Trước khi quyết định tham gia biểu tình ngày 11/5, bày tỏ thái độ của cá nhân trước hành động bất chấp công lý, luật lệ biển quốc tế của nhà cầm quyền Trung Hoa khi họ đã đặt giàn khoan trên thềm lục địa của Việt Nam, tôi nghĩ mãi cho câu khẩu hiệu sẽ hô và bắt nhịp cho bạn bè, anh em, con cháu của chúng tôi sao cho ngắn gọn và tỏ rõ thái độ, lại mang khí thế của người Việt Nam ta.
Khẩu hiệu hô trước đám đông thì phải ngắn và mang hàm ý bao quát, sâu rộng. Là một người từng tham gia 11 năm chiến tranh với Mỹ, từ 1965 tới 1976, lại là một nhà văn, tôi chọn sự hai cặp từ mà tự chúng tương xứng về âm ngữ, khi hô dễ tạo nên sức mạnh của ngôn ngữ, lại gói ghém nội dung quyền biển và đảo của Việt Nam chúng ta. Vậy thì cặp từ: Hoàng Sa – Việt Nam; Trường Sa – Việt Nam thích hợp và mang đầy đủ ý nghĩa ấy.
Đúng 8h30 tôi đến vườn hoa Lê Nin. Tôi bảo họa sĩ điêu khắc Lê Đình Nguyên mua vài chai nước. Đúng 9h, chúng tôi sang đường, qua bức tượng Lê Nin quen thuộc. Mới chạm vào vườn hoa, tôi đã nghe âm thanh ầm ầm như sóng lớn, nghe rõ tiếng của hàng ngàn người hô vang: Trường Sa – Việt Nam và Hoàng Sa – Việt Nam. Tự dưng khi ấy tim tôi đập gấp và trong người như có một dòng điện chạy rất nhanh.
Tiến lên vào đám đông kia! Tôi nói với hai người bạn và hai nhà báo. Len lỏi và trong đám đông nghèn nghẹt ấy đầu choáng lên vì tiếng hô tiếng hát, tôi bỗng thấy một xe ba bánh của anh em thương binh tiến vào và rẽ đám đông đậu sát hàng rào ngăn cách vườn hoa với con đường trước cổng sứ quán Trung Hoa.
Chiếm lấy điểm cao! Tôi nói và cùng Nguyên rẽ mọi người ra tiến sát chiếc xe.
Cho tôi lên nóc xe! Tôi nói với một người mặc quân phục sờn cũ, ngực đeo huy hiệu thương binh, áng chừng là chủ xe. Trên nóc xe khi ấy đã có ba thanh niên hô vang các khẩu hiệu, cùng phất cao cờ tổ quốc! Anh mà lên nữa là xe lật. Nặng bồng nhẹ tếch mà! Bảo một người xuống cho nhà văn già này lên. Đây là nhà văn Nguyễn Văn Thọ! Họa sĩ nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên nói với anh thương binh. Người thương binh nhìn tôi thăm dò không chớp mắt. Hãy cho tớ lên! Mình cũng là lính cựu đây. Anh lên đi! Người ta công kênh tôi leo lên nóc xe. Tôi cũng không biết làm sao mà tôi leo lên nhanh thế.
Nhìn thấy một người gầy gò, lớn tuổi trèo lên xe, chừng nhiều người nhận ra tôi, như đồng loạt họ hoan hô vỗ tay rào rào. Tôi lấy bình tĩnh căng lá cờ tổ quốc đỏ thắm lên, chắn lấy người tôi. Lá cờ này đã từng thấm máu bao con dân đất Việt trong bao cuộc chiến suốt 50 năm qua. Như có một sức mạnh vô hình thúc giục, tôi bỗng thét vang: Trường Sa... như sóng trào hàng nghìn giọng cùng thét lên: Việt Nam. Tôi lại hô tiếp Hoàng Sa. Lại hàng nghìn tiếng hét vỡ lồng ngực: Việt Nam. Cứ thế khoảng 10 phút, tôi thét vang như vỡ lồng ngực, để bao người Hà Nội đứng kín vườn hoa hô vang theo những khẩu hiệu bầy tỏ ý chí bảo vệ non sông gấm vóc Việt Nam, làm nên tiếng dậy đất.
