Theo Minh chia sẻ, Hoa, người yêu anh, vốn được bố mẹ chăm bẵm chu đáo như tiểu thư, từ nhỏ đã không phải làm gì, không tiếp xúc gì với bên ngoài nên hầu như không biết gì. Lúc đầu anh đến với cô vì “ở bên cạnh cô ấy tôi cảm thấy thảnh thơi vô cùng, vì cô ấy trong sáng lắm, chẳng phải lo bon chen với đời làm gì. Còn việc phải chăm sóc người yêu thì đó là việc mà một người đàn ông nên làm rồi, nên tôi rất hạnh phúc”. Nhưng cái hạnh phúc ấy không kéo dài lâu. Bây giờ cứ mỗi lần nhìn thấy Minh tất tảvừa lo hoàn thành công việc, vừa lo chuyện đón đưa, ăn uống cho nàng mà đồng nghiệp trong công ty ai cũng ái ngại. Có người bạn từng nói: “Trông cậu ấy cứ như người trông trẻ của cô bạn gái. Nghĩ cũng thương”. Còn bản thân người trong cuộc cũng bắt đầu “nhận ra rằng cô ấy không bao giờ có thể trưởng thành lên được. Nhiều khi muốn được người yêu một lần đem cơm đến cho mình, hay tự lái xe đến công ty đợi mình…, nhưng đó là điều không tưởng. Bây giờ yêu còn có thể chịu được. Sau này nếu lấy nhau rồi, tôi cũng không biết sẽ thế nào nữa”, anh Minh thở dài nói. Nhận xét về tuýp người này, bác sĩ tâm lý Lê Thị Thanh Tâm, Trung tâm tư vấn tâm lý tổng đài 19001080, thừa nhận hiện nay những cô gái giống như “búp bê trong tủ kính” không phải là hiếm trong xã hội. “Biểu hiện của những cô gái này là sự kém hiểu biết về các kĩ năng sống đơn giản mà một người bình thường cần phải có. Họ thường là những người rất trẻ con, nông nổi, thậm chí không phân biệt được đâu là đúng đâu là sai. Tình trạng này đã gây nên rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của họ, và trong chuyện tình yêu cũng nhiều khi vấp phải những tình huống dở khóc dở cười”. Anh Trung (30 tuổi), nhân viên của một công ty xây dựng ở phố Lê Văn Lương, Hà Nội cũng đã "lãnh đủ" với cô người yêu quá ngây ngô của mình. “Cô ấy còn ngây ngô hơn một đứa học sinh tiểu học”, anh Trung vừa cười vừa nói. Anh kể hồi đầu mới gặp nhau anh cứ tưởng Phương (tên cô gái) mới chỉ học lớp 11, 12 gì đó vì trông cô rất trẻ con mà hỏi cái gì cũng không biết, nhưng sau đó mới hay cô đã tốt nghiệp đại học. “Khi nhận lời yêu, chúng tôi mãi mới có nụ hôn đầu tiên, và hôn xong thì tôi té ngửa khi nàng bắt đầu khóc nức nở. Gặng hỏi mãi nàng mới nói 'Em sợ có thai lắm!', khiến tôi phải an ủi mãi, rồi dẫn nàng đi mua một đống sách về kĩ năng sống. Càng yêu càng thấy nàng chẳng biết một cái gì”, Trung kể. Phương vốn là con gái rượu duy nhất của gia đình nên từ nhỏ đã được bố mẹ nâng niu hơn cả công chúa. Cô không bao giờ đi đâu mà không có mẹ hoặc bố đi cùng, cho đến khi yêu Phương, Trung cũng phải đến tận nhà xin phép được đi lại, qua vài vòng “kiểm tra” mới được chấp nhận. Từ lúc đấy anh đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc, đưa đón Phương. Trung tâm sự anh luôn có ý thức tạo điều kiện cho Phương được va chạm với thực tế. "Vì tôi muốn cô ấy thật sự trưởng thành đúng với số tuổi của mình, để có thể tự chủ được trong cuộc sống. Dù thay đổi cô ấy là rất khó khăn, nhưng nguyên nhân sâu xa không phải do cô ấy, mà chính là vì bố mẹ cô ấy, vì vậy vẫn có thể thay đổi được”, anh vui vẻ nói. Là người đã tư vấn cho anh Trung về việc “đối phó” với cô người yêu quá tiểu thư của mình, chuyên gia tư vấn Thanh Tâm cho rằng “Cần phải có sự thông cảm và chia sẻ để giúp những cô gái ấy có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực, tức là trưởng thành hơn cùng các kĩ năng sống tốt hơn. Nếu không sẽ rất dễ xảy ra chuyện đổ vỡ tình cảm khi hai người không thể nào thoát ra khỏi cái “tủ kính” ấy. Bà từng gặp trường hợp một anh nhân viên bán hàng sách, yêu cô gái năm 2 trường Đại học Sư Phạm, hai người đã chia tay nhau chỉ sau 3 tháng nhận lời yêu, bởi anh chàng nọ đã quá mệt mỏi khi cứ phải phục vụ, lo lắng, chăm sóc cô gái như một người bảo mẫu. "Tôi cần một người để chăm lo, chia sẻ với mình chứ không phải là một đứa trẻ con”, anh nhân viên nọ từng đau khổ tâm sự với bà Thanh Tâm. Cũng theo nhà tâm lý, chuyện các cô gái "trong tủ kính" không thể đổ lỗi hoàn toàn cho họ, mà chính bản thân cha mẹ các cô cũng là người phải chịu trách nhiệm. "Yêu con, thương con cũng chính là để con cái mình có thể tự lập, tự chủ. Chỉ có như vậy con mới không bị bỡ ngỡ trong bất kì chuyện gì của cuộc sống này”. Thụy Anh |