ các em học môn Tin học trong Chương trình giáo dục phổ thông được triển khai trong thời gian tới", ông Phạm Giang Linh, Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục Hocmai, người đồng sáng lập XiSo cho biết.
Chương trình XiSo chia thành 6 cấp độ phân theo màu sắc (được gọi là đai), cấp độ tăng dần từ: trắng, vàng, xanh lá cây, xanh da trời, đỏ, đen. Kết thúc mỗi đai, học sinh thi lên đai, có chứng nhận để khuyến khích, liên tục thúc đẩy các em học tập. Ở từng cấp độ của chương trình XiSo, các em sẽ có khả năng thực hiện những công việc tương ứng với trình độ. Sau khi hoàn thành 6 đai, người học có thể trở thành lập trình viên, đi làm hoặc tiếp tục theo đuổi các chương trình cao hơn.
Lê Nguyễn