Triển khai tại TP HCM từ năm 2014 đến nay, chương trình tiếng Anh tích hợp (TATH) nhận nhiều phản hồi tích cực về chất lượng, hiệu quả. Học sinh tham gia chương trình tiến bộ về năng lực ngoại ngữ trong giao tiếp, sử dụng cho các mục đích học tập.
Dù nhận sự quan tâm lớn, tuy nhiên có thể nhiều phụ huynh vẫn chưa biết học sinh cần đáp ứng những điều kiện đầu vào nào để tham gia chương trình TATH. Sau khi hoàn thành chương trình các em sẽ đáp ứng các chuẩn đầu ra của Việt Nam và quốc tế ra sao. Dưới đây là những thông tin cụ thể.
Điều kiện đầu vào của chương trình tiếng Anh tích hợp
Chương trình triển khai ở ba cấp phổ thông: Tiểu học, THCS và THPT. Khi tham gia, học sinh học các bộ môn Toán, Khoa học và Tiếng Anh bằng tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Việc này giúp nâng cao năng lực ngoại ngữ, xây dựng phản xạ tiếng Anh tự nhiên, biến ngoại ngữ trở thành một công cụ học tập đắc lực. Để đáp ứng mục tiêu này, học sinh cần đảm bảo một số điều kiện đầu vào nhất định.
Các điều kiện đầu vào chương trình TATH bao gồm: Đối với học sinh bắt đầu tham gia chương trình ở cấp tiểu học (lớp 1) không cần tham gia khảo sát đầu vào.
Học sinh bắt đầu tham gia chương trình ở cấp THCS (lớp 6) cần hoàn thành chương trình TATH cấp tiểu học hoặc đáp ứng một trong yêu cầu về năng lực ngoại ngữ sau đây: Theo hệ thống Pearson English: học sinh cần có chứng chỉ PTE cấp độ Quickmarch (Pass - số sao tối thiểu 3/5 sao); theo hệ thống Cambridge English: học sinh cần có chứng chỉ Flyer (số khiên tối thiểu 12/15 khiên); theo hệ thống ETS: học sinh cần có chứng chỉ TOEFL Primary bậc 2 với số huy hiệu tối thiểu là 3/4 huy hiệu (TOEFL Primary, Step 2, 3 badges); học sinh cần được đánh giá đạt bài khảo sát năng lực tiếng Anh đầu vào của chương trình (Placement test).
Học sinh bắt đầu tham gia chương trình ở cấp THPT (đầu lớp 10) cần đáp ứng một trong các yêu cầu sau đây: hoàn thành chương trình TATH cấp THCS, đăng ký 2 nguyện vọng chương trình TATH (nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2) được xét tuyển căn cứ vào điểm thi tuyển sinh vào lớp 10, điểm trung bình của chương trình TATH cấp THCS. Học sinh không tham gia chương trình TATH cấp THCS phải tốt nghiệp THCS từ loại Khá trở lên, tham gia dự tuyển lớp 10 THPT tại T PHCM và dự thi môn Tiếng Anh Tích hợp, đăng ký 2 nguyện vọng chương trình TATH (nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2). Các thí sinh xét tuyển tuyển vào chương trình TATH dựa trên tổng điểm của 4 môn Ngữ văn, Ngoại ngữ, Toán và tiếng Anh Tích hợp.
Ngoài ra, học sinh có mong muốn bắt đầu tham gia chương trình vào giữa cấp học (ví dụ đầu lớp 2, lớp 3...) cần thực hiện bài kiểm tra đánh giá năng lực đầu vào của EMG Education (đơn vị triển khai chương trình TATH). Bài kiểm tra này đánh giá năng lực ngoại ngữ, kiến thức bằng tiếng Anh, năng lực các môn học trong chương trình TATH nhằm đảm bảo có thể theo kịp tiến độ giảng dạy trong những năm còn lại của cấp học, thi lấy chứng chỉ năng lực quốc tế khi kết thúc cấp học.
Tiêu chuẩn đầu ra của chương trình
Khi tham gia chương trình TATH, học sinh sẽ được đảm bảo các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng đầu ra khung chương trình quốc gia và chuẩn quốc tế. Tiêu chuẩn đầu ra xây dựng dựa trên chuẩn năng lực phổ thông của một trong những hội đồng khảo thí ở Anh - Pearson Edexcel. Do tích hợp, học sinh đạt được tổng hoà các kiến thức, kỹ năng của cả hai khung chương trình.
