Vừa thay xong, chui khỏi gầm xe tôi thấy hàng xóm lù lù xuất hiện. Đó là người đàn ông đã già vẫn thường hay cười với tôi qua hàng rào hoa. Nhìn vào khay dầu tôi đang bưng, ông nghiêm khắc nói: “Nếu tôi báo cảnh sát. Cậu sẽ phải chịu phạt 500 mark. Tôi không báo vì chắc cậu không biết. Lần sau không được thay dầu ở vườn mà phải vào gara hoặc ra cây xăng". Tôi cãi rằng tôi đã có khay đựng dầu thừa. Nhưng ông tủm tỉm cười rồi bảo tôi cúi xuống, chỉ cho tôi cái vít đáy dầu: “Cậu nhìn kìa, dầu là loại vật chất dính dớt. Cậu cẩn thận đến đâu thì vẫn có vài giọt chảy ra cái vít kia và rớt xuống vườn. Ai cũng như cậu thì mảnh đất của chúng ta sẽ nhiễm độc. Con cháu chúng ta sẽ chịu hậu quả khi sống ở đây”. Tôi vội vàng xin lỗi và cảm ơn ông.
Sau này, mỗi lần chúng tôi ngồi bên nhau ở chiếc băng gỗ, thưởng thức bia dưới những gốc anh đào trĩu trịt chùm quả đỏ ối, tôi đều nhớ về lời nói của ông, về tình yêu ông dành cho mảnh vườn đã gắn bó gần 90 năm.
Cũng sau những ngày nước Đức thống nhất, nhà máy nơi tôi làm việc giãn thợ để chuẩn bị bán toàn bộ cho Ấn Độ. Quá trình bàn giao kéo dài nhưng suốt nửa năm trời, ở đây không xẩy ra một vụ trộm cắp hay thâm hụt tài sản nào. Tôi ngạc nhiên lắm bởi nhà máy rất rộng, ba phía rừng và ruộng lúa mì bao bọc nên nếu ai có ý đồ xấu thì việc nhặt nhạnh một ít linh kiện vi điện tử không phải là chuyện khó khăn gì. Làm sao người ta quản lý nổi. Đem chuyện hỏi anh bạn thân Lotar, trưởng phòng bảo vệ, cậu nói: “Nhà máy có gần 10 nghìn m rào, 25 bảo vệ dưới quyền, có ba đầu sáu tay cũng không sao bao quát hết. Đông Đức đã tan rã, suốt cả năm nay công nhân và cán bộ đều hiểu, nhà máy là tài sản của nước Đức, của dân tộc Đức chứ không riêng của chính thể nào”.
Câu chuyện của một người Đức đã sắp từ biệt thế giới và tâm sự của cậu bảo vệ Lotar làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi bỗng hiểu ra, rằng đất nước họ trở nên tươi đẹp như vậy, có lẽ nhờ từng con người biết yêu thương và biết cẩn trọng gìn giữ thứ mình yêu thương như thế. Họ giàu mạnh như vậy là nhờ những cá nhân không bao giờ lợi dụng chức vụ hay tình hình rối ren của đất nước để làm những việc tổn hại tới lợi ích của cộng đồng.
Ở Việt Nam, trong những ngày Đại hội thi đua yêu nước vừa qua, tôi cũng đã được nghe kể về những câu chuyện như thế. Ông nông dân Nguyễn Tấn Bện chế tạo ra cái máy cuốn rơm để giải phóng bớt sức lao động cho bà con; cậu tiến sĩ trẻ Nguyễn Bá Hải sáng chế ra chiếc kính dẫn đường cho người mù... Họ đều làm nhiều nói ít. Còn khi phải nói, ông nông dân nói thế này: “Mình chỉ biết làm tốt công việc của mình thôi chứ không biết nói”, còn cậu tiến sĩ: “Chúng ta hãy ít than thở đi và cống hiến nhiều hơn”.
Tôi tình nguyện đi bộ đội từ năm 16 tuổi, trải qua 11 năm giáp mặt với đạn bom và sống phần còn lại của cuộc đời với những cơn ác mộng ám ảnh thường xuyên. Tôi từng nghĩ không còn sự cống hiến nào cho đất nước cho dân tộc lớn hơn điều đó.
Nhưng lòng yêu nước, sự cống hiến trong thời bình không đòi hỏi mỗi cá nhân phải đem tính mạng mình thử thách trước bom đạn của kẻ thù, bởi đất nước không còn chiến tranh nữa. Dẫu vậy, đây vẫn là một sự thử thách khắc nghiệt chống lại lòng ích kỉ, lòng tham của từng cá nhân trước tài sản của quốc gia hay quyền lợi của cả cộng đồng.
Yêu một thứ gì đó là trân trọng, giữ gìn hoặc chí ít là không làm tổn hại đến nó. Tôi nghĩ, tình yêu đất nước cũng dễ hiểu như thế thôi.
Nguyễn Văn Thọ