Trời khi ấy rất nóng, lại đông người, tôi cũng đã 66 tuổi nên mồ hôi ra đầm đìa, thấm mệt, nhiều cánh tay đưa lên đỡ tôi từ nóc xe xuống tiếp đất để anh em khác thay tôi lên hô khẩu hiệu. Tôi vừa chân chạm đất thì thật bất ngờ. Họa sĩ Lý Sơn nổi tiếng, tóc giờ đã bạc từ đâu lao tới và chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Lý Sơn là lứa sinh viên tổng động viên 1972 và là cựu binh thuộc trung đoàn tôi cùng tôi đánh từ cao nguyên Buôn Mê Thuột xuống tận Sài Gòn và chúng tôi là lớp người còn sống sót sau chiến tranh. Cả hai đều không nói lên lời, như tình yêu vốn không bao giờ có lời. Tôi ứa nước mắt nhận ra nhiều người khác quanh đó có mặt tại cuộc biểu tình này, bày tỏ một trách nhiệm với đất nước, một ý thức công dân trước quyền lợi của Tổ quốc đang bị xâm lăng đe dọa.
Một nữ phóng viên trẻ xinh đẹp, gí micro nhỏ vào sát mặt tôi: cho phép tôi phỏng vấn anh! Chị là ai? Tôi hỏi. Em là phóng viên của báo Mỹ... Vì sao anh có mặt ở nơi đây? Tôi ấy à! Tôi là công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hôm nay tôi đến để bày tỏ thái độ phản đối giàn khoan của nước Trung Hoa đặt trên Biển Đông. Là con dân, phải tranh đấu cho quyền lợi của đất nước. Ở không khí này, tôi được sống lại tuổi hai mươi cùng với bè bạn, đồng đội của tôi, cùng với con cháu, lớp trẻ sẽ thay chúng tôi giữ nước... Cả thế giới đã đang ủng hộ Việt Nam, bạn hãy nói với nhân dân Mỹ, những người yêu chuộng hòa bình, dân chủ, tự do, các bạn hãy ủng hộ Việt Nam...
Gần hai tiếng sau, tôi trở về nhà. Ngôi nhà nhỏ của tôi nằm chìm trong làng hoa Ngọc Hà. Tôi vào nhà, ôm chầm lấy đứa con 11 tháng tuổi của tôi, đứa con trai bé bỏng. Tôi muốn nói với cháu rằng, cha yêu hòa bình lắm, có được hòa bình chúng ta mới yên hàn để xây dựng đất nước. Các con sẽ không đau khổ như cha, sẽ không có hận thù, không có đổ máu. Các dân tộc mơ ước sống chung trên trái đất xanh này. Nhưng tôi đã nghẹn lời, không thể nói ra lời yêu.
Trước khi ra đường, tôi đã viết bài: 'Thơ cho con trai trước khi đi biểu tình'
Trước khi ra đường cha sẽ hôn con
như những người cha trên đảo Lý Sơn sớm nay lên thuyền đi vào biển mặn
chúng ta hôn lên đôi môi của đứa con trai
dặn ở lại,
mai con của ta sẽ là tráng đinh giữ nước!
Chúng ta hôn lên má lên môi
những thiên thần
lấy thêm sức mạnh
Là thêm mùi hương từ những cánh hoa
lấy thêm mùi đất của những góc nhà
những cánh rừng già
những con phố
ẩm mùi rêu mốc
nơi từng viên gạch vỡ
cha đã thuộc lòng
ở bài học đầu tiên
khi ông con nói về tình yêu xứ xở
Trước khi ra đường cha sẽ hôn con
và ánh mắt cha dịu dàng trăm ngàn điều dặn
tiếng yêu vẫn không lời
gửi nhiều lắm con ơi.
Về bản chất lòng tham của nhà nước Trung Hoa bấy nay không thay đổi, nhất là khi hôm nay tình hình thế giới hỗn độn và phức tạp, Trung Hoa chơi trò "đục nước béo cò".
Nhưng cũng về bản chất, người nước Nam trọng danh dự, người Nam đầy khí tiết, con dân nước Nam vốn có phẩm giá, bất kể họ là ai, giàu như nghèo, Bắc hay Trung hoặc Nam, chúng ta không bao giờ chịu bán một tấc đất, một li biển, một hạt cát trên biển Đông, bởi vì chúng thấm máu của cha ông chúng ta.
Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhưng Việt Nam cần có công lý cho quyền biển đảo, Trung Hoa không được thực hiện mưu đồ của nước các người trên xứ xở, đất đai, sông biển của Việt Nam.
Hãy thét to lên cho vỡ tung lồng ngực, cho cả thế giới biết rằng, nước Nam này của người Việt Nam, Biển Đông là của con dân Đại Việt, là đất có chủ, biển có thuyền, không thể cho Trung Hoa biến biển ta thành ao nhà của chúng.
Nguyễn Văn Thọ