Các em sau khi hoàn thành mỗi cấp học có cơ hội thi để lấy chứng chỉ năng lực phổ thông của cả hai chương trình. Học sinh được đánh giá tốt nghiệp theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài ra, học sinh có cơ hội dự thi để lấy các chứng chỉ quốc tế tương ứng cho mỗi cấp học: chứng chỉ Pearson Edexcel iPrimary khi kết thúc cấp tiểu học, chứng chỉ Pearson Edexcel iLowerSecondary khi hoàn thành cấp THCS và chứng chỉ quốc tế Pearson Edexcel IGCSE khi kết thúc cấp THPT. Các chứng chỉ thuộc bộ chứng chỉ năng lực phổ thông quốc tế của Tập đoàn Giáo dục Pearson.
Bên cạnh đó, cuối cấp THPT, học sinh của chương trình TATH có thể tham dự kỳ thi ACT - kỳ thi đầu vào đại học phổ biến nhất của Mỹ. Chuẩn năng lực tuyển sinh đại học ACT được công nhận bởi toàn bộ 100% các trường đại học tại Mỹ như Harvard, Yale, MIT,... các đại học danh tiếng khác trên thế giới như: Đại học Oxford, Đại học London, Đại học Manchester (Anh), Đại học Monash, Đại học Sydney, Đại học RMIT (Úc), Đại học McGill, Đại học Toronto, Đại học Victoria (Canada), Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Quản lý Singapore, Đại học Yale-NUS (Singapore)...
Tại Việt Nam, học sinh có chứng chỉ ACT được ưu tiên xét tuyển vào các trường: Đại học Quốc gia Hà Nội (bao gồm 7 trường thành viên), Học viện Tài chính, Đại học Thương mại, Đại học Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Dược Hà Nội, Khoa Y- Đại học Quốc Gia TP HCM, Đại học Quốc tế, Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Bách Khoa, Đại học Kinh tế -Luật thuộc Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Ngoại thương - cơ sở 2, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Công Nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn... Ngoài ra, trong quá trình theo học chương trình TATH, học sinh có thể đăng ký dự thi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thông dụng như PTE Academic, PTE General, PTE Young Learners...
Năm 2020-2021 vừa qua, tất cả 100% học sinh TATH đăng ký xét điểm lấy chứng chỉ quốc tế Pearson Edexcel IGCSE (cấp THPT) đều có kết quả Đạt cho tất cả các môn Tiếng Anh, Toán và Khoa học và lấy chứng chỉ quốc tế. Năm học 2017-2018 và 2018-2019, có những học sinh của chương trình đạt kết quả tốt trên toàn quốc, toàn khu vực, thế giới.
Chương trình THAT được thiết kế và có những phương pháp giảng dạy tiên tiến của giáo viên nước ngoài. Học sinh học những phương pháp giáo dục tiên tiến như CLIL, phương pháp giảng dạy phân loại học sinh theo trình độ, phong cách học tập; phương pháp phân tầng kiến thức (scaffolding), kết hợp giữa học tập theo vấn đề (problem-based learning), học tập theo dự án (project-based learning), học tập theo nhóm (collaborative learning) và học gợi mở, kích thích tư duy (enquiry-based learning),... Mô hình giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm (student-centered learning), phương pháp phát triển kỹ năng tư duy cấp độ cao (higher order thinking skills), phương pháp giảng dạy tương tác (interactive teaching), cách tiếp cận kiến thức tích hợp liên môn (interdisciplinary cross-curricular approach). Ngoài ra, công nghệ thông tin (ICT) trong giảng dạy được áp dụng xuyên suốt quá trình học tập, giúp nâng cao hiệu quả.
Chương trình TATH yêu cầu học sinh cần có một nền tảng ngoại ngữ tốt, khả năng học các môn học như Toán và Khoa học bằng tiếng Anh. Do đó, những học sinh bắt đầu tham gia giữa cấp học có thể gặp những khó khăn nhất định để theo kịp nội dung bài học. Ngoài ra, trong các giờ học TATH, học sinh có cơ hội tham gia nhiều dạng hoạt động khác nhau: học tập độc lập, hoạt động làm việc nhóm, yêu cầu học sinh cần có sự tích cực tham gia trong giờ, thói quen học tập chủ động. Do đó, phụ huynh cần có sự quan tâm, khích lệ, đồng hành cùng con.
Lê Nguyễn