Ảnh minh họa: Superstock.com. |
Hải Vân (28) tuổi cho biết, đến gặp chuyên gia tâm lý, cô đã phải cải trang từ một cô gái xinh đẹp, hiện đại thành người lôi thôi, xấu xí để qua mắt kẻ vẫn nói "yêu em nhất cõi đời".
Theo lời kể của cô kế toán một công ty về may mặc ở Hà Nội này thì suốt 6 năm qua, cô không được sống một ngày yên ổn vì bị... theo đuổi. Anh chàng này học trên cô một khóa và đã ngỏ lời yêu cô khi học năm thứ 3 đại học. Khi ấy, cô thuộc nhóm hoa khôi trong trường, xinh đẹp, học giỏi nên được nhiều người để ý. Vì không có cảm tình, cô thẳng thắn từ chối và tỏ thái độ ghét ra mặt khi thấy anh ta hay săn đón mình. Những tưởng chàng trai kia sẽ nản lòng mà bỏ cuộc, thế nhưng cô càng xua đuổi, chửi mắng thì anh ta càng đeo bám.
Ngày nào người con trai này cũng gọi điện, nhắn tin với những lời lẽ si mê, rồi thình lình xuất hiện ở những chỗ Vân tới. Khi đã ra trường, đi làm, anh ta còn bỏ cả chỗ làm để dành toàn bộ thời gian lẵng nhẵng bám theo cô. Anh ta còn nói với mọi người rằng mình là người yêu của cô và dọa dẫm tất cả chàng trai nào muốn tiếp cận Vân.
"Cuộc sống của tôi như địa ngục, tôi không biết phải làm sao nữa. Tôi rất nhiều lần nói không bao giờ yêu anh ta nhưng anh ta cứ vờ như không nghe thấy. Tôi đã nhờ bạn bè đến gặp, nói chuyện, thậm chí dọa nạt nhưng anh ta vẫn không thay đổi.", Vân thổ lộ.
Cũng gặp phải một anh chàng "dai như đỉa", Trúc, chủ một quán cà phê gần chợ Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội, mất ăn mất ngủ mấy tháng nay vì bị quấy rối. Trúc cho biết, khi mới quen, cô rất thiện cảm với Đại. Thế nhưng, sau hai tháng hẹn hò, cô thấy anh chàng này hay nói dối và không đáng tin nên muốn kết thúc mối quan hệ. Thế nhưng, Đại không chấp nhận. Ngày nào Đại cũng tìm tới quán của Trúc ngồi hàng giờ, nếu cô tránh mặt, anh ta sẽ không ngừng nhắn tin, gọi điện.
"5 tháng rồi anh ta cứ theo em như bóng với hình. Em phải nhờ người bạn tới trông nom quán hộ vì không muốn gặp anh ta. Nhưng nhiều khi em sốc nặng khi thấy anh ta lù lù xuất hiện lúc em đang đi ăn với bạn, trên đường hay trước cửa nhà người thân em tới chơi", Trúc kể.
Cô cho biết, ban đầu Đại còn kết thân với bạn bè, những nhân viên phục vụ trong quán của cô và luôn tỏ ra rất đáng thương vì bị Trúc phụ tình, khiến những người này quay ra trách móc cô. Về sau, khi cũng quá chán với những màn kể khổ của Đại, mọi người lảng tránh thì anh ta chơi bài lỳ mặt. Hiện tại, Trúc phải chuyển chỗ ở, nhưng không thể bỏ công việc kinh doanh nên mỗi lần tới quán, cô phải cải trang, trùm mặt kín mít, đi xe ôm, đến nơi thì ẩn mình trong phòng quản lý.
Chuyên gia tâm lý Minh Hoa, đường dây tư vấn tâm lý 1088 TP HCM, cho biết, chuyện các cô gái trẻ bị bám đuôi dai dẳng khá phổ biến trong cuộc sống. Bản thân bà từng tư vấn rất nhiều ca như vậy. Bị những "cái đuôi" đeo bám, các cô gái luôn cảm thấy stress, mệt mỏi, công việc và cuộc sống đều đảo lộn, nhiều người còn lỡ dở cả đường tình duyên.
Theo bà Minh Hoa, thường những người đàn ông đeo bám này vì si tình thì ít mà vì vì tự ái thì nhiều. Không ít người khi bị từ chối hay đụng tới sĩ diện, quyết theo đuổi bằng được để chứng tỏ bản thân hay chỉ cho bõ tức. Bởi thế mới có chuyện, có người tìm đủ mọi cách để chinh phục cô gái, không từ bị mắng nhiếc, xua đuổi, nhưng khi người nữ gật đầu thì họ lại quay 180 độ, tỏ ra hờ hững, thậm chí đối xử tệ bạc.
Nhà tâm lý Minh Hoa cho biết, để tránh gặp phải điều này, với những người mình không yêu, ngay từ đầu các cô gái cần thể hiện thái độ dứt khoát nhưng mềm mỏng, tế nhị, tuyệt đối không được xúc phạm họ. Có những cô gái dù không thích nhưng lại ỡm ờ, dùng dằng khiến người kia lầm tưởng và sau đó thất vọng, sinh cay cú. Ngược lại, một số bạn khác tỏ thái độ gay gắt, thậm chí sỉ vả, xua đuổi, làm tổn thương lòng tự trọng của người nam, khiến họ muốn... trả thù. Tất nhiên, cũng không loại trừ trường hợp có thể cô gái không may quen phải những anh vốn tính ích kỷ, hay thuộc hàng "Chí Phèo".
Theo chuyên gia, khi đã trong cảnh bị đeo bám quá mức, người phụ nữ càng cần khéo léo tế nhị để... cắt đuôi. Tất nhiên, tùy từng trường hợp, từng tính cách của đối tượng mà cư xử. Với một số người, việc tránh mặt, không nghe điện thoại hay trả lời tin nhắn... sẽ hiệu quả, nhưng với những người khác lại cần biện pháp khác, như "mượn tạm" một người thân (phải đủ tin cậy) vờ làm người yêu để anh chàng kia ngãng ra. Tuy nhiên, với một số "cây si" quá lỳ lợm, thậm chí hung tợn, thì có thể cần phải nhờ tới người thân, bạn bè can thiệp, thậm chí, có trường hợp phải thuê vệ sĩ bảo vệ, hay báo công an.
Nhà tâm lý chia sẻ, có một khách hàng của bà - là cô sinh viên năm hai, bị một anh "Chí Phèo" để ý và đeo bám. Cô gái quyết liệt từ chối thì anh này càng tấn công mạnh, thậm chí còn ôm cô trên đường và dọa dẫm sẽ giết nếu cô không đáp lại tình cảm. Khi cô kêu cứu, mọi người xung quanh dừng lại thì anh này hô rằng cô là vợ anh và không ai được can thiệp vào chuyện gia đình mình khiến tất cả bỏ đi.
Với trường hợp này, nhà tham vấn phải khuyên cô gái cần có người luôn ở bên bảo vệ, đồng thời, nếu bị anh ta đe dọa bất ngờ, cần kêu "cướp cướp" để mọi người ứng cứu. Khi cô gái thổ lộ ý định sẽ tới cơ quan nhờ công ty đuổi việc anh này, nhà tâm lý khuyên không nên làm vậy, vì khi bị dồn vào đường cùng, anh ta sẽ càng hung dữ và có cớ để phá phách. Sau này, bằng cách nói chuyện mềm mỏng, rồi nhờ chính người thân của anh kia thuyết phục "cái đuôi" đã tự động bỏ cuộc.
Vương Linh
*Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi