Hai mươi sáu lần đón Tết, ngày một lớn thêm gánh trên vai nhiều gánh nặng, nhưng Tết đến xuân về lòng nao nao như trẻ thơ. Tôi vẫn ao ước chiều hai tám Tết được cùng mẹ thảnh thơi ngắm chợ hoa xuân, mua cho mình chiếc bóng bay to đùng để được chìm đắm trong hương vị Tết quê nhà.
Ngày bé, mỗi năm một lần, sáng sớm ngày hai mươi chín Tết, lũ trẻ con được cha mẹ cho tiền đi chợ. Ở quê tôi, đó là ngày hội đông vui nhất, người người đi chợ, nhà nhà đi chợ. Chúng tôi gọi đó là chợ Tết thay vì chợ phiên như những ngày 29 Âm lịch hàng tháng. Ngày đó, những đứa trẻ như tôi được mua bất kỳ thứ gì mình thích, súng nước, đồ chơi... Những chiếc bóng bay sặc sỡ sắc màu, không nhiều hình thù dễ thương, đáng yêu như bây giờ. Ngày đó, bóng bay chỉ là những chiếc bóng hình con mèo đỏ chói, năm nào, cha cũng mua cho hai chị em hai cái bóng mèo ấy. Đến bây giờ, tôi không thể nào quên cảm giác ngồi sau yên xe, cẩn thận giữ trái bóng, lòng khấp khởi mừng thầm vì có cái để khoe với đám bạn.
Ngày bé, cha mẹ vật lộn mưu sinh nuôi sáu đứa con ăn học. Tết là chuỗi những ngày đong đếm, chắt chiu suốt cả năm ròng, để con cái xinh trong tà áo mới, để mọi người có cái Tết trọn vẹn, mẹ cha mệt nhoài với những lo toan ngày cuối năm mà chỉ khi lớn lên con mới hiểu.
Những ngày bé, cứ tưởng rằng mua một chiếc áo mới dễ lắm thay, gói thêm một chiếc bánh chưng có là gì. Chỉ là thêm một chút tiền, thêm một chút gạo và một chút lo lắng của những ngày cuối năm là cha mẹ đã có thể cho con thêm nhiều niềm vui ngày Tết. Nhưng tôi không biết rằng, cha mẹ còn có năm người con khác ngoài tôi, thêm một chút tiền để thêm sáu manh áo đẹp chắc hẳn mẹ đã phải vất vả rất nhiều.
Lớn lên một chút, dù không còn mong ngóng bộ quần áo mới, nhưng lòng vẫn rạo rực mỗi khi mai đào hé nở. Sinh ra trên mảnh đất buốt lạnh của những đêm đông miền bắc và lớn lên trong cái nắng, cái gió của miền Nam. Sâu thẳm trong tôi là những đêm giao thừa rộn ràng tiếng pháo, tiếng cồng, tiếng chiêng ngày bé. Chiều ba mươi Tết, anh trai cẩn thận treo từng chùm pháo lên cây nêu trước hiên nhà, đúng 4 giờ chiều, khi mâm cỗ tất niên nghi ngút khói hương, tiếng pháo rộn ràng vang lên, báo hiệu một mùa xuân lại về.
Hai đứa em út run run ngắm nhìn xác pháo rơi tả tơi trong gió, ký ức ấy hiện luôn hiện về trong tôi mỗi khi Tết đến xuân về. Giờ đây, tiếng pháo không còn rộn ràng như thuở trước, sắc màu pháo hoa không đủ để xua tan đi cái lạnh của ngày cuối năm.
Bạn bè bảo tôi may mắn vì có quê để về mỗi khi Tết đến. Có lẽ trong nỗi niềm của những người xa xứ đều giống nhau, đều nhớ đến hương vị Tết quê nhà. Nơi đó có cha mẹ, có người thân và cả những cái Tết đã đi qua níu giữ trái tim của mỗi người. Nhiều người nói không thích Tết, không thích cái ồn ào và lễ nghi ngày Tết. Riêng tôi, tôi thích cái đầm ấm ngày Tết, thích cái ồn ào náo nhiệt của những ngày trước Tết, thích cảm giác được hòa mình vào dòng người đổ về chợ Tết, thích được ngồi canh bánh thâu đêm với mẹ cha. Tôi thích được tự tay làm mâm cổ cúng gia tiên sáng mùng một tết, thích được ông bà lì xì lấy may đầu năm, thích được cùng mẹ, cùng cha đi chúc tết ông bà, chú bác, thích được cùng anh chị hì hụi dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, thích được nhìn mấy đứa cháu vui mừng trong tà áo mới để thấy rằng mình đã lớn.
Tết nay, mẹ không còn lo lắng cho từng manh áo mới, cha thảnh thơi dạo chơi chợ Tết tìm kiềm cành đào ưng ý cho ngôi nhà ngập tràn sắc xuân và tôi đã lớn, đã trưởng thành để khao khát niềm vui đoàn tụ ngày cuối năm.
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Tô Thị Thinh Thinh