Tôi năm nay 83 tuổi, đã từng cùng nhân dân cả nước tham gia và trải qua 4 cuộc chiến tranh để giành lại độc lập tự do cho dân tộc và bảo vệ tổ quốc.
Tôi chưa một lần đến nước Pháp, song qua màn ảnh nhỏ, qua sách báo tôi cũng hiểu biết về tình hình thời sự nói chung của nước Pháp và các nước trên thế giới. Hai tác phẩm nổi tiếng “Những người khốn khổ” của Victor Hugo và “Không gia đình” của Hecto Malot khiến tôi thầm yêu nước Pháp từ lúc tuổi còn thơ.
Ngày ấy tôi còn đang học lớp Elémaintaire (tương đương với lớp 3 bây giờ) tại Ecole de Jeune Fille, tỉnh Yên Bái. Hàng ngày, sau giờ học, trên căn gác, bên cửa sổ thấy thấp thoáng cành của cây Nhội già dưới đường, đung đưa trước gió, tôi say sưa đọc tác phẩm hết ngày này sang ngày khác, quên cả giờ ăn.
Tôi mê man theo bước chân phong trần của bé Rêmi mà nghẹn ngào, thổn thức (Không gia đình). Tôi xót xa thương cảm cho thân phận của Phăng-tin, tôi phẫn uất trước cảnh đời của Giăng-van-giăng (Những người khốn khổ).
Qua tác phẩm cuộc đời phiêu bạt, bơ vơ của Rêmi theo gánh xiếc của cụ Vitali nay đây, mai đó cũng như cảnh ngộ cùng cực, gian truân của một người tù khổ sai, rồi trở thành nhà tư sản như ông Giăng-van-giăng, đã dẫn dắt tôi qua nhiều vùng miền của nước Pháp, giúp tôi hiểu biết được nhân tình thế thái, những cảnh đời sướng khổ, buồn vui, những con người trong các tầng lớp xã hội, những chính nhân quân tử, những tấm lòng vị tha độ lượng như Giám mục Mirien, cha xứ ở Brinhon, những cử chỉ nhân từ bác ái, những đức tính cần cù nhẫn nại vượt qua mọi khó khăn gian khổ để đạt được mục đích; những cảnh thiên nhiên tươi đẹp và thơ mộng Ngay cả thời tiết khắc nghiệt qua các trận mưa tuôn, bão tuyết, lụt lội cũng toát lên hình ảnh của nước Pháp khiến tôi vô cùng cảm kích, kính phục pha lẫn lòng mến yêu thầm kín.
Cảm nhận của tôi không chỉ qua hai tác phẩm trên. Đất nước chúng ta có phần nào đó ảnh hưởng của nền văn minh Pháp. Những công trình nghiên cứu khoa học của Pháp áp dụng trong các lĩnh vực quản lý, điều hành như quy hoạch các vùng miền, phân chia địa lý hành chính các tỉnh thành rất chuẩn xác và hợp lý. Con đường sắt Bắc – Nam dài trên 2.000 km vượt qua bao rừng núi hiểm hóc, bao nhiêu sông ngòi trắc trở, nếu không có những bộ óc thông minh những tinh thần quả cảm thì khó mà thực hiện được.
Nhiều công trình kiến trúc xây dựng đường phố, nhà cửa tại các tỉnh, thành phố lớn dọc suốt chiều dài của đất nước tôi, đều do các nhà kiến trúc tài ba, các nhà khoa học Pháp nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện. Các công trình từ thời thuộc Pháp cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị sử dụng với đầy đủ tính khoa học, tính thời sự và bền vững như cầu Long Biên, Nhà hát lớn tại Hà Nội chẳng hạn.
Các công trình nghiên cứu khoa học về y tế cũng được các nhà khoa học ngành y Pháp nghiêm túc thực hiện. Trong công cuộc đẩy lùi và chấm dứt các dịch bệnh như đậu mùa, dịch tả, thương hàn, lao phổi, cùi hủi, bệnh dại do chó dại cắn. Điển hình như ông Yersin được sử sách lưu danh, được dân chúng kính phục, quý mến cho đến muôn đời sau. Tôi còn nhớ ở một tỉnh miền núi như Yên Bái cũng có một nhà thương làm phúc dành cho những người nghèo đến khám chữa bệnh.
Nhiều danh lam thắng cảnh mà ngày nay các công ty ngành du lịch Việt Nam và chính quyền các địa phương đang tôn tạo, tu bổ và quảng bá như Sa Pa, Tam Đảo, Quảng Ninh, Sầm Sơn, Đồ Sơn, Phát Diệm, Ninh Bình, Phong Nha Kẻ Bàng, cho đến Bà Nà, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu đều do người Pháp phát hiện và xây dựng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam từng có nhận định xác đáng về nước Pháp, và nhân dân Pháp trong nhiều bài viết của Người. Người đã từng sinh sống và hoạt động cách mạng tại thủ đô Paris. Người đã đứng trong hàng ngũ đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp. Từ những mối quan hệ khăng khít đó mà ngày nay giữa Pháp và Việt Nam vẫn giữ mối bang giao thân thiện nhất, hữu nghị nhất.
Trong khuôn khổ, bài viết không cho phép tôi dẫn dụ đầy đủ, song những gì mà người Pháp thực hiện trên quê hương tôi, lớp người tuổi trên 80 chúng tôi đều hiểu biết. Riêng tôi, tôi vẫn kính mến và thầm yêu nước Pháp, cùng những người Pháp chân chính đáng kính từ lúc tuổi còn thơ.
Nguyễn Thị Cẩm Vân